Sinh viên sẽ được thuê nhà ở xã hội

Cập nhật 20/01/2013 08:12

Bộ Xây dựng vừa hoàn chỉnh lần cuối Dự thảo Nghị định về quản lý sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước. Trong đó, lần đầu tiên đưa ra quy định cho sinh viên được thuê nhà ở xã hội, mở ra hướng mới về nơi ở cho đối tượng này.
 


Nhiều đối tượng thuộc diện thuê, thuê mua nhà

Theo Dự thảo Nghị định, nhà ở thuộc sở hữu nhà nước bao gồm nhà ở công vụ, nhà ở xã hội, nhà ở sinh viên, nhà ở cũ (nhà ở được tạo lập bằng vốn từ ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc sở hữu khác được chuyển sang xác lập thuộc sở hữu nhà nước và được bố trí sử dụng vào mục đích để ở theo quy định của pháp luật, bao gồm cả nhà ở thuộc diện tự quản).

Những đối tượng thuộc diện được thuê, mua nhà ở xã hội thuộc sở hữu Nhà nước bao gồm: Người có công với cách mạng quy định tại Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng; cán bộ, công chức, viên chức; sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thuộc lực lượng vũ trang nhân dân hưởng lương từ ngân sách nhà nước; công nhân làm việc tại khu công nghiệp, cụm khu công nghiệp và các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài khu công nghiệp; người thu nhập thấp, hộ nghèo có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị; người khuyết tật, người già cô đơn và các đối tượng đặc biệt có khó khăn về nhà ở tại khu vực đô thị.

Một trong những đối tượng được thuê nhà ở xã hội được quy định trong Dự thảo Nghị định lần này là sinh viên đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề, trung cấp nghề. Trường hợp đơn vị không có đủ chỗ ở để bố trí theo yêu cầu thì thực hiện cho thuê theo thứ tự ưu tiên: sinh viên là con của gia đình thuộc diện chính sách, thuộc diện hộ nghèo theo quy định của Nhà nước; sinh viên vùng sâu, vùng xa, ngoại tỉnh; sinh viên học giỏi; sinh viên năm đầu tiên.

Trong vòng 10 năm, không được chuyển nhượng nhà thuê mua

Theo Dự thảo Nghị định này, người được thuê mua nhà ở xã hội phải thanh toán ngay lần đầu tiền thuê mua bằng 20% giá trị của nhà ở và phải có hộ khẩu thường trú hoặc có hợp đồng lao động có thời hạn từ một năm trở lên và có đóng bảo hiểm xã hội tại địa phương nơi có nhà ở cho thuê...

Người thuê mua được phép thực hiện các giao dịch về nhà ở sau khi đã trả hết tiền thuê mua cho bên cho thuê mua theo hợp đồng đã ký kết và đã được cấp giấy chứng nhận. Người thuê mua nhà ở không được cho thuê, cho thuê lại, thế chấp hoặc chuyển nhượng nhà ở dưới mọi hình thức khi chưa thanh toán hết tiền thuê mua nhà ở và chưa đủ thời gian tối thiểu là 10 năm, kể từ thời điểm ký hợp đồng thuê mua nhà ở.

Trong trường hợp nếu người thuê mua đã trả đủ tiền trước thời hạn 10 năm mà có nhu cầu bán lại nhà ở đó thì chỉ được bán lại cho cơ quan quản lý nhà ở hoặc bán lại cho đối tượng được thuê mua nhà ở xã hội theo quy định tại Nghị định này. Giá bán lại nhà ở thuê mua không được cao hơn mức giá nhà ở xã hội cùng loại tại thời điểm bán lại nhà ở đó.

Nghị định này sẽ thay thế Nghị định số 61/CP ngày 05/7/1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở và các nghị định liên quan, đồng thời bãi bỏ Quyết định số 188/1998/QĐ-TTg và Quyết định số 189/1998/QĐ-CP về việc bán nhà biệt thự tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Hà Nội, các quy định tại Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở và các văn bản trái với Nghị định này.

Sẽ tiếp tục thực hiện việc bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của Nghị định số 61/CP của Chính phủ đối với các trường hợp đã nộp đơn đề nghị mua nhà ở trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành và các trường hợp nộp đơn đề nghị mua nhà ở trong thời gian sáu tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.
 

DiaOcOnline.vn - Theo PLVN