Siêu thị, cầu cống... sắp được cấp giấy hồng

Cập nhật 25/05/2009 11:50

Phí cấp giấy hồng lần đầu (được thu theo diện tích sàn xây dựng của công trình) với công trình có diện tích dưới 500 m2 là 200.000 đồng một giấy, công trình có diện tích từ 500 m2 đến dưới 1.000 m2 là 350.000 đồng một giấy, công trình có diện tích từ 1.000 m2 trở lên là 500.000 đồng một giấy.

Trên đây là nội dung trong dự thảo quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng (giấy hồng) do Sở Xây dựng TP HCM vừa trình UBND TP HCM.

Theo dự thảo, cá nhân, tổ chức có công trình xây dựng trên đất đủ điều kiện, phù hợp mục đích sử dụng đất và quy hoạch xây dựng tại TP HCM, sắp tới sẽ được cấp giấy hồng.

Tuy nhiên, một số trường hợp như công trình thuộc sở hữu toàn dân, đã có quyết định hoặc thông báo giải tỏa, phá dỡ; không phù hợp mục đích sử dụng đất, không phù hợp quy hoạch xây dựng; đã có thông báo thu hồi đất; có tranh chấp khiếu nại về quyền sở hữu, thì sẽ không được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.

Mức phí cao nhất là 500.000 đồng


Sở Xây dựng được UBND thành phố ủy quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình cho cơ sở tôn giáo, tổ chức trong nước, tổ chức nước ngoài. UBND quận, huyện cấp giấy hồng cho cá nhân. Ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế cấp giấy hồng cho tổ chức có công trình xây dựng tại các khu này.

Dự thảo quy định cụ thể phí cấp giấy hồng cho công trình xây dựng. Phí cấp lần đầu (được thu theo diện tích sàn xây dựng của công trình) với công trình có diện tích dưới 500 m2 là 200.000 đồng một giấy, công trình có diện tích từ 500 m2 đến dưới 1.000 m2 là 350.000 đồng một giấy, công trình có diện tích từ 1.000 m2 trở lên là 500.000 đồng một giấy. Phí cấp đổi, cấp lại giấy hồng, xác định thanh đổi trên giấy hồng là 50.000 đồng một giấy.

Thời hạn cấp giấy chứng nhận là 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Riêng trường hợp cấp giấy hồng cho tổ chức, cá nhân nhận dịch chuyển quyền sở hữu công trình thì thời hạn là 15 ngày làm việc.

Công trình trái phép cũng được cấp


Dự thảo của Sở Xây dựng cũng đưa ra quy định cấp giấy hồng đối với các công trình xây dựng trái phép (không phép, sai phép) trước ngày 1/7/2004 (ngày Luật Đất đai có hiệu lực). Đối với các trường hợp này, trong thành phần hồ sơ phải có thêm quyết định phạt về hành vi xây dựng trái phép, hoặc quyết định cho tồn tại của UBND quận, huyện.

Với loại công trình trên, bản vẽ phải được kiểm tra ngoại nghiệp và cơ quan cấp giấy hồng xác nhận phần xây dựng trái phép phù hợp quy hoạch. Nếu công trình phù hợp quy hoạch, mà không phù hợp về kiến trúc thì vẫn được cấp giấy hồng, trừ phần không phù hợp kiến trúc. Công trình có một phần diện tích xây dựng nằm ngoài ranh đất được giao, không phù hợp quy hoạch chi tiết 1/500, không phù hợp mục đích sử dụng đất thì chỉ công nhận và cấp hồng cho phần phù hợp quy hoạch.

Công trình xây dựng sai phép sau ngày 1/7/2004 chỉ được cấp hồng khi chủ đầu tư đã thực hiện xong quyết định phạt trong xây dựng.

Giấy hồng cũng có những rắc rối nhất định

Việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu cho công trình xây dựng sẽ gây ra những rắc rối nhất định. Trường hợp chủ sở hữu công trình xây dựng đồng thời là chủ đất (có quyền tương tự như chủ sở hữu), thì việc cấp giấy chứng nhận sở hữu là hoàn toàn xác đáng. Nhưng nếu công trình xây dựng của người này, mà lại “ngự” trên đất của người khác, thì quyền sở hữu công trình bị lệ thuộc hoàn toàn vào chủ đất. Giấy hồng lúc này chỉ ghi nhận “phần xác” của công trình, còn “phần hồn” thì lại “chập chờn” vì hoàn toàn dựa vào sự thỏa thuận tay đôi giữa chủ công trình và chủ đất.

Ví dụ, có thể xảy ra tình huống, vừa được cấp giấy hồng thì cũng đến lúc phải hủy bỏ do hết thời hạn mượn đất, thuê đất. Giấy hồng là bằng chứng pháp lý để giao dịch mua bán, thế chấp, chuyển nhượng, nhưng vì nó tách rời, không có mối liên hệ chặt chẽ với đất, nên giao dịch sẽ gặp nhiều khó khăn và phiền toái. Vì vậy, cái giấy hồng có giá trị rất cao về mặt pháp lý kia, rất có thể là cái “bẫy” trong nhiều quan hệ kinh doanh và dân sự.

Tuy nhiên, việc cấp giấy hồng sẽ giúp mọi việc trở lên rất rõ ràng, thể hiện tốt một trong những vai trò cơ bản của Nhà nước là bảo hộ quyền sở hữu của công dân và pháp nhân. Điều này sẽ tạo thuận tiện cho các chủ thể là cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cá nhân, từ công chứng, ngân hàng … đến tất cả các hoạt động liên quan đến giao dịch bất động sản như mua bán, chuyển nhượng, thế chấp, đền bù và giải toả. (Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật BASICO)

Công trình xây dựng sắp được cấp giấy hồng:

- Công trình công nghiệp, giao thông (như nhà xưởng, nhà máy, xí nghiệp, cầu cống, hệ thống cấp-thoát nước).
- Công trình dân dụng (trừ nhà ở riêng lẻ và căn hộ chung cư, như cao ốc văn phòng, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ búa).
- Công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội (như trường học, bệnh viện, bưu điện, trụ sở cơ quan hành chính nhà nước).
- Công trình xây dựng thay đổi công năng sử dụng (nhà ở thành công trình xây dựng).


DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt