Đề án quy hoạch khu phố đi bộ 221 ha do Sở Xây dựng trình UBND TP.HCM phê duyệt đang trở thành chủ đề gây xôn xao mấy ngày qua.
Muốn xây dựng gì cũng phải kỹ càng, đừng hô hào chương trình lớn, chạy theo phong trào. Cần phải xem lại quy hoạch cho kỹ càng, đừng để xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo khi triển khai các dự án bãi đỗ xe trong trung tâm thành phố mà giờ lại lập phố đi bộ, không cho xe vào KTS Đoàn Hữu Doãn |
“Người bình thường thì không biết làm sao chạy xe vào nhà, người bán hàng, kinh doanh thì thiệt hại tài chính. Thành phố mà cứ nhất quyết đòi làm thì chỉ có cách bù lỗ lớn cho dân, chứ làm gì có cách nào khác mà tháo gỡ khó khăn”, ông Mai nói thẳng.
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, Ủy viên Hội đồng tư vấn khoa học kỹ thuật môi trường - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc VN TP.HCM, cho rằng nếu thành phố có được phương án tổ chức hợp lý, giảm bớt đến mức tối thiểu khó khăn cho dân thì tự người dân sẽ xác định được đây là nghĩa vụ công dân phục vụ quyền lợi chung của xã hội. “Tuy nhiên phải đặt lợi ích của dân lên đầu. Ví dụ như đối với những hộ dân có nhà trong khu đi bộ, cần có bãi đỗ xe tiện nhất có thể cho dân, có những phương tiện giao thông công cộng phục vụ đi lại cho họ. Còn đối với những người cần phải đi qua khu đi bộ mới đến được chỗ làm, phải thiết kế đường đi vòng ngắn nhất, có bảng chỉ dẫn, người hướng dẫn cụ thể để những người từ địa phương khác tới cũng không gặp khó khăn trong việc xác định đường”, vị này đề xuất.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Minh Đồng cũng hiến kế: “Thành phố không nên quá cứng nhắc chuyện cho xe đi lại bên trong khu vực đi bộ. Đấy là tước quyền tự do của người dân. Ở nước ngoài họ có cách tổ chức rất tốt, có thể học tập. Đơn cử như có thể thiết kế vành đai hai bên cho dân có nhà nằm trong khu đi bộ được phép di chuyển với điều kiện có tem dán trên bảng số. Quy định vận tốc xe ở mức nào cho phù hợp, đồng thời sắp xếp các bồn hoa theo hệ thống để hạn chế tình trạng xe chạy nhanh, lạng lách đánh võng. Vì không phải tất cả người dân đều có thể đi bộ xa như vậy, phải tính đến người già, trẻ em nên nếu được có thể bố trí các xe đạp bên trong khu đi bộ để phục vụ mọi nhu cầu của dân”.
Không gay gắt phản đối đề án, nhưng KTS Nguyễn Hoàng Mạnh đề nghị thành phố cùng các sở, ban, ngành liên quan cần phải có hoạch định rõ ràng, cẩn trọng, từng bước phát triển đề án theo lộ trình: “Trước khi triển khai, cần giải tỏa, quy hoạch hạ tầng một cách đồng bộ, thiết kế các phương tiện giao thông công cộng, giải quyết vấn đề giao thông một cách có lợi nhất cho người dân. Chưa giải quyết được thì đừng triển khai”. Thêm vào đó, ông Mạnh đề xuất thành phố nên tuyên truyền cho người dân hiểu rồi hình thành thói quen sử dụng các phương tiện giao thông công cộng.
“Vấn đề này phải có sự tham gia của tất cả các ban bộ về cả giáo dục, tâm lý, xã hội... Thay đổi toàn bộ cục diện về nhận thức không thể một sớm một chiều là xong. Căn bản phải đảm bảo tất cả lợi ích của người dân về kinh tế, giao thông, hạ tầng, như vậy mới mong dân ủng hộ. Muốn thế phải có quá trình lâu dài chuẩn bị, hoạch định rõ ràng theo lộ trình”, ông Mạnh nói.
Cân nhắc quy hoạch bãi đỗ xe
KTS Khương Văn Mười, thuộc Hội Kiến trúc sư VN, nêu quan điểm: Nếu tổ chức được phố đi bộ, bố trí các xe công cộng như xe buýt điện, monorail để vận chuyển hành khách vào trung tâm như vậy là rất lý tưởng, góp phần tạo sự sống động đô thị, thúc đẩy các hoạt động văn hóa, du lịch của thành phố. Điều quan trọng, theo ông Mười, là phải bố trí được các bãi đỗ xe ở các cửa ra vào khu phố đi bộ. Nên bố trí nhiều bãi đỗ xe nhỏ thay vì bãi lớn, vì các bãi đỗ xe lớn sẽ thu hút nhiều lượng xe vào, dễ gây ùn tắc. Đồng thời phải bố trí một số tuyến đường cho xe phòng cháy chữa cháy, xe cứu thương vào trong phố đi bộ trong trường hợp có tai nạn xảy ra.
Về việc quy hoạch khu trung tâm thành phố đi bộ có mâu thuẫn với quy hoạch các bãi đậu xe ngầm, bãi đậu xe thông minh, ông Mười nói: “Hiện tại TP.HCM đang thiếu bãi đậu xe, nên việc quy hoạch các bãi đậu xe trong trung tâm là hoàn toàn phù hợp với tình hình hiện tại, giúp giải quyết được những vấn đề trước mắt. Việc quy hoạch phố đi bộ là lâu dài, còn quy hoạch trước mắt phải giải quyết được các vấn đề cấp bách hiện tại, sau đó sẽ xem xét điều chỉnh lại”.
Theo KTS Phạm Phú Cường - Đại học Kiến trúc TP.HCM, chủ trương của Sở GTVT là đúng vì phố đi bộ là đặc trưng của các thành phố phát triển nhằm giảm lượng xe vào trung tâm, giảm thiểu ô nhiễm không khí, tiếng ồn, đồng thời thúc đẩy người dân đi bộ, tăng cường hoạt động du lịch và thương mại. Tuy nhiên, ông Cường cũng thừa nhận, về quy mô của đề án cần phải có thời gian để đánh giá lại. “Ở các nước phát triển, hệ thống giao thông công cộng hiện đại, kết nối tốt nên việc tổ chức phố đi bộ được tiện lợi, còn ở TP.HCM giao thông công cộng vẫn chưa phát triển, giao thông ngầm chưa được định hình, dẫn đến việc người dân sử dụng phương tiện cá nhân nhiều, trong khi đường thì nhỏ, bãi đỗ xe thì thiếu. Việc quy hoạch phố đi bộ nên tổ chức đồng bộ với phát triển giao thông công cộng thay vì xây dựng thêm bãi đỗ xe, vì càng nhiều bãi đỗ xe phía ngoài khu đi bộ sẽ càng gây ách tắc giao thông”, ông Cường nói.
Muốn xây dựng gì cũng phải kỹ càng
Không ủng hộ việc quy hoạch khu trung tâm TP thành phố đi bộ, PGS-TS Hồ Thanh Phong, Hiệu trưởng Trường đại học Quốc tế TP.HCM, nói thẳng: “Ý tưởng xây dựng một khu vực rộng lớn để làm khu đi bộ là không hay, vội vã và không khả thi. Kết nối giao thông hoàn toàn bất tiện, vì hiện giờ đường đã chật, người đông, không còn chỗ đỗ xe thì việc xây một khu phố đi bộ rộng lớn thế này ngay giữa trung tâm sẽ làm kết nối giao thông trở nên hết sức phức tạp”. Nói về bãi đậu xe, ông Phong nhìn nhận bãi đậu xe hoàn toàn không khả thi. “Giả sử rằng nhu cầu đi lại vẫn như cũ, theo tính toán sơ bộ thì cần bãi đậu xe lớn hơn 10 ha cho các xe hiện giờ đậu lại, và bãi xe này phải ở Q.1, gần khu đi bộ! Rõ ràng yếu tố kỹ thuật và kinh tế hoàn toàn không thỏa cho phương án này. Hơn nữa, người dân có nhu cầu đi lại qua khu vực này sẽ phát sinh thêm hành trình mới và khả năng tắc nghẽn là rất cao”. Ông Phong cũng bày tỏ lo ngại rằng khách du lịch lưu trú tại trung tâm rất có khả năng sẽ chuyển đến nơi khác, khiến khu đi bộ trung tâm vắng người, vắng xe, còn các vùng xung quanh thì kẹt cứng.
Đồng quan điểm với PGS-TS Hồ Thanh Phong, KTS Đoàn Hữu Doãn cho rằng phố đi bộ không phải cứ nói là làm. Có thể thấy được phố đi bộ Nguyễn Huệ hiện nay vẫn không đạt được hiệu quả như mong muốn về văn hóa, giáo dục, du lịch... Phố đi bộ thì bình yên trong khi các khu vực xung quanh lại xảy ra kẹt xe, ùn tắc. “Hiện nay, giao thông thành phố đang rất bức bối với sự tăng nhanh phương tiện cá nhân, trong khi phương tiện giao thông công cộng chưa phát triển, bãi đỗ xe cũng chưa thấy đâu. Muốn xây dựng gì cũng phải kỹ càng, đừng hô hào chương trình lớn, chạy theo phong trào. Cần phải xem lại quy hoạch cho kỹ càng, đừng để xảy ra mâu thuẫn, chồng chéo khi triển khai các dự án bãi đỗ xe trong trung tâm thành phố mà giờ lại lập phố đi bộ, không cho xe vào. Thành phố cần phải nghiên cứu kỹ, xin ý kiến các ban, ngành, chuyên gia, lấy ý kiến nhân dân trước khi quyết định”.
KTS Nguyễn Ngọc Dũng nhận xét: Nếu đề án được triển khai thành công thì cũng mang lại nhiều lợi ích về cảnh quan, kinh tế cũng như đời sống của người dân thành phố. Tuy nhiên, làm sao để giải quyết những vấn đề liên quan đến giao thông, hạ tầng thì đây là bài toán mà lãnh đạo thành phố cần có hướng giải quyết, tính toán thật kỹ lưỡng.
“Vấn đề bãi xe thực ra không phải chuyện khó nhưng do thành phố đang quá loay hoay với việc thiết kế các bãi xe cổ điển lớn, cao tầng. Các thành phố phát triển, điển hình như Tokyo - Nhật Bản, họ chỉ cần diện tích 300 m2 cho một bãi đậu xe gắn máy hiện đại 30 - 40 tầng dưới lòng đất, chứa được khoảng 1.000 xe.
Ô tô thì có thể diện tích lớn hơn: 400 m2 cho 100 xe. Tại sao thành phố không tính làm những bãi xe như vậy? Giá thành có thể cao nhưng phải cho phép các nhà đầu tư đồng hành, như vậy mới có thể giải quyết triệt để vướng mắc này”, vị này đề xuất.