Hàng loạt hạn chế đã được Hội đồng Thẩm định nhà nước chỉ ra trong Báo cáo Nghiên cứu khả thi Dự án Thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Một trong những phương án thiết kế Cảng hàng không quốc tế Long Thành. |
Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành - Tổng mức đầu tư: 23.053 tỷ đồng, trong đó: Xây dựng hạ tầng khu tái định cư, tái lập hạ tầng xã hội: 4.572 tỷ đồng. Tổng dự toán kinh phí thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ: 18.054 tỷ đồng. Tổng dự toán kinh phí đào tạo nghề, giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống người dân: 388,1 tỷ đồng. Chi phí công tác điều chỉnh địa giới hành chính: 3,9 tỷ đồng. Chi phí lập Báo cáo NCKT: 35 tỷ đồng. - Nguồn vốn đầu tư: Ngân sách nhà nước. - Thời gian thực hiện Dự án: 2017 đến năm 2023. |
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng tại phiên họp tổ chức hôm 13/9, UBND tỉnh Đồng Nai đã đưa ra con số khái toán tổng mức đầu tư Dự án là 23.049 tỷ đồng, đồng thời phân kỳ thực hiện GPMB theo 2 giai đoạn (giai đoạn 2017 – 2020: GPMB khoảng 3.335/5.585 ha với chi phí thực hiện khoảng 10.821 tỷ đồng; giai đoạn sau năm 2020 giải phóng phần diện tích còn lại với chi phí ước khoảng 12.227 tỷ đồng).
Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Lê Quang Hùng, về nguyên tắc, tại bước F/S, toàn bộ chi phí đầu tư xây dựng của dự án phải xác định dựa vào khối lượng của thiết kế cơ sở và các khoản mục khác gọi là tổng mức đầu tư. Tuy nhiên, thuyết minh của Báo cáo F/S Dự án GPMB cảng HKQT Long Thành về cơ chế bố trí nguồn vốn mới ở dạng tổng hợp mà không thể hiện chi tiết các khoản mục.
“Cách làm như vậy khiến Bộ Xây dựng chưa đủ thông tin để xem xét, đánh giá góp ý kiến về hiệu quả đầu tư, hiệu quả tài chính, hiệu quả và tác động kinh tế - xã hội của dự án”, ông Hùng cho biết.
Làm rõ nhu cầu sử dụng đất
Một trong những điểm gợn lớn nhất nữa được nhiều thành viên Hội đồng đặt vấn đề trong quá trình thẩm định và chưa được chủ đầu tư làm rõ trong F/S Dự án GPMB cảng HKQT Long Thành tháng 8/2017 cũng như giải trình, tiếp thu của UBND tỉnh Đồng Nai (tháng 9/2017) là chưa làm rõ được sự cần thiết phải giải phóng mặt bằng (GPMB) toàn bộ diện tích đất của Dự án.
Cần phải nói thêm rằng, Nghị quyết số 94/2015/QH13 của Quốc hội mới xác định Giai đoạn 1 của Dự án cảng Hàng không quốc tế Long Thành chậm nhất trước năm 2025 hoàn thành đưa vào sử dụng, chưa xác định thời gian cho giai đoạn II và giai đoạn III. Trong khi đó, theo dự kiến của Bộ Giao thông – Vận tải thì phải đến tháng 10/2019 mới hoàn thành F/S Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I, báo cáo Quốc hội và chưa xác định được thời gian, tiến độ khởi công, xây dựng các giai đoạn tiếp theo.
Chính vì vậy, theo Hội đồng, việc chủ đầu tư kiến nghị thực hiện thu hồi đất toàn bộ 5.585,14 ha là chưa phù hợp với quy định của Luật Đất đai (thu hồi đất là phải theo tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án).
Bên cạnh đó, F/S Dự án GPMB cảng HKQT Long Thành nêu phương án thu hồi đất một lần theo Nghị quyết số 94/2015/QH13, nhưng phương án trình bày lại không phải là phương án GPMB một lần mà dự kiến sau năm 2020 sẽ bồi thường GPMB 2.250 ha và chưa xác định cụ thể thời điểm.
Chính vì vậy, theo quan điểm của Hội đồng, việc dự kiến phương án GPMB tại thời điểm hiện nay để phục vụ cho công tác GPMB trong các năm tới là không khả thi do khung giá đất sẽ thay đổi theo từng năm. Theo phương án này sẽ gây lãng phí lớn cả về nguồn tài nguyên đất đai, nguồn lực tài chính nhà nước và có thể phát sinh khiếu kiện, khiếu nại.
Một điều đáng lưu ý được nhiều thành viên Hội đồng đặt ra là theo số liệu thống kê năm 2016 của Hội đồng Sân bay quốc tế (ACI), cảng HKQT Long Thành sau khi xây dựng sẽ có diện tích sân bay lớn thứ 4 trên thế giới (diện tích Việt Nam đứng thứ 65/193 quốc gia trên thế giới), trong khi công suất dự kiến giai đoạn I đến năm 2025 chỉ là 25 triệu lượt hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm (sân bay quốc tế Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc có diện tích 2.330 ha, năm 2016 khai thác 86,13 triệu lượt hành khách), rất thấp so với công suất các sân bay khác có diện tích nhỏ hơn.
Đây là lý do trong Báo cáo kết quả thẩm định, lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông - Vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiếp tục làm rõ tiến độ khởi công Cảng Hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I và các giai đoạn tiếp theo; rà soát quy mô diện tích sử dụng đất của Dự án, nhu cầu đất quốc phòng, đặc biệt là nhu cầu đất cho các hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác.
“Đặc biệt, phải đánh giá lại nhu cầu, xem xét điều chỉnh giảm diện tích đất dành cho quốc phòng và diện tích đất dành cho hạng mục phụ trợ và công nghiệp hàng không, các công trình thương mại khác”, Chủ tịch Hội đồng Thẩm định nhà nước nêu rõ.