Siêu dự án nhà tái định cư TP.HCM sẽ biến thành nhà ở thương mại?

Cập nhật 27/10/2017 09:03

Thông tin một doanh nghiệp mới được thành lập cách đây 4 tháng đã mua hơn 3.000 căn hộ tại siêu dự án tái định cư lớn nhất TP.HCM để bán theo diện căn hộ thương mại đang gây xôn xao thị trường bất động sản TP.HCM.


Những tòa nhà tái định cư tại quận 2 đang trong cảnh hoang tàn và xuống cấp nghiêm trọng vì không có người ở. Ảnh: Gia Huy

Siêu dự án tái định cư vắng bóng người ở

Tháng 4/2015, Khu tái định cư Bình Khánh (phường Bình Khánh, quận 2, TP.HCM) có diện tích 38,4 ha, thuộc chương trình 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư Khu đô thị mới Thủ Thiêm được hoàn thiện và đưa người dân vào ở.

Dự án được đầu tư để tái định cư tại chỗ cho các hộ dân thuộc 5 phường trung tâm của khu đô thị này, gồm 3 khu: Khu 30,2 ha Bình Khánh, có 4.216 căn hộ, khu 38,4 ha Bình Khánh có 6.220 căn hộ, khu 17,3 ha An Phú - Bình Khánh có 1.844 căn.

Điểm đặc biệt của dự án này là sở hữu vị trí “đất vàng” của quận 2 khi mặt tiền chính nằm ở đường Mai Chí Thọ nối vào hầm Thủ Thiêm đi quận 1 và đường nối vào cao tốc TP.HCM - Long Thành, mặt sau của dự án nối vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, đây là khu tái định cư lớn nhất của TP.HCM hiện nay, được xây dựng từ những năm 2011, mục đích để đưa dân giải tỏa từ khu Thủ Thiêm vào ở.

Được biết, đại dự án xây dựng khu tái định cư tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm được đầu tư theo phương thức Nhà nước huy động vốn của doanh nghiệp thực hiện, sau đó sẽ thanh toán bằng quỹ đất ở khu vực khác cho chủ đầu tư. Đây cũng là dự án tái định cư đầu tiên có sự hợp tác giữa Nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại TP.HCM.

Để xây dựng khu đô thị này theo quy hoạch, hơn 10.000 hộ dân quận 2, thuộc 5 phường: An Khánh, Bình Khánh, Bình An, Thủ Thiêm và An Lợi Đông, tương đương 50.000 người phải di dời. Trong đó, phường An Khánh và Thủ Thiêm bị giải tỏa trắng.

Tuy nhiên, khi phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản tới khảo sát tận nơi, thì lại chứng kiến cảnh vắng bóng người ở, dù hạ tầng nội khu, các block nhà đã hoàn thiện xong… Đặc biệt, ở những khu vực đường số 4 - BK, số 8 - BK, số 11 - BK… giữa khu dự án Vietracimex vắng bóng người, nhiều hạng mục đã bắt đầu xuống cấp nghiêm trọng.

Tìm hiểu thông tin được biết, tại khu tái định cư này, chủ đầu tư Đức Khải là đơn vị có nhiều căn hộ nhất, với dự án đã hoàn thành gần 80% tiến độ, có sức chứa hơn 1.000 dân, tiện ích nội khu đang được đầu tư bài bản. Tiếp đến là Công ty Thuận Việt có dự án hơn 1.200 căn hộ cao 28 tầng ngay mặt tiền Mai Chí Thọ. Sau thời gian dài xuống cấp vì không có người ở, hiện chủ đầu tư dự án này đang sơn sửa lại và đã đổi tên thành “New City” và chuẩn bị chào bán.

Bà Nguyễn Thị Hường, một người dân về sống tại khu tái định cư khu Đức Khải từ đầu năm 2016 ước tính, hiện ở đây mới chỉ có khoảng 500 căn hộ có người ở, còn những block chung cư của các chủ đầu tư khác thì không có ai.

Cũng theo bà Hường, việc các tiện ích nội khu xuống cấp nghiêm trọng, trong khi những khu vực quanh dự án như khu Thủ Thiêm, mặt tiền đường Mai Chí Thọ…, đang là đại công trường xây dựng, khiến tình trạng bụi và ô nhiễm tiếng ồn làm ảnh hưởng lớn tới cư dân.

“Khi sống khu Thủ Thiêm cũ, chúng tôi mưu sinh bằng việc buôn bán ở chợ An Khánh, còn về đây dù hơn 1 năm, nhưng chúng tôi không biết làm gì để sống. Thêm nữa, chi phí ở chung cư luôn cao hơn dưới nhà phố, nên ít người muốn về đây ở. Có nhiều hộ được giao nhà tái định cư ở đây, nhưng chào bán để đi nơi khác sống”, bà Hường nói.

Mua sỉ bán lẻ nhà tái định cư

Thị trường bất động sản TP.HCM có thêm một doanh nghiệp bất động sản mới ra đời, mang tên Công ty TNHH Đầu tư phát triển bất động sản Nam Việt Homes. Ngay sau khi ra mắt vào tháng 6/2017, công ty này đã gây xôn xao thị trường với tin đồn đang thương lượng mua lại hơn 3.000 căn hộ tại khu vực tái định cư quận 2 và sẽ bán theo diện nhà ở thương mại.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Bất động sản, đại diện Công ty Nam Việt Homes cũng xác nhận thông tin này.

Thông tin từ Sở Xây dựng TP.HCM cho biết, khu vực này hiện được chuyển thành nhà ở giá rẻ, thay vì nhà ở tái định cư như trước kia. Hiện chỉ còn khu vực của Công ty Đức Khải là thuộc diện tái định cư, còn sản phẩm của các chủ đầu tư khác được chuyển đổi sang nhà ở giá rẻ, bởi chất lượng công trình trong khu vực này được đánh giá đạt chất lượng nhà ở thương mại.

Tuy nhiên, giới chuyên gia địa ốc cho rằng, việc chuyển từ nhà ở tái định cư  sang nhà ở thương mại sẽ tạo ra một số bất cập cho người dân. Lý do là chất lượng nhà ở tái định cư luôn thấp, mức đầu tư và ngay cả tiền sử dụng đất cũng được ưu tiên. Nếu giờ đây doanh nghiệp mua sỉ và bán lẻ theo dạng nhà ở thương mại, với việc áp giá nhà thương mại quận 2 hiện nay, chủ đầu tư sẽ lời lớn, còn khách hàng sẽ chịu thiệt hại nặng.

Ông Nguyễn Huy Vũ, Tổng giám đốc Công ty Bất động sản BV Land đặt vấn đề, hiện TP.HCM đang có 2 khu tái định cư lớn nhất là Khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 (12.500 căn) và Khu tái định cư Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh (khoảng 2.000 căn). Cả hai khu này đều vắng bóng người ở. Trong khi đó, hiện có rất nhiều khu vực cần giải tỏa như dự án giải tỏa người dân ở nhà ven kênh tại các quận như Bình Thạnh, quận 8, dự án di dời và sửa chữa chung cư cũ tại TP.HCM… đang vướng vì thiếu chỗ tái định cư.

“Câu hỏi đặt ra là tại sao không dùng những khu nhà ở này để tái định cư cho dự án Thành phố đang triển khai, nhất là khi quy hoạch nhà ở tái định cư Thành phố đã có hướng nhìn lâu dài. Bây giờ thay đổi như vậy sẽ khiến quy hoạch bị phá vỡ”, ông Vũ nói.

Ngoài ra, nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay tình trạng nhà tái định cư rao bán theo hình thức như nhà ở xã hội đang diễn ra phổ biến, nhất là ở quận 2, bởi vị trí nơi đây được cho là “đất vàng” và chính nhờ những lợi thế này mà thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp tham gia đầu tư.

“Nhà ở tái định cư có mục đích là đưa người dân tại các khu giải tỏa về sinh sống, nhưng khi về những khu chung cư cao tầng, người dân không biết làm gì để mưu sinh, trong khi các khoản chi phí tại chung cư rất cao so với thu nhập của người dân sống tại khu tái định cư. Chính vì vậy, người dân nhận nhà tái định cư chỉ sinh sống thời gian ngắn rồi rao bán nhà, thậm chí bán không được cũng bỏ nhà đó mà đi nơi khác sống. Đây là câu chuyện đáng buồn của các khu nhà tái định cư của TP.HCM”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM nói.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản