Được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và phê duyệt quy hoạch từ năm 2007, tuy nhiên, sau hơn 10 năm được triển khai, siêu dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên vẫn loay hoay với việc điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500. Điều này khiến cho dự án đang đứng trước nguy cơ bị thu hồi.
Phối cảnh tổng thể Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên.
|
UBND TP.Hà Nội mới đây đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở Quy hoạch Kiến trúc, Tài chính và đơn vị liên quan đánh giá khả năng triển khai thực hiện dự án xây dựng Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên tại thời điểm hiện nay.
Theo yêu cầu của lãnh đạo TP, nếu nhà đầu tư không trình Sở Quy hoạch Kiến trúc đủ hồ sơ để thẩm định đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 theo cam kết thì báo cáo đề xuất, kiến nghị UBND thành phố xem xét thu hồi dự án theo quy định của Luật Đất đai và lựa chọn nhà đầu tư khác để triển khai theo quy định.
Từng được xem là một siêu dự án, khi xây dựng xong sẽ giúp thúc đẩy kinh tế khu vực và Hà Nội phát triển nhưng vì sao dự án xây dựng Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên lại có số phận "bết bát" đến vậy?
Theo tìm hiểu, dự án xây dựng Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên được HĐQT Công ty Cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) duyệt quyết định đầu tư vào năm 2008. Thời gian đầu, dự án có quy mô 1.204,8 ha với tổng mức đầu tư hơn 4.690 tỷ đồng. Tuy nhiên, do Hà Tây sáp nhập với Hà Nội vì thế dự án phải tạm dừng triển khai
Đến tháng 5 năm 2010, TP.Hà Nội đã chấp thuận về nguyên tắc cho phép PVR tiếp tục triển khai dự án này tại Công văn số 3362/UBND-XD ngày 13/5/2010, đồng thời cũng đã chấp thuận cho PVR lập quy hoạch 1/500 giai đoạn 1 với nhiệm vụ giảm quy mô từ 1204,8 ha xuống 183,6 ha.
Tiếp đó, tháng 11/2010, Sở Quy hoạch Kiến trúc đã có văn bản về việc thẩm định đồ án quy hoạch 1/500 dự án này, và yêu cầu điều chỉnh quy hoạch 1/500 để Sở thẩm định và trình UBND Thành phố phê duyệt.
Do quy mô về dự án thay đổi nên quy hoạch 1/500 của dự án này giai đoạn 1 sẽ được lập lại, với quy mô sẽ giảm từ 1204,8 ha xuống 183,6 ha. Tổng mức đầu tư hơn 4.690 tỷ đồng xuống còn hơn 3.453,6 tỷ đồng.
Dự kiến, dự án Tản Viên sẽ được xây dựng tại khu vực các đảo lòng hồ Suối Hai, huyện Ba Vì, Hà Nội. Quy mô dự án 183,6 ha (giai đoạn 1) trong đó 158,3 ha các đảo lòng hồ Suối Hai, và khoảng 25,3 ha là phần đắp mở rộng các đảo.
Ngoài các khu vực sân golf, resort, khu cây xanh, giao thông, khu nhà hàng, khách sạn, bugalow,…, dự án còn có tổng số khoảng 500 căn biệt thự, trong đó có 175 căn biệt thự nghỉ dưỡng.
Theo dự kiến của PVR, trong giai đoạn 2011-2013 sẽ đầu tư hoàn chỉnh sân golf của dự án, sau khi hoàn thành hạ tầng và sân golf, PVR sẽ kinh doanh theo hình thức bán thẻ golf trung bình từ 37.000 -45.000 USD/thẻ.
Các phân khu chức năng còn lại như biệt thự, resort, khu vu chơi,… sẽ được bán hết, hoặc bán một phần cho nhà đầu tư thứ cấp nhằm thu hồi vốn và tái đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc giai đoạn 2.
Mặc dù vậy, theo báo cáo ngày 15/9/2017 của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, tới nay, dự án mới hoàn tất khoảng 90% khối lượng đo đạc theo cốt nước +24,85m của hồ Suối Hai và đang phối hợp với đơn vị tư vấn lập quy hoạch để hoàn thành việc lập quy hoạch chi tiết của dự án gửi Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định. Dự kiến, nếu tất cả thuận lợi, phải trong quý I/2018, quy hoạch này mới trình UBND TP Hà Nội phê duyệt!
Còn theo kết quả giám sát mới nhất của HĐND TP.Hà Nội, dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đầu tư và phê duyệt quy hoạch từ năm 2007. Nhà đầu tư là Công ty CP kinh doanh dịch vụ cao cấp dầu khí Việt Nam. Dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 2.565 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành dự kiến là năm 2010.
Tính từ thời điểm được phê duyệt quy hoạch chung tỷ lệ 1/5000 đến nay, dự án đã được triển khai hơn 10 năm nhưng nhà đầu tư vẫn đang... điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/500.
Theo kết luận giám sát, dự án nằm trong khu vực có tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia, là 1 trong 6 cụm phát triển du lịch trọng điểm của Thành phố, đây cũng là dự án được nhiều nhà đầu tư quan tâm. Vì vậy, nếu nhà đầu tư cũ tiếp tục triển khai dự án theo mục tiêu cách đây 10 năm là không phù hợp với thực tế, đồng thời cũng thiếu tính cạnh tranh.
Đáng chú ý, dù dự án mới nằm trên giấy nhưng UBND huyện Ba Vì đã thành lập Hội đồng và Tổ công tác GPMB để kiểm đếm, lên phương án bồi thường, hỗ trợ GPMB (năm 2011), đồng thời, nhiều hộ dân thuộc diện GPMB đã ngừng sản xuất, kinh doanh.
Theo đánh giá, việc dự án chậm triển khai đã ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất, hiệu quả khai thác tiềm năng, tài nguyên du lịch cũng như công tác thu hút đầu tư, phát triển du lịch, phát triển kinh tế xã hội của huyện Ba Vì và thành phố. Đồng thời, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của các hộ dân trong khu vực GPMB.
Trước những tồn tại trên, mới đây, UBND TP. Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị liên quan đánh giá năng lực của chủ đầu tư, đồng thời xem xét thu hồi dự án.
DiaOcOnline.vn - Theo BizLIVE