Siêu dự án bị 'kẹt' do quy hoạch thiếu khả thi

Cập nhật 24/05/2017 09:21

Đề xuất của Tập đoàn VinGroup tại khu An Phú Đông, quận 12 hay Khu ven sông Sài Gòn, dọc Củ Chi và Hóc Môn của Tập đoàn Tuần Châu... khó thực hiện do quy hoạch chung không phù hợp.


Phối cảnh của một siêu dự án tại Củ Chi. Ảnh: internet

UBND TP vừa có văn bản báo cáo Bộ Xây dựng về tình hình thực hiện quy hoạch đô thị năm 2016. Liên quan đến việc lập và điều chỉnh quy hoạch chung, TP đánh giá trải qua gần 10 năm, các nội dung được duyệt trong đồ án quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2025 đã có nhiều thay đổi so với thực tế phát triển TP.

Càng ngày, TP càng phải đối mặt với nhiều vấn đề của một đô thị cực lớn. Trong đó có các áp lực về gia tăng dân số, quá tải về hạ tầng, những biến động về môi trường thiên nhiên, biến đổi khí hậu và tình hình phát triển kinh tế…
Nhận định về quy hoạch chung TP được Thủ tướng phê duyệt vào năm 2010 tại Quyết định 24, TP cho biết các nội dung quy hoạch trong quyết định này còn phụ thuộc vào quá nhiều yếu tố định vị (phạm vi, vị trí) và định lượng (quy mô, diện tích, số lượng).

Các khu vực chức năng đô thị được thống kê, xác định cụ thể trong các hệ thống bản vẽ, thuyết minh và quyết định phê duyệt, tạo ra không ít rào cản về pháp lý, không linh hoạt theo nhu cầu phát triển thực tế của đô thị. Thậm chí còn gặp vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện.

Các nội dung quy hoạch trong Quyết định 24 đa phần là tổng hợp, lồng ghép các nội dung của các đồ án quy hoạch chung quận/huyện. Sau đó khớp nối phạm vi không gian, hệ thống giao thông và hạ tầng kỹ thuật, phân mảng sử dụng đất rất sơ sài, thiếu tính định hướng và phân vùng phát triển.

Ngoài ra, do bị ràng buộc các chỉ tiêu (theo tiêu chuẩn, quy chuẩn…) nên công tác quản lý và thực hiện các quy hoạch chưa gắn kết với thực tế hiện trạng đô thị hiện hữu của TP và nhu cầu của các chủ đầu tư.

Điều này dẫn tới không tuân thủ đúng theo quy hoạch được duyệt và thường xuyên phải điều chỉnh. Đồng thời, các yếu tố thực thi sau quy hoạch còn hạn chế, nên mục tiêu định hướng quy hoạch không còn khả thi, dẫn đến điều chỉnh quy hoạch; không triển khai được toàn diện, nên không đảm bảo hài hòa, đồng bộ theo quy hoạch mong muốn.

Hiện nay, các nhà đầu tư lớn muốn thực hiện các (siêu) dự án gặp phải những lớp ranh quy hoạch nhỏ lẻ, rất khó thực thi trọn vẹn. Ví dụ như đề xuất của Tập đoàn VinGroup tại khu An Phú Đông, quận 12 hay Khu ven sông Sài Gòn, dọc Củ Chi và Hóc Môn của Tập đoàn Tuần Châu… trong thời gian qua.

Theo UBND TP, hiện nay TP đang tiến hành nghiên cứu lập, điều chỉnh quy hoạch chung của TP. Trong đó, TP.HCM kiến nghị Bộ Xây dựng cần phải đổi mới và đột phá trong cách làm quy hoạch. UBND TP cho rằng việc quy hoạch phải đi đôi với nguồn lực đầu tư, hoặc hiểu một cách khác là nguồn lực đầu tư quyết định nội dung quy hoạch. Do đó, việc lập điều chỉnh lần này sẽ theo hướng mở và linh hoạt hơn.

Trong lần điều chỉnh này, TP sẽ tập trung xây dựng các chính sách, chiến lược lớn và các vấn đề thực hiện thường xuyên (chú trọng đến phần viết và thuyết minh hơn là thể hiện trong bản vẽ đồ án). Đồng thời chú trọng công tác dự báo thay vì quy hoạch hiện nay chưa dự báo được tốc độ phát triển đô thị nên hiện nay phải đối diện với thực tế đô thị quá tải.  

DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật TP