Dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội đã bước sang năm thứ 11 kể từ khi được cấp phép lần đầu, song đến nay mới bắt tay vào xây dựng các hạng mục đầu tiên. Nguyên nhân do đâu?
Một dự án với hai lần điều chỉnh giấy phép
Dự án Bệnh viện Quốc tế Hoa Kỳ - Hà Nội được cấp phép lần đầu tiên vào ngày 20/1/1997, với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD. Chủ đầu tư là Tập đoàn Keystoneinvest (Hoa Kỳ). Mục tiêu của Dự án là xây dựng một bệnh viện đạt tiêu chuẩn quốc tế, chuyên sâu về điều trị các bệnh hiểm nghèo, như ung thư máu, tim mạch...
Bệnh viện có quy mô 9 tầng với 300 giường bệnh, tổng diện tích sàn xây dựng là 27.956 m2. Đặc biệt, Bệnh viện có một bãi đỗ máy bay trực thăng cấp cứu trên tầng thượng - một hạng mục không thể thiếu của các bệnh viện “5 sao” theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ!
Theo bà Nguyễn Thị Giáng Hương, Giám đốc thương mại của Dự án, khó khăn đầu tiên mà Dự án gặp phải là sự không thống nhất về địa điểm trong giấy phép đầu tư. Theo giấy phép đầu tư ban đầu, địa điểm xây dựng Dự án thuộc địa bàn phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy).
Tuy nhiên, khi đối chiếu trên thực địa thì trong tổng diện tích gần 10.000 m2 đất được cấp cho Dự án, có một phần nằm trên địa bàn phường Dịch Vọng (quận Cầu Giấy) và phường Dịch Vọng đã vin vào lý do này để không giao đất cho Dự án. Sau đó, Dự án phải tiến hành điều chỉnh giấy phép cho phù hợp với thực địa.
Đến đầu năm 2001, Dự án cơ bản hoàn tất việc giải phóng mặt bằng và đã có đầy đủ giấy tờ xác nhận đền bù của quận Cầu Giấy, nhưng UBND phường Dịch Vọng vẫn không ký bàn giao đất cho Ban quản lý Dự án! Phường Dịch Vọng thông báo: muốn được giao quỹ đất xây dựng Bệnh viện, chủ đầu tư phải hỗ trợ địa phương 10 tỷ đồng (?!).
Và việc dằng dai điều kiện hỗ trợ để chờ ký giấy giao đất mất đến... 3 năm, trong khi thời gian đền bù giải phóng mặt bằng chỉ mất chưa đầy 1 tháng. Cuối cùng, phía Dự án phải hỗ trợ địa phương 500 triệu đồng và có ý kiến của Thành phố Hà Nội thì chính quyền phường Dịch Vọng mới chấp nhận.
Lần “mắc cạn” thứ hai của Dự án xuất phát từ chính hạng mục sân đậu máy bay trực thăng theo tiêu chuẩn quốc tế “5 sao”. Theo hồ sơ dự án ban đầu được cấp phép, Bệnh viện có hạng mục sân đậu máy bay trực thăng trên nóc tầng 9 của toà nhà.
Tuy nhiên, khi chủ đầu tư xin giấy phép xây dựng, hạng mục này đã không được cơ quan chức năng thông qua và yêu cầu phải có sự đồng ý của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an. Lần “mắc cạn” này, chủ đầu tư đã phải “cầu cứu” Chính phủ và đến tháng 8/2007, khi Văn phòng Chính phủ chính thức có công văn đồng ý cho phép xây dựng hạng mục sân đậu trực thăng trên tầng 9 của toà nhà, thì việc triển khai dự án mới chính thức được bắt đầu.
Theo bà Hương, ngay sau khi được Chính phu đồng ý, tháng 9/2007, chủ đầu tư đã tiến hành khởi công Dự án. Hiện tại, việc khoan cọc nhồi đã hoàn thành. Dự án đang sản xuất cọc ép và panel lắp ghép theo công nghệ 3D - một công nghệ thi công mới của Áo lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam.
Tập đoàn Keystoneinvest cũng đã ký hợp đồng mua thiết bị, máy móc cho Bệnh viện. Các thiết bị đó dự kiến sẽ được đưa về Việt Nam vào cuối năm 2008. Sau thời gian vận hành thử và được cơ quan chức năng kiểm nghiệm, Dự án sẽ chính thức đi vào hoạt động.
“Siêu bệnh viện” bao giờ xây xong?
Đó là câu hỏi đang thu hút sự quan tâm đặc biệt. Bà Hương, Giám đốc Thương mại, đại diện chủ đầu tư Dự án cho biết, Dự án này sẽ chính thức đi vào hoạt động trong quý II/2009.
* Hiện tại, có còn vướng mắc nào đối với mặt bằng của Dự án, thưa bà?
Cho đến thời điểm này, không còn vướng mắc gì, mặt bằng đã được bàn giao 100%. Vấn đề chính hiện nay là việc nguyên vật liệu xây dựng tăng giá, nên các nhà thầu muốn điều chỉnh giá vật liệu xây dựng. Để làm được việc này, chúng tôi cần thời gian thống nhất với chủ đầu tư.
* Có thông tin cho rằng, thời gian qua, chủ đầu tư cố tình dây dưa để “xoay” sang xây nhà chung cư?
Chúng tôi chưa bao giờ có ý định như vậy. Trong giai đoạn khó khăn nhất (vào những năm 1998 - 2003), có nhiều công ty gợi ý mua lại Dự án để đầu tư xây dựng nhà ở, nhưng chúng tôi nhất quyết không thay đổi.
Hiện tại, chúng tôi đã ép cọc để xây dựng bệnh viện, nên có muốn đổi sang làm biệt thự hay chung cư cũng không thể nào thực hiện được nữa. Chúng tôi đã thực hiện xong hạng mục khoan cọc nhồi, với 148 chiếc cọc nhồi (đường kính 100 - 120 cm). Tiếp theo, trong tháng 4/2008, chúng tôi sẽ thực hiện ép khoảng 360 chiếc cọc (30 cm x 30 cm).
* Sau thời gian chậm trễ, dự toán vốn đầu tư cho Dự án có tăng so với dự kiến ban đầu, thưa bà?
Thực ra, giá nguyên vật liệu có tăng, song công nghệ 3D đã góp phần khá đắc lực cho việc giảm giá thành xây dựng so với phương pháp thi công truyền thống. Mặt khác, so với quy mô tổng vốn đầu tư 50 triệu USD, việc tăng giá nguyên vật liệu là trong khả năng có thể cơ cấu được.
* Khi nào thì dự án có thể chính thức đi vào hoạt động?
Sau khi thi công xong phần móng, chúng tôi sẽ đào hầm, rồi lắp đặt khung chịu lực cho tòa nhà, sau đó thực hiện thi công vỏ tòa nhà theo công nghệ 3D. Công nghệ xây dựng mới này có khả năng chống động đất và gió bão rất tốt và rút ngắn đáng kể thời gian thi công công trình. Chúng tôi dự kiến sẽ đưa công trình vào hoạt động vào cuối quý II/2009.