Siêu đô thị và nguy cơ bị "bỏ rơi" của người nghèo

Cập nhật 07/05/2008 17:00

Bạn đọc Nguyễn Quân, ĐH Toulouse 1, Pháp bàn thêm về vấn đề quy hoạch mở rộng Hà Nội từ kinh nghiệm quốc tế trong quá trình đô thị hóa nhân bài viết của nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Theo thống kê, vào năm 1900, toàn thế giới chỉ có 10% dân số sống ở đô thị. Đến năm 1950 con số này là gần 30%. Vào 2007, theo thống kê của Liên hợp quốc, số người sống ở đô thị đã vượt ở nông thôn. Xu thế này sẽ còn gia trong những năm tới, đặc biệt là tại châu Phi và châu Á.

Năm 2030, hai khu vực sẽ tập trung đa số các đô thị lớn của thế giới. Lúc đó, số người sống ở thành thị sẽ lên tới 5 tỉ người, chiếm 60% dân số toàn cầu. (Đến cuối năm 2007 có chừng 3,3 tỉ người sống ở đô thị).

Hiện nay, những khu vực phát triển nhất là những nơi có tỉ lệ đô thị hoá cao nhất: Châu Âu, Bắc Mỹ chiếm vị trí hàng đầu với ¾ dân số sống ở thành thị. Với tốc độ đô thị hoá nhanh chóng, quy mô của các đô thị cũng gia tăng một cách ấn tượng.

Vào năm 1975 chỉ có 3 thành phố với dân số hơn 10 triệu người là Tokyo, New York và Mexico. Tới năm 2005 con số này là 20, ba thành phố đứng đầu vẫn giữ nguyên: Tokyo và vùng phụ cân với 35,2 triệu dân, Mexico với 19,4 triệu và New york 18,7 triệu. Phần lớn các thành phố có dân số hơn 10 triệu người nằm ở các nước đang phát triển: Trung Quốc có hai trục đô thị lớn là Thượng Hải và Bắc Kinh, Ấn Độ với ba thành phố Bombay, New Delhi và Calcutta.

Mở rộng địa giới các đô thị và gia tăng dân số chủ yếu diễn ra tại đô thị thuộc các nước đang phát triển. Nói cách khác, hiện tượng đô thị hoá hiện nay chủ yếu diễn ra tại các nước đang phát triển nằm ở Nam bán cầu, với làn sóng người từ các vùng nông thôn đổ về thành phố, dẫn tới việc hình thành các trung tâm đô thị khổng lồ mà người ta vẫn gọi mà các megacity, trong khi ở các nước phát triển, tỉ lệ dân cư sống ở đô thị dường như đã tới mức tới hạn.

Hơn thế, dân thành thị ở các nước giàu lại có xu hướng sống ở ngoại vi, hoặc ít ra thì mua nhà nghỉ ở nông thôn. Hiện tượng này giải thích bởi ham muốn được sống tiếp xúc với thiên nhiên, một ảo ảnh hiện diện từ châu Âu tới Nhật Bản, Hoa Kỳ, cho dù văn hoá, lối sống mỗi nơi có những điểm khác biệt.

Hiện tượng "siêu đô thị" và "nông thôn hoá đô thị"

Các megacity chủ yếu hình thành tại các nước nghèo. Nguyên nhân là những nước này không có phương tiện tài chính cũng như kinh nghiệm để xây dựng hệ thống hạ tầng vươn ra các vùng xung quanh, trong khi tốc độ nhập cư của dân nông thôn quá nhanh, cộng với năng lực quy hoạch kém, tham nhũng, v.v... Vì thế, cơ sở hạ tầng đã kém lại càng quá tải, trong khi dân cư lại vẫn tiếp tục đổ về các thành phố lớn.

Các thành phố thêm một phình to ra trong khi chất lượng cuộc sống không được cải thiện và khoảng cách giàu nghèo ngày một đào sâu thêm. Đó là cái vòng luẩn quẩn mà các nước đang phát triển đang phải đối mặt.

Tuy nhiên dân cư sống tại đô thị ở các quốc gia đang phát triển phải đối mặt với các vấn đề cấp bách như đói nghèo, thiếu nước sạch hay sự phát triển không kiểm soát được các khu ổ chuột. Chính quyền cố gắng để đáp ứng các nhu cầu hiện tại nhưng lại không chuẩn bị tốt cũng như thiếu kinh nghiệm và phương tiện cần thiết để đối phó trước những tác động của việc gia tăng với tốc độ như thế. Rất nhiều dân cư mới gia nhập lớp dân đô thị nghèo đói và sẽ góp phần gia tăng số lượng hàng tỉ người sống trong các khu nhà ổ chuột.



Làm sao không "nông thôn hóa" đô thị trong quá trình đô thị hóa
là một đòi hỏi cấp thiết được đặt ra. Trong ảnh: một siêu đô thị.


Kinh nghiệm cho thấy rằng bất chấp hoàn cảnh khó khăn mà họ đối mặt như thế nào chăng nữa tại thành phố đô thị thì những người cư dân mới này cũng sẽ không ra đi. Ví dụ cho thực tế trên là nghịch lý trong quá trình đô thị hoá tại các nước Châu Phi: Các thành phố được mở rộng nhanh chóng cùng lúc với hiện tượng mà các nhà nghiên cứu gọi là "nông thôn hoá" chính nó. Chất lượng cuộc sống giảm ngay chính tại các đô thị này, một bộ phân lớn dân cư đô thị phải chịu hưởng chất lượng cuộc sống không khác gì dân cư ở nông thôn và đặc biệt họ làm các công việc liên quan đến nông nghiệp.

Ngoài ra, đó là sự ngăn cách bất bình đẳng giữa khu vực nông thôn và đô thị, những khó khăn và bất cập trong việc tiếp cận nước sạch và điện của cư dân đô thị, cũng như sức ép chính trị của lớp thị dân mới này. Những thành phố quá cỡ cũng xuất hiện ở châu Mỹ Latinh, châu Á là một thực tế đã và đang diễn ra, do các quốc gia đã để quá trình đô thị hoá diễn ra tự phát mà không có chiến lựơc quy hoạch phù hợp, dẫn đến các thành phố đã phình ra quá cỡ trong khi kết cấu hạ tầng yếu kém không thể đáp ứng được những nhu cầu tối thiểu của cư dân đô thị.

Những vấn đề mà các quốc gia này phải đối mặt là là dân số tập trung quá lớn vào một vài đô thị (megacity), áp lực về việc làm (thất nghiệp) và nghèo đói, vấn đề nhà ở, cơ sở hạ tầng và dịch vụ, giao thông, tội phạm, bạo lực và khủng bố, vấn đề quản lý đô thị…

Những thách thức do hiện tượng đô thị hoá ồ ạt

Việc đô thị hoá ồ ạt và hình thành các siêu đô thị dẫn tới sự quá tải của hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có của các đô thị, khiến các đơn vị hành chính phải nỗ lực tìm kiếm những giải pháp để nâng cấp hệ thống hạ tầng cơ sở nhằm đáp ứng nhu cầu của những cư dân đô thị mới xuất hiện sau dòng người di cư từ nông thôn cũng như từ sự gia tăng dân số tự nhiên tại các đô thị. Điều này đòi hỏi những khoản đầu tư vô cùng lớn tạo nên gánh nặng cho các quốc gia đang phát triển vốn yếu kém về nguồn lực tài chính cũng như nhân lực cho lĩnh vực này.

Trong quá khứ, chính quyền thường đối phó bằng cách cố gắng hạn chế việc di cư từ nông thôn vào thành thị bằng các biện pháp hành chính. Chính quyền đô thị bỏ rơi người nghèo hoặc đơn giản là chối bỏ sự có mặt của họ.



Người nghèo có thể bị bỏ rơi...


Hàng triệu dân cư đô thị hiện nay đang phải sống trong tình trạng không nước sạch, điện, không có cơ hội tiếp cận với giáo dục và y tế (Những tiêu chuẩn cực kỳ tối thiểu của cuộc sống đô thị). Hiện tượng trên gây ra những hậu quả tai hại đối với cuộc sống dân cư và tình trạng xung đột xã hội tại các đô thị xuất phát từ những mâu thuẫn nội tại trong lòng các đô thi liên quan đến nhà ở, y tế, giáo dục, trợ cấp xã hội hay bất bình đẳng xã hội.

Ngay tại những nước phát triển như Pháp cách đây vài năm cũng đã xảy ra nhưng cuộc bạo loạn tại các đô thị mà nguyên nhân là sự bất bình đẳng giữa tầng lớp dân cư cũ và mới trong đô thị.

Người ta thường quy những khó khăn và thách thức tại các đô thị cho hiện tượng nhập cư. Điều này là một nhầm lẫn, bởi ba lý do.

Thứ nhất, việc gia tăng dân số tại đô thị không chỉ do làn sóng người nhập cư mà còn do hiện tương gia tăng tự nhiên dân số.

Thứ hai, là không phải làn sóng di cư là nhân tố của đô thị hoá mà ngược lại chính các đô thị thu hút dòng người di chuyển tới những nơi mà họ có thể có chất lượng cuộc sống tốt nhất.

Lý do thứ ba căn bản nhất là việc di cư nếu được quản lý tốt sẽ là nhân tố tích cực cho sự phát triển của đô thị cũng như nông thôn. Sự gia tăng quá trình thị hoá trong những tập kỷ qua là chưa từng có trong lịch sử nhân loại, cũng tạo ra những nguy cơ và cơ hội cho phát triển. Nó đòi hỏi những giải pháp thích hợp đối phó với các thách thức. Điều này trước tiên phải thể hiện ở việc thừa nhận tính tất yếu của hiện tượng đô thị hoá và những lợi ích nó mang lại, cũng như thừa nhận quyền của người nghèo được hưởng những khả năng mà cuộc sống đô thị mang lại.

Nếu lớp dân cư nghèo nhất là những người mang lại sự năng động không thể nghi ngờ và những giải pháp đột phá để đáp ứng nhu cầu của cộng đồng cư dân này, giấc mơ "thành thị" được nuôi dưỡng bởi biết bao con người không thể thực hiện nếu thiếu vắng sự giúp đỡ từ bên ngoài. Các đô thị nhất thiết phải đảm đương được việc cung cấp cho dân cư những dịch vụ cần thiết để đáp ứng những nhu cầu căn bản nhất.

Trước tiên là nhà ở: Việc tiếp cận với nhà ở đối với người nghèo là nhân tố căn bản cho cuộc sống của họ, tiếp theo, là dịch vụ y tế, chăm sóc sức khoẻ, giáo dục… Sự chú ý và quan tâm tới nay tập trung chủ yếu vào các siêu đô thị, trong khi hơn một nửa dân cư đô thị trên thế giới sống trong các thành phố dưới 500.000 dân vốn hết sức thiếu các điều kiện căn bản. Không được đặt các đô thị nhỏ này bên lề của sự phát triển.

Tuy vậy, những khó khăn và bất cập này không thể đảo ngược được xu thế đô thị hoá hiện nay. Và thế giới vẫn không ngừng đô thị hoá trong thời gian tới. Từ nay cho tới thập niên tiếp theo, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại, hơn một nửa dân số thế giới sống trong các thành phố. Trước năm 2030, thế giới sẽ có 5 tỉ người sống ở đô thị, tức khoảng 60% dân số toàn cầu. Ở châu Á và châu Phi, con số sẽ tăng gấp 2 chỉ trong vòng 1 thế hệ: từ 2000 đến 2030, số dân đô thị sẽ từ 1,4 lên 2,6 tỉ người ở châu Á, và từ 300 lên 740 triệu người ở châu Phi.

Ngoài ra, trên quy mô toàn cầu, chính trong những khu phố ổ chuột là nơi tiến hành cuộc đấu tranh để thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỉ, đặc biệt là mục tiêu giảm một nửa số người rất nghèo từ nay đến năm 2015.

Bằng một cái nhìn dài hạn, việc có một kế hoạch chiến lược và sự lãnh đạo dũng cảm, kiên quyết dám đương đầu với những lợi ích mà vốn tạo ra sự nghèo đói đô thị, có thể quyết định lối ra cho cuộc chiến đấu này. Những cũng cần có những cố gắng ở tầm quốc tế để giúp đỡ những cố gắng ở tầm quốc gia, vì sức mạnh của nền kinh tế thị trường không cho phép mỗi quốc gia tự giải quyết những vấn đề liên quan đến nhu cầu của những cư dân nghèo nhất ở đô thị.

Tương lai chúng ta dù muốn hay không sẽ bị đô thị hoá, cần thiết đưa ra chính sách quy hoạch và phát triển đô thị phù hợp và thừa nhận chỗ đứng của chính sách này trong hệ thống chính sách công quyền nhằm thu hút một phần tiềm lực phát triển của nó và giảm thiểu đói nghèo trong khu vực đô thị cũng như nông thôn.

Theo VietNamNet