Siết van tín dụng với BĐS: Cơ hội thoát lệ thuộc vốn ngân hàng

Cập nhật 16/03/2016 14:31

Theo các chuyên gia, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự định siết van tín dụng cũng là cơ hội để nhiều DN bất động sản (BĐS) có nội lực mạnh thoát ra khỏi sự lệ thuộc về vốn từ các ngân hàng.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 của NHNN về chính sách tín dụng BĐS đang khiến nhiều DN lo lắng. Thế nhưng, trong một văn bản phân tích chi tiết và nêu quan điểm về định hướng sửa đổi, bổ sung Thông tư 36 mới đây, NHNN khẳng định, dự thảo không làm giảm vốn tín dụng cho thị trường BĐS, thậm chí vẫn còn dư địa khá lớn. Theo NHNN, từ năm 2015, thị trường BĐS đã bắt đầu phục hồi nhờ một loạt giải pháp, chính sách hỗ trợ, bao gồm cả chính sách tín dụng, như triển khai gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, giảm tỷ lệ rủi ro các khoản cho vay đầu tư, kinh doanh BĐS từ 250% xuống còn 150%, tạo điều kiện cho các ngân hàng mở rộng tín dụng trung, dài hạn. Tính đến cuối năm 2015, dư nợ cho vay đầu tư, kinh doanh BĐS đạt 393.000 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cuối năm 2014. Nếu tính cả đầu tư trái phiếu DN cho lĩnh vực BĐS thì tổng dư nợ là 478.000 tỷ đồng, chiếm 10,3% tổng dư nợ và chiếm 22,2% tổng dư nợ trung, dài hạn.

Nhiều DN vẫn chủ động nguồn vốn để triển khai dự án. Trong ảnh: Công trường dự án Gatewway Thảo Điền của Công ty Sơn Kim Land. Ảnh: Việt Tâm

Theo đánh giá của NHNN, đến nay, thị trường BĐS đã có đà phục hồi tốt. Do đó, đã đến lúc cần thực thi chính sách tín dụng thận trọng cũng như quản lý chặt chẽ hơn. Mặt khác, vốn cho vay của các tổ chức tín dụng là vốn huy động từ tiền gửi của người dân và phải được phân bổ, sử dụng một cách an toàn, hiệu quả nhất chứ không phải dành riêng hay dồn vốn cho BĐS.

Chủ động “săn” nguồn vốn mới

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Dư Lực - Chủ tịch HĐQT Công ty Hưng Lộc Phát khẳng định, DN này không quá phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Bằng chứng là các dự án Hưng Phát 1 và Hưng Phát 2, dù triển khai trong bối cảnh thị trường khó khăn nhưng DN vẫn xây dựng hoàn thành và giao nhà đúng tiến độ cho khách hàng. “Cách làm của Công ty là đi chậm mà chắc, không đầu tư dàn trải. Làm dự án nào tập trung mọi khả năng về tài chính, con người để chăm chút cho dự án đó nhằm gây dựng niềm tin của khách hàng” - ông Lực cho biết.

Còn theo ông Bùi Cao Nhật Quân - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Novaland, việc ngân hàng hạn chế và kiểm soát tín dụng có thể sẽ giúp đảm bảo tính thanh khoản và đáp ứng đúng nhu cầu của thị trường một cách bền vững. “Năm 2016, Novaland đặt mục tiêu giới thiệu ra thị trường 5 dự án mới với khoảng 4.000 sản phẩm. Đây cũng sẽ là năm đánh dấu bước phát triển mới của Novaland khi lần đầu tiên giới thiệu ra thị trường các dự án khu đô thị quy mô lớn. Chính vì vậy, DN cũng đã dự sẵn nguồn vốn từ trước, nên không quá quan ngại trước khả năng siết van tín dụng của ngân hàng” - ông Quân chia sẻ.

Một đại gia khác trong giới kinh doanh BĐS là An Gia Investment cũng đã nhanh tay "tóm" được nguồn vốn khủng từ Quỹ đầu tư Creed Group (Nhật Bản). Theo đó, An Gia Investment, Quỹ đầu tư Creed Group và Công ty CP Phát triển BĐS Phát Đạt (PDR) đã có sự hợp tác 3 bên để triển khai dự án River City (quận 7, TP Hồ Chí Minh), với tổng vốn đầu tư lên đến 500 triệu USD.

Đánh giá về dòng vốn đối với DN BĐS, ông Võ Sỹ Nhân - Tổng Giám đốc Quỹ đầu tư Gaw NP Capital cho rằng, hiện nay, các DN đã có thể tự chủ hơn khi bắt tay với các quỹ đầu tư, tổ chức tín dụng nước ngoài để phát triển các dự án quy mô lớn, đòi hỏi công nghệ xây dựng cao. "Xét về xu hướng, DN BĐS hiện đều không muốn phải quá phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng. Bởi ngoài các dòng vốn truyền thống từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, hiện nhiều DN đang quan tâm đến các dòng vốn từ Mỹ, Anh, và thậm chí cả Trung Đông" - ông Nhân nhận định.

Chuyên gia nhận định

Doanh nghiệp sẽ gặp khó

Các DN có dự án lớn, nhưng nguồn vốn chủ yếu lại được "bơm" từ ngân hàng sẽ hết sức khó khăn nếu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện các biện pháp thắt chặt cho vay vào lĩnh vực BĐS. Đó là trao đổi với phóng viên của TS Đinh Thế Hiển - chuyên gia tài chính - ngân hàng trước khả năng NHNN sẽ thực hiện siết van tín dụng thông qua việc sửa đổi Thông tư 36.

Tuy nhiên, theo ông Hiển, việc NHNN thực hiện siết van tín dụng là cần thiết. Bởi nếu các ngân hàng tiếp tục đổ tiền ồ ạt vào địa ốc (như trong năm 2015 vừa qua) chắc chắn sẽ dẫn đến khả năng thị trường mất thanh khoản hơn trong thời gian tới, đó là chưa tính tới độ rủi ro. Dù nguồn vốn cho vay vẫn tốt và người vay vẫn trả được nợ nhưng việc đem nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn sẽ gặp rủi ro lớn về thanh khoản. Việc dư nợ tín dụng trong lĩnh vực BĐS tăng mạnh cho thấy sự sôi động của thị trường địa ốc trong năm vừa qua, khi các ngân hàng đẩy mạnh cho vay mua nhà đất và cho vay đầu tư xây dựng dự án. Mặt khác, việc các ngân hàng đẩy mạnh giải ngân cho vay còn giúp giá trị tồn kho BĐS giảm nhanh. Thế nhưng, nếu dòng vốn này cứ chảy mãi mà không được kiểm soát tốt sẽ tạo ra nhiều rủi ro cho thị trường.

Tuy nhiên, khi NHNN thực hiện siết tín dụng, một số DN địa ốc trên thị trường hiện nay chắc chắn sẽ lâm vào tình huống kẹt vốn. Đây sẽ là một trong số những nguy cơ dẫn đến tình trạng dự án sẽ bị giãn tiến độ đầu tư, thậm chí trầm trọng hơn có thể sẽ là "đắp chiếu". "Chúng ta cần phân biệt giữa DN có tiềm lực tài chính và DN lớn là hoàn toàn không đồng nhất. Trên thực tế, sự đổ vỡ trên thị trường thường rơi vào những DN lớn. Còn đối với các nhà đầu tư có nguồn vốn ổn định và vốn đầu tư vào dự án hài hòa mà không phụ thuộc quá lớn vào vốn vay sẽ ít bị ảnh hưởng" - ông Hiển nhận định.



DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT