"Siết" tín dụng bất động sản: Giá nhà đất vẫn cao

Cập nhật 03/08/2011 11:45

Dù đồng loạt kêu khó, kêu khổ do thắt chặt tín dụng nhưng rất ít chủ đầu tư tại Hà Nội chịu công khai giảm giá bán căn hộ. Dù thực tế giá bán căn hộ đã giảm so với đầu năm, song vẫn đứng ở mức cao so với thu nhập của người dân hiện nay.

Khó vẫn kiên quyết không giảm giá

Khi nghe báo, đài rầm rộ đưa tin bất động sản đang giảm giá, anh Hùng bắt đầu ráo riết cho công cuộc tìm mua nhà hoặc đất. Thế nhưng, háo hức bao nhiêu, hy vọng bao nhiêu thì anh lại thất vọng bấy nhiêu. "Cứ nói là bất động sản giảm giá nhưng tôi thấy so với những tháng trước tôi đi tìm, giá đất vẫn vậy. Giá nhà chung cư thì vẫn bán chênh rất nhiều so với giá gốc, giảm có chăng chỉ là căn hộ cao cấp, biệt thự liền kề mà giá của chúng, những người làm công ăn lương như chúng tôi chẳng bao giờ dám mơ đến. Thế mà thấy các chủ đầu tư bất động sản kêu ầm ĩ cứ như sắp chết đến nơi. Nếu khó khăn như vậy, sao không giảm giá bán? Đã là khó khăn chung thì phải chấp nhận hòa vốn hoặc lãi ít thôi. Đằng này khó mà vẫn muốn lãi to" - anh Hùng bức xúc.

Ngày 2/8, phóng viên đã gọi điện tham khảo giá tại một số công ty môi giới bất động sản về giá nhà đất hiện nay. Và kết quả chung, nếu so sánh với mức giá hồi đầu năm 2011, giá các căn hộ chung cư ở phân khúc trung bình không hề giảm như khu CT6A Xa La vẫn bán 21 triệu/m2 cộng với giá chênh từ 30 triệu đồng trở lên… Chỉ một số dự án chung cư cao cấp, nhà liền kề có xuống giá một chút.

Trong Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm của ngành xây dựng, các tập đoàn lớn như Tập đoàn Phát triển nhà và Đô thị, Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam… đồng loạt kêu khó, kêu khổ do siết chặt tín dụng. Khó là vậy, khổ là vậy nhưng ngoài Dự án Vihajico chiết khấu 12% đối với khu căn hộ Rừng Cọ vào tháng 4 vừa qua, hầu như chưa có chủ đầu tư nào tại Hà Nội công khai giảm giá bán.

Không bán được hay bán quá đắt?

Một lãnh đạo ngân hàng TMCP chi nhánh Hà Nội cho biết, tín dụng bất động sản hiện chỉ thắt chặt chứ chưa đến mức siết. Ông này nêu ra một thực tế là khi tín dụng bất động sản đang xông xênh, các công ty từ lớn đến bé ra sức xây dự án, chung cư. Chỉ một anh môi giới nước bọt thôi cũng đút túi hàng tỉ đồng. "Lúc đó, các doanh nghiệp bất động sản có kêu không, có giảm giá để chia sẻ với người dân không? Với mức thu nhập của đa số người dân bình thường, không thể mua nổi nhà với giá thấp cũng 21 - 22 triệu/m2 hiện nay. Chúng ta cứ kêu thị trường ảm đạm, căn hộ không bán được nhưng thực tế có phải vậy không? Hay tại các chủ đầu tư bán quá đắt nên người dân không mua được?"- vị lãnh đạo này cho biết.

Trong một động thái mới nhất, tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, sau khi có nhiều kiến nghị từ các doanh nghiệp, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến khẳng định, Chính phủ vẫn chủ trương thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, linh hoạt và kiểm soát tốt các tăng trưởng tín dụng ở mức 20%, đồng thời kiểm soát tín dụng đối với một số lĩnh vực, trong đó có bất động sản, chứng khoán. "Hiện nay, sức ép lạm phát vẫn còn gia tăng, giá cả vẫn chưa ổn định nên chủ trương kiểm soát tín dụng, trong đó có bất động sản vẫn sẽ được thực hiện nghiêm túc trong thời gian tới, không có chuyện nới lỏng như một số thông tin vừa qua"- ông Tiến khẳng định.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu Tư Chứng Khoán