Siết quản lý quy hoạch đô thị: Triệt tiêu thói lạm quyền

Cập nhật 12/02/2018 08:35

Trong quá trình xây dựng phát triển đô thị, không ít dự án đã điều chỉnh quy hoạch, phá vỡ không gian, tạo áp lực đô thị. Nghị định số 139/2017/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm xây dựng có hiệu lực từ 15/1/2018, được ví như một đốc công siết chặt “lỗ hỗng” quản lý quy hoạch đô thị, dần triệt tiêu tình trạng DN can thiệp đến chất lượng quy hoạch.

Khu đô thị bán đảo Linh Đàm. Ảnh: Việt Dũng.

Thay đổi lên, điều chỉnh xuống

Đề cập tới tình hình quản lý quy hoạch nói chung, đặc biệt là quản lý quy hoạch tại các trung tâm đô thị lớn, giới chuyên gia quy hoạch đô thị cho rằng còn nhiều bất cập. Nhiều công trình theo quy hoạch đã được phê duyệt, công bố nhưng các dự án, công trình phát triển đô thị, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, lại không theo kịp. Thậm chí, có sự kết nối giữa các công trình, nhưng lại chưa đảm bảo theo đúng quy định của Luật Xây dựng là phải kết nối đồng bộ và thống nhất. Đáng chú ý, có những nơi, việc điều chỉnh quy hoạch còn tuỳ tiện dễ dãi khi dăm bảy lần “thay đổi lên, chỉnh sửa xuống”.

Khu đô thị Linh Đàm (quận Hoàng Mai) là một điển hình về việc bị điều chỉnh nhiều lần dẫn đến phá vỡ quy hoạch. Nhiều kiến trúc sư, nhà quy hoạch bày tỏ sự tiếc nuối về một không gian được quy hoạch khá “chuẩn” của Linh Đàm hơn chục năm về trước. Thế nhưng, sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, trong vài năm gần đây, tình trạng tắc đường, thiếu trường, thiếu không gian công cộng của khu vực này ngày càng trầm trọng.

Hay như bài học từ bản quy hoạch mới công bố của bán đảo Sơn Trà – Đà Nẵng. “Báu vật độc nhất vô nhị” có nguy cơ bị phá vỡ khi quá nhiều diện tích dành cho bê tông hóa. Quy hoạch được chia thành 10 khu ở và 5 đơn vị chức năng độc lập. Trong đó đất dân dụng khoảng 2.000ha (41%), các loại đất khác trong phạm vi khu dân dụng khoảng 46ha (0,9%), đất xây dựng ngoài phạm vi khu dân dụng khoảng 2.900ha (57%). Ý tưởng biến một phần không nhỏ Sơn Trà thành khu biệt thự núi (có nhiều khu đã được cấp phép) có thể khiến diện tích rừng tự nhiên giảm dần, mất tính liên tục của hệ sinh thái từ rừng xuống biển.

Từ thực tế đó, Nghị định 139 ra đời, với mức phạt lên đến 30 - 70 triệu đồng với các vi phạm về lập và điều chỉnh quy hoạch “tuỳ tiện dễ dãi”. Song song với việc tăng chế tài xử lý phần diện tích thay đổi do điều chỉnh quy hoạch gây ra theo hướng phá dỡ cũng sẽ tạo tiền lệ cho các vi phạm xây dựng sau này. Vượt lên tất cả là các cấp chính quyền phải quản lý nâng cao quy hoạch đô thị một cách “công khai - minh bạch” và có trách nhiệm giải trình. Các nước trên thế giới phát triển bền vững được đều phải tôn trọng các quy tắc “vàng” này.

Cũng đánh giá cao tinh thần lập lại trật tự xây dựng của Nghị định, nhưng theo các chuyên gia, quan trọng nhất là không để lợi ích nhóm ảnh hưởng đến quy hoạch. "Hiện chúng ta đang rất thiếu vai trò của một nhạc trưởng, một đốc công trong lĩnh vực quản lý đô thị. Điều này xuất phát từ việc quản lý đô thị theo quy hoạch nhưng lại thiếu đi kế hoạch thực hiện" - một chuyên gia cho hay.

Bám sát định hướng Luật Quy hoạch

Thực tế, điều chỉnh quy hoạch xây dựng là vấn đề cấp thiết, nhưng mục tiêu của việc điều chỉnh phải phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng, một vùng hay của cả đất nước theo thời kỳ. Điều đó cũng được pháp luật về quy hoạch xây dựng quy định về thời hạn, mục tiêu điều chỉnh, trình tự thủ tục điều chỉnh.

Riêng về trình tự thủ tục điều chỉnh, luật pháp cũng đã quy định một quy trình điều chỉnh chặt chẽ, không khác gì quy trình phê duyệt quy hoạch mới ban đầu. Tuy nhiên, qua nghiên cứu các hồ sơ điều chỉnh cho thấy, các cá nhân có thẩm quyền điều chỉnh đã không tuân thủ đúng quy trình điều chỉnh và hầu như việc điều chỉnh là do ý chí của một vài cá nhân.

Tình huống của Sơn Trà hiện nay là bài học trực quan sinh động về mối quan hệ và sự lựa chọn không đánh đổi giữa phát triển kinh tế và môi trường, về cách thức làm quy hoạch, định hướng kinh doanh du lịch. Chuyện đúng quy trình mà các cơ quan quản lý Nhà nước hay phân tích mỗi khi có vấn đề phát sinh sẽ trở nên vô nghĩa nếu trước khi thực hiện nó không có quy trình đúng. Như với quy hoạch Sơn Trà, quá trình xem xét lại nên bắt đầu từ việc “kiểm kê” tài sản thiên nhiên, xem giá trị đến mức nào đối với người dân và trong mối tương quan với hệ sinh thái chung, để biết cần có mức độ giữ gìn ra sao trước khi tính đến chuyện khai thác tới đâu. Ý kiến của các nhà khoa học cần được lắng nghe với vai trò quan trọng của yếu tố khoa học.

Đánh giá về mức phạt hành chính của Nghị định 139, TS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Hà Nội cho rằng còn quá nhẹ so với thực tiễn. Gần đây nhất, Quốc hội ban hành Luật Quy hoạch nói chung, xác định rõ trách nhiệm các cấp trong quá trình làm quy hoạch, nêu rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan. Phải chăng đừng để đến thời kỳ Luật Quy hoạch có hiệu lực (tức 1/1/2019) mà phải căn cứ vào định hướng này để tăng thêm hình phạt. Nói một cách đơn giản, mức phạt trên cần xem xét đến cả trách nhiệm dân sự và hình sự.

Đây cũng là tinh thần mà giới chuyên môn mong muốn để điều chỉnh Luật Thủ đô sắp tới. “Trong vòng một năm nữa, từ định hướng của Nhà nước, trên tinh thần của Luật Quy hoạch cần quyết liệt hơn đối với chất lượng công tác quy hoạch. Cốt yếu là trách nhiệm của các cơ quan tham vấn, thẩm định. Phải quy định rõ trách nhiệm cá nhân khi ký quyết định quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch.

Thậm chí, trong trường hợp chứng minh được việc lập quy hoạch sai quy định gây tác động xấu tới đời sống sinh hoạt, ngoài việc xử lý theo mức phạt như trên, người dân hoàn toàn có thể khởi kiện người ký quyết định quy hoạch ra tòa hành chính.” – ông Nghiêm phân tích.

Trách nhiệm ký điều chỉnh quy hoạch thuộc về ai thì phải chỉ cho rõ. Như trước đây đã có quy hoạch tổng thể rồi, nhưng giờ làm sai để phát sinh, trách nhiệm người giám sát đến đâu? Có khi người đứng đầu họ ký với chừng mực cho phép, nhưng chủ đầu tư cố tình thực hiện sai, hoặc quá trình giám sát không chặt dẫn đến sai sót.

Bởi vậy, có thể trách nhiệm có khi không hoàn toàn ở người ký. Cho nên, then chốt cần giám sát chỉ ra sai ở chỗ nào. Đương nhiên, nếu cố tình ký sai quy hoạch, phải chịu trách nhiệm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Quốc hội Trương Minh Hoàng
 

DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT