Siết giao dịch BĐS

Cập nhật 15/03/2017 14:29

Khách hàng cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ bằng chứng pháp lý của dự án.

Hệ lụy từ bán “lúa non”

Thời gian qua, thị trường bất động sản (BĐS) tại TP. Đà Nẵng phát triển khá sôi động, với nhiều gam màu sáng. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, vẫn có không ít khách hàng “ngậm đắng nuốt cay” do chủ đầu tư bán “lúa non”.

Cả người mua lẫn ngân hàng từng điêu đứng với dự án The Summit Sơn Trà

Vào giữa năm 2016, hơn 100 khách hàng đã đặt cọc mua căn hộ tại dự án chung cư cao cấp The Summit Sơn Trà (Đà Nẵng), đã đồng loạt gửi đơn đến cơ quan chức năng để kêu cứu. Theo đó, dự án The Summit Sơn Trà của chủ đầu tư Công ty TNHH Meridian Land được khởi công từ tháng 5/2010.

Ban đầu, dự án chỉ có quy mô 20 tầng, 146 căn hộ trên diện tích 3.800 m2, tổng mức đầu tư 17 triệu USD. Sau đó, dự án được nhà đầu tư điều chỉnh lên 24 tầng, với 2 tầng hầm. Số căn hộ cũng tăng lên 356 căn, dẫn đến tổng mức đầu tư tăng lên 19 triệu USD. Sau khi thi công được một thời gian, ngay lập tức chủ đầu tư rao bán căn hộ, đồng thời cam kết bàn giao nhà vào tháng 11/2012.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2010 dự án dừng hẳn việc thi công. Báo hại những khách hàng đã đặt tiền mua căn hộ tại dự án Summit rơi vào tình trạng tiền mất tật mang. Ngoài khách hàng, VietinBank Đà Nẵng và VietinBank Nam Thừa Thiên - Huế, nhà đầu tư dự án, lẫn nhà thầu thi công công trình cũng từng rất đau đầu trong vụ việc này. Ngân hàng muốn thu hồi vốn đã cho vay, song việc này không dễ do nhiều vướng mắc. Đến nay, dự án này vẫn dậm chân tại chỗ, công trình trị giá hàng chục triệu đô rơi vào cảnh hoang phế.

Tương tự, một dự án BĐS đình đám khác từng khiến nhiều khách hàng gặp rủi ro. Đó là dự án Khu dân cư Tân Cường Thành nằm trên địa bàn quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng được đầu tư cơ sở hạ tầng, hình thành khoảng 700 lô đất nền với chủ đầu tư là CTCP dây cáp điện Tân Cường Thành, có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh.

Sau khi, xin chuyển đổi mục đích sử dụng một phần diện tích đất sản xuất sang kinh doanh BĐS, chủ đầu tư này bắt đầu rao bán các lô đất trên với những thông tin hấp dẫn như, dự án có cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh 100%, cách trung tâm thành phố 3 km, gần bến xe trung tâm, nhà ga xe lửa, các trường đại học… Tin vào những hứa hẹn hấp dẫn, nhiều người đã đổ tiền mua đất tại dự án này. Tuy nhiên, sau đó gần 70 khách hàng không nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khi đã bỏ ra lên đến hàng chục tỷ đồng.

Bức xúc vì sự chậm trễ, hứa suông của chủ đầu tư đã không ít lần người dân bao vây trụ sở của DN này tại Đà Nẵng để đòi “sổ đỏ”. Hay những trường hợp mới đây, nhiều khách hàng giao dịch các dự án BĐS trên địa bàn quận Sơn Trà, Liên Chiểu từ một công ty BĐS cũng đứng ngồi không yên bởi đã hoàn thành giao dịch, song chủ vẫn cố tình dây dưa không bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

“Siết” mua bán nhà đất

Thực tế, những năm gần đây trên địa bàn TP. Đà Nẵng không hiếm dự án bán “lúa non”, khi chưa có đầy đủ tính pháp lý như, nợ tiền sử dụng đất, chưa phê duyệt quy hoạch chi tiết, chưa có quyết định cho phép chuyển đổi đất thương mại, dịch vụ thành đất ở.

Thậm chí, có một số dự án chỉ dựa trên sơ đồ ranh giới sử dụng đất dự kiến, quy hoạch dự kiến chưa được UBND thành phố phê duyệt cũng đã tự ý tổ chức thực hiện giao dịch chuyển quyền sử dụng đất... Nhiều chủ đầu tư “lách luật”, bằng cách ký hợp đồng huy động vốn, hoặc hợp đồng đặt cọc với khách hàng để phát triển dự án. Khi phát sinh những tranh chấp, rủi ro thường thuộc về các khách hàng.

Điều này, ảnh hưởng đến quyền lợi của người mua và sự phát triển lành mạnh của thị trường BĐS Đà Nẵng. Nhiều vụ kiện cáo liên quan đến việc mua bán đất đai đã từng xảy ra rất nhiều, khiến các cơ quan chức năng lúng túng khi giải quyết.

Nhằm ngăn chặn tình trạng trên, mới đây ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng đã ký Văn bản 897 yêu cầu các chủ đầu tư dự án, chủ sử dụng đất trên địa bàn không được phép tổ chức giao dịch chuyển quyền sử dụng BĐS khi dự án chưa đầy đủ thủ tục pháp lý về quy hoạch, đất đai.

UBND TP. Đà Nẵng cũng yêu cầu Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch xây dựng Đà Nẵng không phổ biến cho các tổ chức, cá nhân các sơ đồ ranh giới, các đồ án quy hoạch khi chưa được UBND thành phố phê duyệt.

Theo ông Nguyễn Văn Nam, Phó giám đốc Sở Xây dựng Đà Nẵng, trên cơ sở chỉ đạo của thành phố, lãnh đạo sở đã quán triệt đến toàn thể công chức, viên chức, người lao động không cung cấp thông tin dưới mọi hình thức cho các tổ chức, cá nhân sơ đồ ranh giới, đồ án quy hoạch các dự án khi chưa được thành phố phê duyệt.

Viện Quy hoạch không được ký kết các hợp đồng tư vấn lập dự án đầu tư, thiết kế xây dựng, giám sát thi công các dự án BĐS khi sơ đồ ranh giới, đồ án quy hoạch dự án đó chưa có chủ trương nào của UBND thành phố. Đồng thời, tăng cường kiểm tra việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của các dự án BĐS đảm bảo các điều kiện theo quy định.

Bên cạnh, những động thái “siết” chặt các giao dịch BĐS từ chính quyền, khi mua bán BĐS để tránh gặp phải rủi ro các “thượng đế” cũng cần tìm hiểu kỹ về dự án, chủ đầu tư. Đồng thời, yêu cầu chủ đầu tư cung cấp đầy đủ bằng chứng pháp lý của dự án như giấy phép xây dựng, bảo lãnh ngân hàng, quyền sử dụng đất...

Bởi theo quy định pháp luật về nhà ở và kinh doanh BĐS, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại phải có văn bản gửi Sở Xây dựng nơi có nhà ở kèm theo hồ sơ giấy tờ chứng minh nhà ở hình thành trong tương lai có đủ điều kiện được bán theo quy định tại Khoản 1 Điều 55 Luật Kinh doanh BĐS mới chính thức được chào bán ra thị trường.

DiaOcOnline.vn - Theo Thời báo Ngân hàng