Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng việc Thông tư số 11/2015/TT-BXD của Bộ Xây dựng có hiệu lực từ ngày 16-2 quy định chặt chẽ hơn trong việc cấp phép hành nghề môi giới bất động sản (BĐS) sẽ giúp thanh lọc đội ngũ làm nghề này và giảm bớt những thua thiệt cho người mua nhà.
Hội Môi giới BĐS cho rằng việc cấp chứng chỉ hành nghề này khó hơn nhằm giảm thua thiệt cho người mua. Ảnh minh họa: Vân Ly |
Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng thư ký Hội Môi môi giới Bất động sản Việt Nam, cho biết trong những năm trước đây đã có gần 30.000 chứng chỉ môi giới bất động sản được cấp theo Luật Kinh doanh bất động sản 2006. Tuy nhiên, số môi giới còn “bám trụ” lại với nghề chỉ còn gần một nửa số này.
Theo quy định mới của Thông tư số 11/2015/TT-BXD, từ ngày 16-2-2016 trở về sau, người môi giới bất động sản phải thi sát hạch mới được cấp chứng chỉ môi giới để hành nghề. (Xem thêm: Từ ngày mai, môi giới BĐS phải có chứng chỉ hành nghề)
Những người đã nhận chứng chỉ này trước đây chưa bị ảnh hưởng, chưa phải thi lại để lấy chứng chỉ, vì theo thông tư trên, chứng chỉ hành nghề trước đây tiếp tục có giá trị trong vòng 5 năm kể từ ngày Luật Kinh doanh bất động sản 2015 có hiệu lực (1-7-2015).Chỉ những người bước vào nghề môi giới bất động sản ở thời điểm này trở về sau mới phải tham gia sát hạch để có chứng chỉ.
Ông Đính cho rằng việc sát hạch theo quy định hiện nay tương đối kỹ lưỡng để đảm bảo những người được cấp chứng chỉ có đủ khả năng hành nghề trong thực tế và hạn chế những rủi ro cho các bên tham gia giao dịch. Trước đây, các nhân viên môi giới không phải thi sát hạch, mà chỉ đơn thuần học qua khóa đào tạo ngắn hạn rồi xin cấp phép.
“Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam ủng hộ việc quản lý chặt chẽ trong cấp chứng chỉ hành nghề cho người làm nghề, vì những người này tham gia thúc đẩy, dẫn dắt các bên liên quan, gồm chủ đầu tư, khách hàng, ngân hàng… vào những giao dịch quan trọng, có thể gây ra những hậu quả lớn nếu thông tin về bất động sản mà môi giới đưa ra không chính xác, pháp lý về bất động sản không đảm bảo”, ông Đính nói.
Đồng thời, hội còn cho rằng cần phải có chế tài để tránh những trường hợp như trước đây có các hoạt động môi giới đưa khách hàng vào các dự án “ma” gây thiệt hại lớn cho người mua bất động sản. Hiện nay, khi xét xử các vụ án liên quan đến bất động sản, pháp luật chỉ xử lý chủ đầu tư, còn những người môi giới tham gia, dẫn dắt khách hàng thì chưa bị chế tài.
Thông tư số 11/2015/TT-BXD giao Sở Xây dựng các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức sát hạch và cấp chứng chỉ. Ông Đính cho rằng trong quá trình tổ chức bồi dưỡng kiến thức và sát hạch, cần có sự tham gia của các tổ chức hội nghề nghiệp có liên quan để đảm bảo chất lượng và khả năng hành nghề của các nhân viên môi giới trong thực tiễn.
Ông Đính cho rằng, mức độ cạnh tranh của người làm nghề môi giới bất động sản trong năm nay sẽ gay gắt hơn. Nếu như năm 2015, các sàn giao dịch và những người tham gia môi giới bất động sản đã có một năm khá thuận lợi khi sức cầu tăng nhanh sau các năm thị trường đóng băng, thì năm 2016, sức cầu này sẽ tăng chậm lại, trong khi nguồn cung tại các dự án mới khởi động trong năm 2015 lại tăng nhanh.
Thêm nữa, cuối năm 2015 Việt Nam tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, cho phép những nhà môi giới của các nước cùng tham gia hoạt động tại Việt Nam. Điều này có thể khiến thị phần của các đơn vị môi giới trong nước bị thu hẹp, nhưng nó cũng mở ra những cơ hội mới cho những nhà môi giới đủ năng lực vươn ra thị trường khu vực.
DiaOcOnline.vn - Theo TBKTSG