Siết chặt nghề môi giới nhà đất

Cập nhật 26/10/2021 11:08

Tới đây, các tổ chức cá nhân muốn hoạt động môi giới nhà đất phải lập doanh nghiệp, văn phòng và phải có chứng chỉ hành nghề...

Một cò đất dẫn khách đi xem đất ở huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa, khu vực nằm trong diện bị Bộ Tài nguyên và Môi trường thanh tra vì tình trạng phân lô bán nền. Ảnh: ĐỨC ĐOÀN

Trước thực trạng bát nháo của hoạt động môi giới bất động sản (BĐS), Bộ Xây dựng đã đưa quy định môi giới BĐS bắt buộc phải hoàn thành chương trình đào tạo của đơn vị được cấp phép mới được dự thi sát hạch lấy chứng chỉ và không cho cá nhân hoạt động môi giới độc lập… vào dự thảo sửa Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh BĐS 2014 để lấy ý kiến.

Thừa nhưng vẫn thiếu

Trong dự thảo này, Bộ Xây dựng thẳng thắn thừa nhận hạn chế trong kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS là nguồn nhân lực thừa về số lượng nhưng thiếu về chất lượng.

Theo Bộ Xây dựng, Luật Kinh doanh BĐS 2014 quy định về điều kiện các tổ chức, cá nhân được kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS, điều kiện được thi sát hạch về trình độ hiểu biết pháp luật, về kỹ năng hoạt động môi giới quá dễ dàng, không quy định buộc phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được dự thi lấy chứng chỉ.

Điều này đã dẫn đến tình trạng hiện nay đội ngũ làm môi giới BĐS yếu về chuyên môn, hiểu biết pháp luật hạn chế, chưa có tính chuyên nghiệp, yếu kém về đạo đức kinh doanh dẫn đến tình trạng làm ăn chụp giật, không chịu trách nhiệm, gây thiệt hại cho khách hàng khi tư vấn không đúng, tư vấn cho xong để kiếm tiền, thậm chí còn lũng đoạn thị trường, góp phần gây ra những cơn sốt ảo để kiếm lợi.

Luật cũng quy định cá nhân chỉ cần đáp ứng đủ điều kiện có chứng chỉ hành nghề và đăng ký nộp thuế là có thể thực hiện dịch vụ môi giới BĐS, chưa bắt buộc các cá nhân này có trách nhiệm phải báo cáo với cơ quan quản lý nhà nước về các hoạt động của họ. Do đó, họ hoàn toàn có thể tự do hành nghề ở bất kỳ đâu, một là ăn theo các sàn giao dịch BĐS để lấy thông tin, làm cộng tác viên hoặc môi giới thứ cấp, hai là tự đi khai thác nguồn thông tin sản phẩm có nhu cầu bán và chủ yếu là nhà, đất ở có sẵn để môi giới cho khách hàng có nhu cầu mua. "Mục tiêu của họ chỉ là làm cách nào bán được sản phẩm nhanh và hiệu quả nhất và thường không có trách nhiệm với khách hàng, người tiêu dùng đối với các sản phẩm họ đã môi giới" - Bộ Xây dựng nhận định trong văn bản.

Báo cáo mới đây của Hội Môi giới BĐS Việt Nam cũng khẳng định có đến 90% môi giới BĐS hoạt động mà không có chứng chỉ hành nghề, trình độ, năng lực, hiểu biết về pháp luật còn nhiều yếu kém. Hầu hết môi giới tự do đều là nghiệp dư, tay ngang, không được đào tạo, không được quản lý nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho cả bên mua và bên bán. Khi xuất hiện nhiều ở khu vực nào đó dễ khiến thị trường BĐS nơi đó tăng nóng.

Từ thực tế trên, Bộ Xây dựng đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định người làm môi giới phải có giấy chứng nhận hoàn thành khóa học thì mới được thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS.

Cùng với đó, bổ sung các quy định các tổ chức, cá nhân hoạt động môi giới đều phải thành lập doanh nghiệp, văn phòng môi giới...; phải có chứng chỉ hành nghề môi giới BĐS, cá nhân không được hoạt động môi giới độc lập.

Bộ cũng đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới BĐS trong nước sau khi thành lập doanh nghiệp phải cung cấp thông tin của đơn vị mình đến Sở Xây dựng nơi tổ chức mình hoạt động và Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS để được đăng tải công khai trên hệ thống quản lý của địa phương.

"Việc sửa đổi, bổ sung các quy định theo phương án này sẽ tạo ra môi trường kinh doanh lành mạnh, tính minh bạch cao. Cơ quan quản lý nhà nước kiểm soát tốt thị trường, khắc phục được hiện tượng sốt ảo, "bong bóng" BĐS do các môi giới gây ra, từ đó, tránh thất thu thuế cho nhà nước" - Bộ Xây dựng lý giải.

Kiểm soát là cần thiết

Ông Phạm Lâm, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Việt Nam, cho rằng những vấn đề Bộ Xây dựng nêu ra để đưa vào luật là rất phù hợp và cần thiết. Các cá nhân muốn làm môi giới cũng phải tham gia học chứng chỉ hành nghề, cần có pháp nhân để cơ quan chức năng quản lý theo quy định.

Đồng tình với những kiến nghị sửa đổi của Bộ Xây dựng nhưng chuyên gia BĐS, ông Trần Khánh Quang cho rằng điều cần nhất là sự minh bạch của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương về dự án, đất đai nhiều hơn là chỉ siết môi giới. Bởi, việc giao dịch BĐS giữa người mua và bán nếu có trung gian thì tốt hơn. Tuy nhiên, môi giới có tốt mấy cũng chỉ giải quyết 50% vấn đề cho thị trường, quan trọng vẫn phải là pháp lý rõ ràng và công khai quy hoạch.

"Việc chuyên nghiệp hóa nghề môi giới cần phải có lộ trình. Một khi đã chuẩn hóa nghề theo khuôn khổ thì dần dần môi giới yếu kém cũng tự đào thải. Còn nếu chỉ tính đến siết môi giới mà không hoàn thiện pháp lý thì khách hàng sẽ bị thiệt hại. Vì thực tế hiện nay, nhiều pháp nhân được lập ra nhưng cố tình làm sai, lừa khách hàng với quy mô lớn còn để hậu quả khủng khiếp hơn cả cá nhân. Điển vụ công ty bất động sản Alibaba lừa đảo thời gian vừa qua" - ông Quang nêu quan điểm.

Ông Lâm cho biết việc cấp một mã số hành nghề cho môi giới là rất cần thiết để quy trách nhiệm và căn cứ vào đó để nâng chất lượng của nghề môi giới. Trong tương lai, cơ quan nhà nước có chuyên nghiệp hóa trong quản lý môi giới bằng cách ứng dụng nền tảng công nghệ, quản lý để một môi giới chỉ làm một công ty, làm việc tại một dự án để chuyên môn sâu. Vì có những môi giới làm 4-5 công ty khác nhau rất dễ ảnh hưởng đến chất lượng môi giới cũng như không rõ ràng, minh bạch…

Ông Lâm dẫn chứng các nước, cụ thể là Mỹ, người làm môi giới phải qua khóa đào tạo 180 giờ, sau đó làm việc tại các văn phòng giao dịch từ 2 năm trở lên mới được dự thi lấy chứng chỉ hành nghề môi giới. Đồng thời, cần thêm quy định bổ sung, cập nhật kiến thức hằng năm để hành nghề. "Quan trọng là tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc hành nghề môi giới BĐS đúng luật" - ông Lâm nhấn mạnh.

DiaOcOnline.vn – Theo Người lao động