Thị trường bất động sản (BĐS) "đóng băng" hiện nay, nhiều người đổ lỗi là do NH đã "siết chặt" tín dụng, lãi suất tăng cao. Thế nhưng, có nên "nới lỏng" tín dụng cho BĐS hay không thì lại là một câu hỏi phức tạp hơn nhiều.
Các chuyên gia cho rằng, một trong ba "ngòi nổ" của khủng hoảng kinh tế chính là "bong bóng" BĐS (cùng với thâm hụt cán cân thanh toán và lạm phát).
Giới kinh doanh NH vẫn còn nhớ như in bài học từ những năm 1990 về sự bất ổn của thị trường nhà đất. Khi ấy, nhiều nhà băng đã phải "ra đi" khi dính vào các thương vụ đầu tư và cho vay BĐS, khiến cho cả hệ thống NH lao đao.
Một chuyên gia NH từng nhận định: "Bong bóng BĐS ở Mỹ so với giá trị thực chỉ có 10% đã nguy hiểm, ở Anh so với thực 20% đã làm rối loạn toàn cầu. Còn ở VN, bong bóng này so với giá trị thực bao nhiêu không ai biết. Bởi cơ chế quản lý, giá nhà nước một đường thị trường một nẻo, quyền mua bán thuộc chính quyền địa phương và những ai "chạy" được dự án mới có cơ hội nắm "cung" BĐS".
Vì thế, vấn đề không phải là con số 10% mà NHNN công bố về tín dụng đối với BĐS, mà quan trọng hơn là các nhà hoạch định chính sách cần để ý tới cơ chế quản lý BĐS, đơn giản là vì hầu hết các dự án có được nhờ cơ chế "xin - cho" mới là nơi tập trung phần lớn vốn BĐS.
Thị trường BĐS hiện đang căng thẳng vì thiếu vốn, vì CK và cả vì những tác động xấu bên ngoài.
Nếu thị trường BĐS sụp đổ sẽ đánh thẳng vào hệ thống NH, cả nơi cho vay và thế chấp đang lên tới 50-60% tổng tài sản của các NH, con số bằng GDP của VN hiện nay. Nhiều NHTM cũng đã "sợ" và cẩn trọng hơn trong cho vay BĐS, thậm chí có NH còn tạm ngừng không cho vay lĩnh vực này.
Song, điều cần nói lại chính là khả năng kiểm soát của NHNN. Hệ thống thông tin quản lý quá yếu và không có công cụ giám sát chặt chẽ đã khiến cho các chính sách tín dụng về lĩnh vực này trong thời gian vừa qua của NHNN bị "giật cục", chưa mang lại hiệu quả như mong muốn.
Trong khi các nhà quản lý cân nhắc về các chính sách vĩ mô thì thị trường lại đưa ra lý lẽ của nó. Con số FDI 7 tháng cho thấy không ít trong số 43 tỉ USD là đổ vào BĐS. Nhiều dự án BĐS trong nước đã "bị" các NĐT nước ngoài mua lại... Câu hỏi ai sẽ là người hưởng lợi từ chính sách "siết chặt" tín dụng với thị trường BĐS dường như đang hé lộ dần.
Theo Lao Động