Theo ông Nguyễn Văn Đực, việc Quốc hội đòi lại gói 30.000 tỉ chính là một lời cảnh cáo cho Bộ Xây dựng.
Liên quan đến việc đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội yêu cầu Bộ Xây dựng trả lại gói 30.000 tỉ vì tốc độ giải ngân quá chậm, Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội bất động sản (BĐS) TP. HCM về vấn đề này.
*
Trong phiên thẩm tra sơ bộ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng trả lại gói 30.000 tỉ cho Quốc hội và Chính phủ bố trí làm việc khác. Ông có đánh giá gì về sự kiện này?
Lý do gói 30.000 tỉ thất bại là vì không có nhà và bây giờ Quốc hội mới thấy được thì cũng đã là khá chậm. Lỗi này là lỗi của Bộ Xây dựng, vì Bộ Xây dựng chính là người ra đề thi và cũng chính là người đi thi. Nhưng ra đề thi không đúng, không lường được là không có loại căn hộ này và khi về các địa phương thì một số địa phương như TP.HCM tìm cách ngăn chặn việc chuyển đổi căn hộ cho nên suốt 6 -7- 8 tháng nay không có sản phẩm. Cho nên không có gì quá khi nhận định rằng đây là lỗi của Bộ Xây dựng.
Thế nhưng Bộ Xây dựng lại còn nói rằng, chậm mà chắc. Đáng lý ra, một cơ quan như Bộ Xây dựng phải biết rằng thời gian là rất quan trọng, phải biết thời gian là vàng. Không những đưa ra định hướng đúng mà còn phải làm nhanh thì mới cứu được thị trường BĐS, nhưng đằng này lại nhởn nha chờ thì đã là không hợp lý. Rồi Bộ Xây dựng lại nói rằng chưa xài hết thì vẫn còn đấy! Thế thì soạn ra cái gói 30.000 tỉ để làm gì? Bao nhiêu doanh nghiệp, bao nhiêu người dân chờ đợi vào gói này vậy mà giờ Bộ Xây dựng nói thế thì có chấp nhận được không?
Tất cả những cái vô lý đó gộp lại đã đưa đến việc không có nhà và không tiêu thụ được gói 30.000 tỉ.
*
Theo ông, việc thu hồi lại 30.000 tỉ vào lúc này liệu có hợp lý?
Việc mà Bộ Xây dựng không làm được thì Quốc hội thu hồi lại không có gì lạ cả. Tuy nhiên theo đánh giá của tôi, hành động này của Quốc hội là muốn gây sức ép với Bộ Xây dựng và các tỉnh, rằng đây chính là món quà mà Chính phủ, Quốc hội trao cho Bộ Xây dựng. Trong khi các ngành khác như nông nghiệp, lâm nghiệp... cũng đang rất khó khăn, đang cần tiền mà không có, đã ưu tiên cho ngành xây dựng rồi mà ngành xây dựng lại không làm tốt thì tôi thu hồi lại là điều đương nhiên. Đây là một thực tế, là một sức ép bắt buộc Bộ Xây dựng phải cố gắng mà làm.
*
Theo như phân tích của ông thì đây chỉ là lời dọa, lời cảnh cáo của Quốc hội chứ không phải thật?
Đây vừa là thật vừa dọa, vì Quốc hội không thể đùa. Quốc hội có sức mạnh, có tầm ảnh hưởng rộng và đây là thẻ vàng mà Quốc hội dành cho Bộ Xây dựng. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vào đầu năm 2014 đã có một cuộc họp đôn đốc Bộ Xây dựng rồi, bây giờ lại đến Quốc hội. Và nếu Quốc hội ra cái này thì đến lúc nào đó cũng sẽ đến lượt Thủ tướng.
Giống như việc Thủ tướng chỉ đạo sẽ cách chức ông đứng đầu nếu cổ phần hóa các tập đoàn, tổng công ty chậm thì tôi tiên đoán rằng sẽ có lúc Thủ tướng ra lệnh nếu Bộ Xây dựng không làm được, Chủ tịch các tỉnh không làm được sẽ cách chức ông đứng đầu. Tôi đánh giá đây sẽ là việc làm vô cùng đúng đắn. Phải cách chức Bộ trưởng Bộ Xây dựng nếu không tiêu thụ tốt gói 30.000 tỉ này.
Xin cảm ơn ông!
DiaOcOnline.vn - Theo Một thế giới