Sẽ xóa sổ sân golf Phan Thiết?

Cập nhật 08/02/2014 08:12

Nguyên chủ tịch HĐND tỉnh Bình Thuận nhìn nhận mình đã sai lầm khi bỏ phiếu cho xây sân golf Phan Thiết.

Sau nhiều thương vụ “giao dịch kín”, sân golf Phan Thiết được bán lại cho Tập đoàn Rạng Đông ở Bình Thuận. Do kinh doanh không đúng như kỳ vọng nên cuối năm 2013, Tập đoàn Rạng Đông có văn bản gửi đến Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bình Thuận xin chuyển đổi đất sân golf sang đất ở đô thị.

Chiếc áo chật

Theo văn bản của Tập đoàn Rạng Đông, khi chuyển đổi sân golf có diện tích hơn 64 ha này thành khu đô thị đa chức năng mang tên Phố Biển Xanh, tập đoàn có thể nộp ngân sách hàng ngàn tỉ đồng khi chuyển mục đích sử dụng đất.

Năm 1993, khi sang Việt Nam làm ăn, tỉ phú Larry Hillblom đã thấy Phan Thiết là nơi có thể xây dựng một sân golf đẳng cấp quốc tế nên nhờ một công ty ở Hong Kong đứng ra xin giấy phép xây dựng. Sân golf diện tích hơn 64 ha nằm giữa trung tâm Phan Thiết, có chiều dài bờ biển xấp xỉ một cây số. Vì sân golf nằm ở vị trí đẹp nhất nên đã biến TP Phan Thiết như cô gái mặc một chiếc áo quá chật: Con lộ ôm một vòng cua ven biển tuyệt đẹp bị biệt giam trong bốn bức tường, “ngăn sông cấm chợ” toàn bộ các khu dân cư hiện hữu ở phường Phú Thủy, Thanh Hải. “Mặt tiền” ven biển TP Phan Thiết bị sân golf này án ngữ dẫn đến quy hoạch bị đứt gãy.

Sân golf Phan Thiết với 64 ha đang kìm hãm quy hoạch của TP Phan Thiết. Ảnh: P.NAM

Ông Trần Xuân, một người dân sống cạnh sân golf, cho biết: “Từ khi có sân golf, mỗi khi muốn ra biển tôi phải chạy lòng vòng gần ba cây số nhưng 20 năm qua sân golf chẳng đóng góp được gì mà chỉ phục vụ cho một nhóm nhỏ có chỗ vung gậy mua vui ”. Ngoài ra, hàng ngàn người dân định cư xung quanh sân golf phải hít thở không khí nồng nặc thuốc trừ sâu, thuốc giữ ẩm, thuốc diệt cỏ dại mà họ thường xuyên dùng để bảo dưỡng mặt sân. Theo ông Xuân, khao khát của hàng trăm ngàn người dân Phan Thiết là xóa bỏ sân golf này, trả lại con lộ ven biển ngày xưa cho cộng đồng.

Tồn tại hay phá bỏ?

Ông T., một quản lý sân golf Phan Thiết, cho biết theo khảo sát của Hiệp hội Golf Việt Nam, đầu tư một lỗ golf tốn ít nhất 1 triệu USD, chưa kể tiền thuê đất, đền bù giải tỏa, tùy địa hình mà số tiền đầu tư còn tăng thêm.

Do đó, sân golf 18 lỗ như sân golf Phan Thiết muốn thu hồi vốn, trung bình phải có ít nhất 30.000 lượt người chơi/năm và muốn có lợi nhuận 10% phải có 33.000 lượt người chơi/năm. Hiện các sân golf đều duy trì hoạt động nhờ kinh doanh thẻ hội viên, với mức phí 1.200-2.000 USD/năm hoặc từ 10.000-15.000 USD cho 25 năm. Mỗi lần hội viên vào đánh, sân golf thu trung bình 20 USD/người… Thế nhưng số người mua thẻ hội viên ở sân golf Phan Thiết hiện nay chỉ đếm trên đầu ngón tay, còn phần lớn người đánh golf ở sân này đều chơi golf theo kiểu “hữu nghị”, miễn phí nên không đảm bảo kinh phí để duy trì cho hoạt động.

Kinh doanh lỗ lã, lại “kìm hãm” quy hoạch của TP Phan Thiết nên sau khi mua lại sân golf, Tập đoàn Rạng Đông xin chuyển mục đích sử dụng đất như trên với cam kết sẽ quy hoạch công viên chiếm diện tích khá lớn trong khu đô thị này, thay thế cho diện tích chủ yếu chỉ để trồng cỏ trong sân golf.

Người dân Phan Thiết đang hy vọng con lộ ven biển sẽ trả lại cho cộng đồng và TP Phan Thiết sẽ được mở rộng chứ không loanh quanh vài trăm mét ở khu vực Đồi Dương, xứng tầm với đô thị du lịch của cả nước vừa được Bộ Chính trị và Chính phủ xác định.

“Tôi sai lầm khi cho đầu tư sân golf”

Ngày 7-2, TS Nguyễn Văn Thuần (Chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Bình Thuận) tâm sự: “Thật tình 20 năm qua diện tích đất đai khổng lồ chỉ phục vụ cho sân golf nhưng không hiệu quả là một sự lãng phí quá to lớn. Tôi thấy mình sai lầm khi lúc đó với tư cách là chủ tịch HĐND tỉnh tôi đã bỏ phiếu đồng ý cho đầu tư sân golf giữa trung tâm thành phố mà chưa nghĩ đến sự phát triển sau này. Theo tôi cần dứt khoát chuyển đổi mục đích sân golf này ngay bởi ngoài việc phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, con đường ven biển sẽ được nối dài, bộ mặt Phan Thiết chắc chắn sẽ đẹp đẽ và sang trọng hơn. Tuy nhiên, khi xây dựng đô thị cần phải có phương án rõ ràng, tính toán thiết kế cụ thể và phải có sự tham gia góp ý của nhiều thành phần, tầng lớp. Khi quy hoạch đô thị cần phải thiết kế hài hòa công viên cây xanh với mật độ và tiêu chuẩn cần và đủ của một khu đô thị cao cấp...”.


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp luật TP