Sẽ hoàn thiện hệ thống phân phối

Cập nhật 01/06/2008 09:00

Có thể nguyên nhân chính dẫn đến thị trường xi-măng hút hàng, sốt giá là do nhu cầu thị trường tăng trong khi một số nhà máy cắt giảm công suất do chi phí đầu vào tăng cao. Nguyên nhân tiếp theo là doanh nghiệp sản xuất trao quá nhiều quyền hạn cho các nhà phân phối, đại lý khi thực hiện chính sách “mua đứt, bán đoạn”.

Nhà phân phối cũng kể khổ

Tuy Bộ Xây dựng đã yêu cầu các nhà máy tăng cường vận chuyển xi-măng vào miền Nam để bình ổn giá nhưng xi-măng bán lẻ tại TP.HCM vẫn cao. Trung bình một bao 50 kg nhãn hiệu nào cũng nằm ở mức 80.000-90.000 đồng.

Ông Đào Đức Toàn, Giám đốc Công ty Đức Toàn - nhà phân phối chính của nhiều nhãn hiệu xi-măng tại TP.HCM, cho biết xe phải chờ hàng tuần lễ mới lấy được hàng nên chi phí tăng cao. Ngoài ra, chi phí bốc xếp, vận chuyển trong quý I chỉ có 60.000 đồng/tấn, nay tăng lên 160.000 đồng/tấn mới đủ bù đắp. Với giá gốc 57.000 đồng/bao, khi giao đến đại lý cấp hai, công trình cũng phải lên đến 65.000-72.000 đồng/bao. Tuy nhiên, đây là giá mà nhà phân phối còn kiểm soát được chứ giá bán lẻ thì khó kiểm soát được. Ước tính tại TP.HCM có tới 5.000 đại lý, cửa hàng bán lẻ.

Vừa qua, Công ty Xi-măng Hà Tiên 1 đã ký hợp đồng với bảy nhà phân phối và gần 100 cửa hàng bán lẻ để thống nhất giá bán. Theo đó, cửa hàng bán lẻ chỉ được niêm yết giá bán 72.000 đồng/bao, nhà phân phối chính chỉ giao xi-măng với giá 57.000 đồng/bao và phân phối đến các cửa hàng với giá 67.000 đồng/bao. Tuy nhiên, theo ông Toàn, việc ký hợp đồng giữa nhà máy và nhà phân phối cần phải được nhiều doanh nghiệp làm chứ nếu chỉ mình Hà Tiên 1 thực hiện thì e rằng khó kềm giá xi-măng.

Giá cao do “mua đứt, bán đoạn”

Trong buổi làm việc gần đây với các công ty xi-măng khu vực phía Nam, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân không đồng tình việc nhà máy là nơi sản xuất nhưng không chủ động điều chỉnh giá mà khoán cho các nhà phân phối, đại lý. Theo ông, đối với mặt hàng trọng điểm như xi-măng, chính nhà sản xuất phải chủ động kiểm soát giá để điều tiết thị trường.

Một chuyên gia trong ngành cho biết có hiện tượng các nhà phân phối, đại lý lớn làm giá bằng cách gửi lại xi-măng ở nhà máy sản xuất sau khi được chính nơi này xuất hóa đơn thanh toán đã mua hàng. Khi có nhu cầu, họ điều xe chở thẳng xi-măng đến công trường. Cho nên khi thị trường biến động về giá, việc quyết định bán ở mức nào sẽ do chính những đại lý lớn này chi phối. Mặt khác, do hầu hết các nhà sản xuất hiện nay đều cắt giảm chiết khấu, rút ngắn thời gian thanh toán tiền so với trước nên các nhà phân phối buộc phải vay tiền từ ngân hàng với lãi suất cao.

Tăng cung để giảm giá

Ông Ngô Minh Lãng, Giám đốc Công ty cổ phần Xi-măng Hà Tiên 1 - đơn vị cung cấp số lượng lớn xi-măng cho thị trường này, thừa nhận lượng xuất của Hà Tiên 1 trong năm tháng đầu năm 2008 cũng chỉ xấp xỉ năm ngoái. Chưa kể để đạt được lượng hàng trên, Hà Tiên 1 đã phải tăng thêm lượng hàng gia công, rồi nhập thêm hàng từ phía Bắc vào. Ông Lãm cho biết so với cùng kỳ năm ngoái, lượng xi-măng mà Hà Tiên 1 nhập vào giảm một lượng đáng kể.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, mỗi sự thay đổi của Hà Tiên 1 đều có tác động rất lớn, bởi đây là nhãn hiệu có vai trò dẫn dắt thị trường. Thực tế, việc sốt hàng căng thẳng nhất chỉ diễn ra đối với hàng của Hà Tiên 1, Holcim. Một số nhãn hiệu xi-măng của phía Bắc người dân chưa có thói quen sử dụng, tuy nhiên do thị trường sốt nên giá xi-măng các nhãn hiệu này cũng nhích lên tương đối cao.

Ông Đào Đức Toàn kiến nghị, trong lúc này nhà sản xuất nên hợp tác nhiều hơn nữa với nhà phân phối. Ông cam đoan nếu nhà sản xuất cam kết chạy đúng công suất và phân chia hàng khoa học, đúng và đủ, không bắt nhà phân phối phải chờ đợi thì chắc chắn giá bán tới tay người tiêu dùng sẽ thấp hơn 70.000 đồng/bao.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân:

Nhà máy sản xuất rà soát chi phí lẫn hệ thống phân phối

Đề nghị các tổng công ty, nhà máy rà soát, tính toán lại giá thành sản xuất cho hợp lý, nhất là đối với khu vực phía Nam để làm rõ việc giá xi-măng tăng cao do nguyên nhân nào. Bên cạnh đó, xem xét lại việc điều hành, phân bố mạng lưới phân phối để xem đây có phải là nguyên nhân chính làm giá xi-măng tăng cao hay không. Tổng Công ty Xi-măng Việt Nam tiếp tục điều phối xi-măng, clinker từ Bắc vào Nam cùng với việc nhanh chóng đưa các dự án nhà máy xi-măng sớm vào hoạt động.

Sẽ hoàn thiện hệ thống phân phối

Trong quý III-2008, có thể Bộ Công thương sẽ trình Thủ tướng Chính phủ đề án củng cố, phát triển và quản lý một số hệ thống phân phối chủ lực bảo đảm bình ổn, phát triển thị trường trong nước.

Ông Hoàng Thọ Xuân, Vụ trưởng Vụ Chính sách thị trường trong nước (Bộ Công thương), cho biết đề án sẽ gồm hệ thống phân phối chuyên ngành mặt hàng vật tư hàng hóa chiến lược, trong đó tập trung vào mặt hàng sắt thép, xi-măng. Thứ hai là hệ thống phân phối hàng tiêu dùng, trong đó nòng cốt là các nhà phân phối lớn chi phối được các thị trường trọng điểm.

Thứ ba là hệ thống phân phối bán lẻ ở các địa phương, tập trung ở các hệ thống chợ. Ba hệ thống này sẽ được xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư cùng phương án quản lý để thực hiện.


Theo Pháp Luật TP.HCM