Sẽ dời 400.000 dân khỏi nội thành Hà Nội

Cập nhật 27/03/2010 15:15


Hạ tầng các khu phố cổ, phố cũ đang quá tải với quy mô dân số gấp 4 lần quy hoạch . Ảnh: Lưu Quang Phổ.
"Các nhà lập quy hoạch rất trân trọng những ý kiến đề xuất cụ thể mang tính khả thi. Tuy nhiên, nếu chỉ dừng lại ở góc độ phê phán mang tính cảm tính thì hiệu quả sẽ rất thấp”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng, TS-KTS Nguyễn Đình Toàn nói như vậy khi trao đổi với Thanh Niên xung quanh đồ án quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội đang rất được dư luận quan tâm.

* Thưa ông, thất bại trong các kế hoạch giãn dân cho nội thành Hà Nội khiến người ta rất nghi ngờ kế hoạch giảm dân nội đô từ 1,2 triệu dân hiện tại xuống còn khoảng 0,8 triệu dân như đồ án đề xuất?

Việc giảm tải cho nội đô dứt khoát phải làm, bởi quy hoạch mà người Pháp lập cho Hà Nội chỉ có 300.000 dân thôi (năm 1954), trong khi bây giờ dân số đã gấp 3 lần. Tuy nhiên, bây giờ không thể dùng biện pháp hành chính để di dân mà phải có giải pháp mang tính khả thi. Trong đồ án quy hoạch này đã đề xuất xây dựng chuỗi đô thị mới ở phía đông vành đai 4 và phía tây của sông Nhuệ, có sức chứa khoảng 1,2 triệu dân, với mật độ xây dựng thấp nhưng khuyến khích xây dựng cao tầng, tận dụng quỹ đất để dành cho cảnh quan, cây xanh, hạ tầng xã hội. Khi người dân nội đô thấy điều kiện sống ở đây tốt hơn họ sẽ tự di chuyển ra ngoài. Từ trước đến nay câu chuyện về giãn dân phố cổ, phố cũ chưa thành công là vì chưa hình thành được các khu đô thị tiện nghi. Tiện nghi được hiểu không phải chỉ có cái nhà mà phải có cảnh quan sân vườn, trường học, y tế, dịch vụ thương mại và thậm chí là cơ hội kiếm sống.

* Nhưng ách tắc giao thông khiến người dân cảm thấy ngán nếu phải đi ngược từ ngoài vào nội đô, chẳng hạn như khi đi làm?

“Ách tắc giao thông triền miên, thường xuyên là điều không thể chấp nhận được đối với sự quản lý ở một đô thị. Nếu không giải quyết rốt ráo vấn đề giao thông cho Hà Nội và TP.HCM thì sẽ không giải quyết được nhiều vấn đề khác như: phát triển kinh tế xã hội bền vững, kiến trúc, văn hóa, bảo tồn…”.
Việc này đúng là liên quan mật thiết đến vấn đề giãn dân. Cần tăng cường hệ thống giao thông cho cả nội đô và ngoại đô. Trong giao thông có 2 việc lớn phải làm, một là nâng cấp hệ thống giao thông ở nội đô (ví dụ một số đoạn cần phải làm đường tầng ở vành đai 2, vành đai 3, và một số tuyến dẫn vào nội thành), hai là khẩn trương xây dựng đường vành đai 3, 5 và 4. Ngay trong năm nay sẽ phải lập dự án tàu điện ngầm (metro) để đến năm 2012 có thể khởi công được ít nhất 3-4 tuyến metro chính. Theo đề xuất giải pháp giao thông trong đồ án quy hoạch chung thì Hà Nội sẽ có khoảng 9-11 tuyến metro, trong đó sẽ chạy ngầm từ vành đai 4 trở vào, và chạy nổi từ vành đai 4 trở ra. Hiện tại Chính phủ đã yêu cầu dừng chất tải trong khu vực nội đô Hà Nội (hạn chế việc xây dựng nhà cao tầng), cộng với các biện pháp như tôi đã nêu ở trên, chắc chắn sẽ giúp giảm tải cho Hà Nội, giải tỏa vấn đề ách tắc giao thông.

* Thưa ông, hiện có nhiều ý kiến xung quanh đề xuất Trung tâm Hành chính quốc gia đặt tại khu vực huyện Ba Vì?

Trong quá trình nghiên cứu lập đồ án này, tư vấn đã có 5 vị trí được đề nghị lựa chọn, đó là Ba Vì - Hòa Lạc, Quốc Oai, Hoài Đức, Tây Hồ Tây, Phương Trạch (Đông Anh). Sau báo cáo lần 2, ngày 21.8.2009, các tư vấn đã nhận được nhiều đóng góp của chuyên gia, hội nghề nghiệp, các bộ ngành và Hội đồng thẩm định Nhà nước. Đến báo cáo lần 3 thì tư vấn đề xuất chọn đặt Trung tâm Hành chính quốc gia ở khu vực thuộc huyện Ba Vì. Và vị trí này không phải để làm ngay mà quy hoạch là để dự trữ khu đất cho sau năm 2030, tầm nhìn đến 2050. Vị trí ấy có thuận lợi là tựa núi Ba Vì, nhìn về hồ Tây và kết nối với khu vực nội đô bằng trục Thăng Long (kéo dài từ Ba Vì, qua Phúc Thọ, Quốc Oai hướng về hồ Tây, qua cầu Tứ Liên, sang Cổ Loa). Nếu đặt trung tâm hành chính ở đây có thuận lợi nữa là không phụ thuộc vào hệ thống trung tâm hành chính cũ và tạo cơ hội phát triển kinh tế cho cả vùng phía tây.

* Một số chuyên gia cho rằng trung tâm hành chính quốc gia lên phía tây sẽ ảnh hưởng đến việc xây dựng 2 hành lang phát triển kinh tế đông - tây và ngược với trung tâm kinh tế phía bắc đã được xác định?

Ở đây cần phải khẳng định trung tâm chính trị quốc gia vẫn được xác định là khu vực Ba Đình, trung tâm hành chính (các cơ quan thuộc Chính phủ) thì sẽ được tính để di chuyển với quy hoạch tầm nhìn đến 2050. Sẽ không ảnh hưởng đến định hướng trước đây về 2 hành lang kinh tế quốc gia và quốc tế (xa lộ 18 chạy từ Quảng Ninh - Hà Nội - Vĩnh Yên - Việt Trì lên Lào Cai - Côn Minh, Trung Quốc). Trong đồ án cũng đề xuất phát triển mạnh kinh tế ở phía bắc Hà Nội, ở đây có các khu công nghiệp, các khu trung chuyển hàng hóa ở Sóc Sơn. Cần hiểu rằng trung tâm hành chính không nhất thiết ở trong đô thị trung tâm cũ thì 2 hành lang và 1 vành đai kinh tế quốc gia ấy mới phát triển được.

* Một số nhà chuyên môn còn nói rằng, đồ án đã không làm báo cáo đánh giá tác động môi trường riêng mà đưa thành một chương trong đồ án. Như vậy có giải quyết được hết vấn đề môi trường hay không?

Đánh giá môi trường chiến lược trong đồ án này đã làm đúng theo Luật Quy hoạch đô thị và quy chuẩn xây dựng hiện hành. Cần phải lưu ý, đây là một đồ án quy hoạch xây dựng chứ không phải đồ án Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; do vậy, không có quy định pháp lý nào phải có một báo cáo riêng đánh giá tác động môi trường chiến lược. Bản thân các bộ môn của đồ án quy hoạch chung Hà Nội (như giao thông, cấp nước, thoát nước, rác thải, nghĩa trang,...) đều đã tính đến giải pháp đánh giá tác động môi trường. Một báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược riêng hay nằm trong một chương của đồ án quy hoạch xây dựng đều phải giải quyết những vấn đề đặt ra của thực tiễn hiện nay cũng như về lâu dài. Vấn đề này tư vấn đang tiếp tục cập nhật bổ sung hoàn thiện đồ án.

DiaOcOnline.vn - Theo Thanh Niên