Chiều 26/10, Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng đã yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu điều chỉnh mức thuế sử dụng đất, thuế sở hữu bất động sản theo nguyên tắc đánh thuế lũy tiến đối với trường hợp sở hữu nhiều bất động sản để hạn chế đầu cơ.
Theo đó, Bộ Xây dựng sẽ phải nghiên cứu điều chỉnh thuế sử dụng đất và ban hành thuế sở hữu bất động sản theo nguyên tắc lũy tiến đối với những người sở hữu nhiều bất động sản mà không đưa vào sử dụng hiệu quả, hoặc mua đi bán lại nhiều lần trong thời gian ngắn để đầu cơ trục lợi, gây thất thu ngân sách nhà nước. Ngoài ra, hệ thống thông tin về thị trường bất động sản phải được tổ chức một cách công khai, minh bạch để các nhà đầu tư, người dân có nhu cầu dễ dàng tiếp nhận thông tin về thị trường.
Thuế lũy tiến được nhiều nước trên thế giới áp dụng để tránh tình trạng đầu cơ làm giá. Theo đó, từ ngôi nhà thứ hai trở đi, người sở hữu sẽ phải chịu một mức thuế tăng dần theo diện tích và số lượng nhà đất. Ở một số nước, thuế áp dụng với bất động sản thứ hai hay thứ ba sẽ cao gấp nhiều lần mức trung bình đối với đất ở.
Hiện thuế nhà đất tại Việt Nam được áp dụng theo Pháp lệnh thuế về nhà đất có hiệu lực từ năm 1992. Thuế đối với quyền dụng đất rất thấp, mỗi hộ gia định chỉ phải chi trả khoảng vài trăm nghìn đồng mỗi năm. Với chuyển nhượng nhà đất, thuế suất được áp dụng 4% với đất ở, tính trên mức quy định của bảng giá đất mà UBND cấp tỉnh công bố hằng năm.
Sự bùng nổ của tình trạng tranh mua căn hộ ở TP. HCM thời gian gần đây đã làm dấy lên dư luận lo ngại về tình trạng lỏng lẻo trong chính sách tài chính liên quan đến đất đai, cũng như sự thiếu công khai minh bạch trong thị trường đất đai, tạo điều kiện để nhiều nhà đầu cơ trục lợi.
Theo Đô Thị