Sẽ công bố dự án "treo"

Cập nhật 20/12/2007 08:00

Trưởng Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng (GPMB) TP Hà Nội Nguyễn Đức Biền cho rằng việc khó GPMB tại một số dự án có nguyên nhân từ chính khâu thực hiện.

Ông cho biết:

Việc điều chỉnh giá đất cứ mỗi năm một lần sẽ tạo ra khó khăn vì có những dự án phải thực hiện qua nhiều năm. Tôi nghĩ riêng về GPMB phải thống nhất được về giá đất cố định, giá đất đó phải do Nhà nước qui định.
 
Không nên mỗi năm điều chỉnh giá đất một lần, cứ điều chỉnh liên tục như vậy doanh nghiệp cũng khó yên tâm, khó tính toán đầu vào đầu ra để đầu tư phát triển và cũng khó thực hiện GPMB đối với những dự án kéo dài nhiều năm vì sẽ tạo tâm lý trông đợi.

* Nhưng rất ít dự án tại Hà Nội được chủ tịch TP điều chỉnh theo hướng tăng giá đất sát với giá thị trường, thưa ông?

Ở đây không phải dự án nào chủ tịch TP cũng phải điều chỉnh giá, nhưng Hà Nội đã có những dự án được điều chỉnh giá đất sát với giá chuyển nhượng thị trường.

Mặt khác, Hà Nội cũng có những điều chỉnh khi đền bù GPMB để người dân có lợi hơn. Ví dụ như khung giá đất Hà Nội phân ra làm các vị trí 1, 2, 3, 4. Giữa vị trí 1 và 2 thì rõ ràng nhưng vị trí 3, 4 nằm rất sát nhau lại có sự chênh lệch về giá rất lớn.

Như vậy, nếu cứ lấy giá đất từng vị trí mà áp cho các khu vực giáp ranh giữa hai vị trí khi GPMB thu hồi đất thì người dân có đất tại vị trí giáp ranh sẽ rất thiệt. Chính vì vậy, khi thực hiện một số dự án phải thu hồi đất, TP đã chấp thuận từ vị trí 3-4, thậm chí 5 đều áp chung theo mức các vị trí còn lại để người dân ở các khu vực giáp ranh giữa hai vị trí bớt thiệt.

* Nhiều dự án chưa đủ điều kiện thực hiện chính là mâu thuẫn khiến công tác GPMB phải "đuổi" theo tiến độ, chứ không phải đề ra tiến độ để có lộ trình thực hiện?

Theo tôi, khi bắt đầu thực hiện dự án, chủ đầu tư nào cũng mong muốn công trình ấy phải đảm bảo tiến độ. Nhưng phải xác định điều đó bằng bước đi và cách làm cụ thể chứ không phải biết tiến độ khó thực hiện vẫn cứ đề ra. Tôi nghĩ cách làm phải được chuẩn hóa khi các dự án chuẩn bị đầu tư - dự án đó do sở nào chủ trì thì làm nhanh công tác chuẩn bị đầu tư.



Trưởng Ban chỉ đạo GPMB
TP Hà Nội Nguyễn Đức Biền.

Mặt khác, khi xong rồi phải xác định rõ ràng để chuyển giao cho các đơn vị GPMB. Ví dụ, qui định trong tháng 10 - 2007 phải tập trung bắt đầu GPMB thì không cần ghi tiến độ từ đầu năm, trong khi thời điểm đó chúng ta chưa có đủ điều kiện thực hiện.

Ở đây phải phân định cụ thể từng giai đoạn đầu tư, từ đó lên kế hoạch, tránh dẫn đến tình cảnh không thể GPMB được do chưa có hướng dẫn, chưa có quyết định thu hồi đất thì người dân nào đồng ý bàn giao đất.

* Có những ý kiến cho rằng rất nhiều dự án mất công tốn sức GPMB xong rơi vào tình trạng bỏ hoang đất. Theo ông, TP cần phải có những giải pháp gì để chấm dứt tình trạng này?

Tôi được biết hiện TP đang chỉ đạo làm quyết liệt việc này. Đặc biệt là việc chỉ đạo các sở, ngành kiểm tra, rà soát và công khai toàn bộ các dự án đã được giao đất nhưng không thực hiện dự án, để hoang hóa đất kéo dài gây bức xúc trong dân.

Theo tôi, cần phải công khai tất cả dự án đó, nguyên nhân chậm ra sao hay không thể thực hiện được. Khi đích danh chủ đầu tư bị "phơi mặt", người dân sẽ thấy, đơn vị trực tiếp cạnh tranh cũng sẽ thấy. Hiện tại TP đang chỉ đạo sau rà soát sẽ công bố tất cả.

Hơn 130 dự án chậm trễ

UBND TP Hà Nội cho biết đến tháng 11 - 2007 trên địa bàn TP có 79 dự án đã được giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích hơn 1.200ha nhưng triển khai GPMB rất chậm như dự án công viên Đống Đa, công viên Tuổi trẻ thủ đô, đường vành đai III, đường Cát Linh - La Thành... Đồng thời có 54 dự án đã giao đất (gần 330ha), đã hoàn thành GPMB nhưng chưa triển khai dự án.



Theo Tuổi Trẻ