Sẽ công bố dự án “cắm sổ” ngân hàng để bảo vệ người mua nhà

Cập nhật 21/06/2016 10:55

Câu chuyện “những con sâu làm rầu nồi canh địa ốc” về những tai tiếng tại một số dự án ở TP. HCM gây ảnh hưởng đến thị trường, đã trở thành tâm điểm thu hút sự quan tâm dư luận và cơ quan chức năng TP. HCM đã sớm công bố nhiều giải pháp nhằm bảo vệ người mua nhà.

Ảnh Internet

Những lỗ hổng của thị trường

Tại một hội thảo với chủ đề tìm giải pháp bảo vệ người mua nhà có sự tham gia của đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM, Sở Xây dựng TP. HCM và các chuyên gia được tổ chức tuần qua, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM cho rằng, tại một thị trường rộng lớn như TP. HCM với hàng ngàn dự án bất động sản đã được đầu tư xây dựng, số lượng dự án do các chủ đầu tư làm ăn cẩu thả, gây tai tiếng là rất ít, nhưng đã ảnh hưởng mạnh đến thị trường, trong đó nghiêm trọng nhất là làm mất niềm tin của người dân.

Theo luật sư Trần Đức Phượng, Đoàn Luật sư TP. HCM, trong thời gian qua, thị trường bất động sản liên tục đón nhận những thông tin không tốt về các vụ lùm xùm tại một số dự án, đã tạo nên tâm lý bất an cho người mua nhà, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản, niềm tin vào pháp luật giảm sút và gây nên sự bất ổn trong xã hội.

Nguyên nhân của vấn đề này do những lỗ hỗng của thị trường tạo ra như hệ thống luật pháp chưa hoàn chỉnh, nhiều bất cập; việc thực thi pháp luật lỏng lẻo, chưa nghiêm; sự quản lý của cơ quan nhà nước chưa tốt và một phần do lỗi của chính những khách hàng đã không kiểm tra kỹ càng.

Luật sư Phượng dẫn chứng, theo Điều 6 Luật Kinh doanh bất động sản 2014, chủ đầu tư phải công khai thông tin về bất động sản tại website của doanh nghiệp, ban quản lý dự án, sàn giao dịch với những nội dung bắt buộc. Tuy nhiên, trong suốt thời gian qua, hầu hết các chủ đầu tư không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nội dung này.

“Chỉ có một môi trường lành mạnh mới có khả năng sàng lọc những doanh nghiệp yếu kém ra khỏi thị trường. Ngược lại, nếu một thị trường không lành mạnh, doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng không thể trụ nổi trước những doanh nghiệp làm ăn chộp giật, từ việc cạnh tranh không lành mạnh sẽ dần dần dẫn đến doanh nghiệp tốt cũng buộc phải vi phạm để tồn tại”, luật sư Phượng nói, đồng thời cho rằng, một thị trường bất động sản không minh bạch là môi trường giết chết doanh nghiệp làm ăn chân chính, nhưng là môi trường thuận lợi để đầu cơ và tạo bong bóng bất động sản, người mua không thể “thông thái” khi không biết tìm kiếm thông tin ở đâu, do nhiều chủ đầu tư không công bố thông tin đầy đủ.

Cần lấp đầy lỗ hổng

Cũng theo luật sư Phượng, để bảo vệ người mua nhà, trước hết nên sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm tra và giám sát chặt chẽ vốn đầu tư dự án (bao gồm: vốn thuộc sở hữu và vốn huy động) của chủ đầu tư xuyên suốt quá trình từ khi phê duyệt dự án đến khi hoàn thành dự án, đảm bảo sự an toàn trong quản lý vốn đầu tư vào bất động sản, vốn huy động phải sử dụng cho việc phát triển tiếp dự án (không phải là trả nợ cũ của chính dự án đó).

Theo đó, cần quy định mỗi dự án phải có tài khoản ngân hàng riêng chỉ sử dụng cho dự án để cơ quan nhà nước, người góp vốn, người mua nhà giám sát. Bên cạnh đó, cần kiểm tra khả năng tài chính của chủ đầu tư, chủ đầu tư phải chuyển vốn thuộc sở hữu vào đúng số vốn, tiến độ theo dự án phê duyệt.

Giám sát hoạt động huy động vốn, tiền bán nhà: chỉ có những giao dịch chuyển tiền vào tài khoản này mới được công nhận có giá trị pháp lý; giám sát việc sử dụng vốn huy động đúng mục đích trong việc hình thành tài sản: hạn chế tình trạng sử dụng sai mục đích. Mặt khác, cần quy định dự án bắt buộc phải được kiểm toán định kỳ hàng năm để làm rõ về vốn, chi phí dự án, tiến độ thực hiện dự án.

Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP. HCM, sắp tới Thành phố sẽ tiến hành kiểm soát chặt việc thế chấp dự án của chủ đầu tư để đảm bảo quyền lợi các bên. Khi chủ đầu tư thế chấp đất và tài sản hình thành trong tương lai cho ngân hàng hay có sự biến động nào phải cập nhật vào sổ đỏ. “Sở sẽ chỉ đạo Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố công khai thông tin thế chấp dự án của các chủ đầu tư để khách hàng nắm được. Điều này giúp người mua căn hộ biết được tình trạng pháp lý dự án, giảm trừ rủi ro”, ông Thắng cho hay.

Tương tự, ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP. HCM nhấn mạnh, sẽ xử lý nghiêm các sai phạm, kể cả cán bộ công chức liên quan, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người mua nhà. Thành phố đã chỉ đạo rất rõ và quyết liệt trong năm 2016, Sở Xây dựng phải làm cho được cấp giấy phép một cửa liên thông. Hiện nay đang đi nhiều cửa, nhiều loại giấy tờ, mất đến 2 năm để triển khai dự án. Do đó, việc cấp giấy phép một cửa liên thông sẽ giảm chi phí đầu tư, giảm giá thành, cho người dân dễ dàng mua nhà ở; rút ngắn thủ tục đầu tư, phân cấp ủy quyền cho quận huyện trong việc duyệt dự án đầu tư.

DiaOcOnline.vn - Theo Đầu tư Bất động sản