Phó chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín vừa báo cáo HĐND TP đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đến năm 2025 đã được Chính phủ phê duyệt.
Theo đó, khu trung tâm mở rộng có diện tích khoảng 930 ha, được giới hạn bởi đường Nguyễn Hữu Cảnh - Rạch Thị Nghè (phía Bắc); đường Đinh Tiên Hoàng - Võ Thị Sáu - Cách Mạng Tháng Tám (phía Tây); đường Nguyễn Thị Minh Khai - Cống Quỳnh - Nguyễn Cư Trinh - Nguyễn Thái Học - cầu Ông Lãnh - Vĩnh Phước - Hoàng Diệu - Nguyễn Tất Thành (phía Nam); sông Sài Gòn (phía Đông).
Trung tâm mở rộng của TP HCM được chia thành 5 vùng đặc thù với các chỉ tiêu phát triển kinh tế kỹ thuật, cải tạo đô thị khác nhau. Khu vực lõi trung tâm kinh doanh thương mại nằm trong ranh giới quận 1 rộng gần 93 ha; trung tâm văn hóa - lịch sử rộng 212 ha chạy xung quanh trục đường Lê Duẩn (quận 1); khu bờ Tây sông Sài Gòn trải dài từ cầu Sài Gòn đến cầu Tân Thuận (một phần quận 1, 4 và Bình Thạnh) rộng 250 ha; khu biệt thự ở quận 1 và 3 rộng 232 ha và khu vực lân cận khu thương mại - tài chính rộng 117 ha.
Dọc bờ Tây Sông Sài Gòn sẽ xây dựng không gian công cộng, khu phố đi bộ từ đường Tôn Đức Thắng (đoạn Hàm Nghi - công trường Mê Linh), chuyển giao thông cơ giới xuống đường ngầm kết hợp với bãi xe ngầm. Đồng thời, nhiều tuyến giao thông mới sẽ được mở. Đường Lê Lợi sẽ được kéo dài, nối với đường Tôn Đức Thắng và dưới đường Tôn Đức Thắng sẽ có đường ngầm nhằm tăng năng lực giao thông cho khu vực.
Cũng theo quy hoạch, công viên 23/9 (quận 1) sẽ được giữ lại hoàn toàn để duy trì mảng xanh cho thành phố. Đồng thời, nhiều tuyến vận tải hành khách công cộng sẽ được hình thành. 4 trong 6 tuyến metro của TP HCM kết nối các quận 2, 9, 7, Bình Tân, Tân Bình và huyện Nhà Bè sẽ kết thúc hành trình ở ga trung tâm đặt tại khu vực Công viên 23/9 và trước chợ Bến Thành.
DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN