Manh nha ý định bán cắt lỗ để tháo chạy khỏi chung cư sau dăm vụ cháy nổ từ Bắc chí Nam là thực tế hiện hữu. Tuy chưa đến mức tạo thành làn sóng nhưng tâm lý dè chừng của số đông khách hàng đang khiến thị trường địa ốc biến động bất thường.
Bán hoặc… cho thuê
Khoảng 4.750.000 kết quả trong vòng 0,57 giây cho từ khóa “bán cắt lỗ chung cư Carina” trên google cho thấy tâm lý hoảng loạn của cư dân tại đầu cầu TP Hồ Chí Minh. Trong khi đó, ở Hà Nội, vụ cháy chung cư CT5A (khu đô thị Văn Khê, Hà Đông) sáng 25/3 cũng khiến nhiều hộ gia đình cân nhắc về việc bán căn hộ tìm nơi ở mới an toàn hơn.
Chung cư Carina (quận 8, TP Hồ Chí Minh) nơi xảy ra vụ cháy nghiêm trọng vừa qua.
|
Tại văn phòng nhà đất Đồng Khánh Land (Kiến Hưng – Hà Đông), môi giới tên K. cho biết, từ cuối năm 2017 đến nay, số lượng khách hàng ký gửi bán chung cư ghi nhận tăng mạnh. Sản phẩm đa phần là các căn hộ đã qua sử dụng, từ bình dân lẫn cao cấp. Giá cả cũng vì thế giao động khá nhiều, từ tiền trăm cho đến vài tỷ đồng. Sau khi nhận ký gửi, hai bên sẽ thỏa thuận thống nhất giá bán của mặt hàng, thời hạn bán (tối đa là 6 tháng).
“Nếu bán được, chúng tôi nhận từ 10 - 20% giá trị sản phẩm. Tuy nhiên, thanh khoản cho loại sản phẩm này không cao. Giao dịch chính vẫn tập trung ở những chung cư “hot”, vị trí đắc địa. Còn lại khá “èo uột”. Có khách hàng ký gửi một căn hộ cao cấp ở Vạn Phúc hơn một năm nay vẫn ế. Sau khi tìm hiểu dự án thấy dính “dớp” về phòng cháy chữa cháy (PCCC), đa phần khách đều e ngại dù giá chênh giảm đáng kể (hơn 150 triệu đồng)– “cò” K phân tích.
Anh Nguyễn Trường Nam chủ căn hộ 316 Capital Garden ngõ 102 Trường Chinh, Đống Đa cũng đang cân nhắc nghiêm túc việc bán nhà. Theo anh Nam, gia đình vừa chuyển về không lâu, cuối tháng 5/2017, một vụ hỏa hoạn đã xảy ra, thiêu rụi nhiều đồ đạc phòng số 1115, khiến cư dân chạy toán loạn cả đêm. "Hệ thống PCCC ở đây không được đầu tư hợp lý, chủ đầu tư là Tập đoàn Kinh đô TCI Group cũng “lờ” đi trách nhiệm. Vạn bất đắc dĩ, gia đình đang tiến hành rao bán, chấp nhận hòa vốn" - anh Nam cho biết.
Đối ngược với khách hàng ở thật, giới đầu tư tại khu chung cư Carina plaza (quận 8, TP Hồ Chí Minh) lại dự định chưa bán vội mà cho thuê để chờ giá “bật” lại. Bởi, với giá tiền nhích trên 1 tỷ đồng cho một căn hộ chung cư khu vực quận 8, nhiều hộ gia đình trẻ vẫn có thể chấp nhận được. Quan trọng là chờ thị trường ấm lại và cách hành xử của chủ đầu tư sau đợt cháy này.
Ám ảnh cú sốc đóng băng
Trong khi đó, cũng vì nỗi lo mất an toàn phòng chống cháy nổ mà không ít cư dân tại thị trường Hà Nội có tâm lý bán tháo căn hộ tìm về nhà đất. “Ở tòa nhà tôi đang ở, liên tục xảy ra tình trạng báo cháy giả, khiến các hộ dân đều bức xúc. Giả định xảy ra hỏa hoạn thật nhưng cư dân mải phân vân “thật hay giả”, hậu quả sẽ khôn lường. Vì vậy, nhà tôi đang rao bán 1 tỷ 550 triệu đồng cho căn hộ 68m2 (giá hợp đồng 1 tỷ 750 triệu đồng), cắt lỗ hơn 200 triệu đồng, để mua nhà đất ở” – chị Mai Anh – một cư dân ở Hà Đông phản ánh.
Quy luật chung của thị trường địa ốc sẽ có lên và có xuống như bao nhiêu lĩnh vực. Nhiều người đánh giá bất động sản (BĐS) lên xuống như hình Sin-Cos, có nghĩa khi lên cực đỉnh sẽ bắt đầu xuống và khi tận đáy, bắt đầu lên lại. Dấu hiệu của mũi tên đi xuống của giao dịch đã manh nha từ năm 2017 và có dấu hiệu rõ nét hơn từ quý I/2018. Thực tế, người mua nhà vẫn khao khát sở hữu căn hộ nhưng bất an sau hàng loạt biến cố “tranh chấp, cháy nổ, quỹ bảo trì”.
Lãnh đạo một số công ty địa ốc tại Hà Nội cho biết, vì lợi nhuận một số chủ đầu tư đã không dành những ưu tiên tốt nhất cho công tác PCCC. Theo quy định, hành lang thoát hiểm là từ 1,4 - 2,2m. Tuy nhiên, không ít chủ đầu tư đã “ăn gian” phần diện tích nhằm gia tăng diện tích căn hộ dọc lối đi hành lang. Ngày càng nhiều chung cư cháy nổ bất thường, đang trực tiếp ảnh hưởng đến quan niệm sống ở chung cư của người dân, ảnh hưởng đến thị trường BĐS.
“Chung cư có thể coi là “điểm sáng” an cư của nhiều khách hàng. Tuy nhiên, thực trạng “chết ngạt giữa… lưng chừng trời” cùng những yếu kém trong quản lý khiến người dân mang nặng tâm lý mua chung cư mua luôn cả nỗi lo trăm bề. Để rồi sau mỗi lần chung cư “có chuyện”, phần thiệt thòi dường như vẫn đè nặng lên đôi vai của phần đông khách hàng” – ông Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ BĐS Hà Nội thẳng thắn nhìn nhận.
Đồng quan điểm, KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam nhận định, nếu không có giải pháp trấn an người dân về độ an toàn của các công trình chung cư, sau vụ cháy kinh hoàng tại Carina Plaza, không loại trừ khả năng thị trường căn hộ sẽ đóng băng do hiệu ứng tâm lý sợ hãi đám đông. Do đó, đối với vụ cháy trên, cần quy trách nhiệm rõ, khởi tố vụ án để làm gương cho các chủ đầu tư khác, đảm bảo sự an toàn chính đáng cho cư dân.
Mới đây, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã kiểm tra và phát hiện 3 tòa nhà cao tầng đã được Cục Cảnh sát PCCC và cứu hộ, cứu nạn (C66) cấp văn bản xác nhận nghiệm thu về PCCC. Nhưng thực tế các khu vực tầng khối đế, tầng kỹ thuật, tầng tum… của cả 3 tòa nhà này chưa được nghiệm thu về PCCC đã đưa vào hoạt động. Đó là nhà ăn tại khu vực phòng kỹ thuật tầng tum thuộc Trung tâm sản xuất phần mềm tin học nội địa và xuất khẩu (số 5, ngõ 82, đường Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) thuộc chủ đầu tư là Công ty CP Thương mại công nghệ An Phát; Tầng 1 và 2 khối nhà N02 thuộc Trung tâm thương mại dịch vụ văn phòng và nhà ở cao tầng (số 87 Lĩnh Nam, quận Hoàng Mai) thuộc Công ty CP Tư vấn đầu tư và thiết kế xây dựng Việt Nam; Tầng kỹ thuật (tầng K) thuộc Tòa nhà SDU (số 143 Trần Phú, quận Hà Đông) thuộc Công ty CP Đầu tư xây dựng và phát triển đô thị Sông Đà. Cùng đó, Cảnh sát PCCC Hà Nội đã hướng dẫn, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương khắc phục các tồn tại về PCCC, đồng thời ban hành quyết định tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động.
DiaOcOnline.vn - Theo KTĐT