Sau quy hoạch, giá nhà đất vẫn còn giảm tiếp

Cập nhật 03/08/2011 13:40

Sau bao tháng chờ đợi, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vậy sự kiện quan trọng này có ảnh hưởng thế nào tới giá cả, giao dịch bất động sản (BÐS) vào thời gian tới?

Cho tới thời điểm này, Quy hoạch chung Thủ đô mới được công bố ít ngày, BÐS ở các phân khúc vẫn đang đà giảm giá.


Qua khảo sát tại vài khu vực phía tây Hà Nội cho thấy, giá nhà, đất trong các khu đô thị mới đều đang giảm. Nếu như ở thời điểm đầu năm, nhà liền kề thuộc dự án Vân Canh được chào bán gần 60 triệu đồng/m2 thì nay chỉ còn 40 triệu đồng/m2. Giá đất liền kề từ đầu năm đến nay tại dự án Kim Chung - Di Trạch đã giảm từ 10 đến 13 triệu đồng/m2 và đang được giữ ở mức 40 - 42 triệu đồng/m2. Rồi tại dự án Thanh Hà - Cienco 5, đất nền cũng giảm đáng kể, hiện chào bán với mức 30 - 35 triệu đồng/m2. Giá đất dự án Nam An Khánh hiện hơn 30 triệu đồng/m2, giảm 10 triệu đồng/m2 so với thời điểm đầu năm...

Thị trường BÐS khu vực phía đông Hà Nội cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Giá đất dự án Khu đô thị mới Việt Hưng 40 - 42 triệu đồng/m2 đối với biệt thự, liền kề khoảng hơn 50 triệu đồng/m2 tùy vị trí (giảm khoảng 10 triệu đồng/m2 so với thời điểm sốt trước đây), chung cư chỉ khoảng 19 - 20 triệu đồng/m2. Ðất liền kề Khu đô thị mới Ðặng Xá đang chào bán từ 48 đến 50 triệu đồng/m2, chung cư Ðặng Xá giá 16 triệu đồng/m2...

Ðại diện Tập đoàn Nam Cường cho biết, vừa qua, một số doanh nghiệp đã giảm giá BÐS theo hướng giảm trừ phần trăm. Thí dụ, trường hợp của một số chủ đầu tư chiết khấu sàn thương mại (theo tính toán khoảng 30%). Giảm trừ theo hình thức trước đây khoảng 10 đồng, giờ xuống còn sáu đến bảy đồng, thông qua hình thức khuyến mãi. Dù vậy, tính tới thời điểm cuối tháng 7-2011, BÐS vẫn đang giảm giá. Nhưng để chạm đáy thì vẫn còn một khoảng thời gian dài.

Thị trường BÐS sẽ chạm đáy khi tiếp tục giảm khoảng 30% nữa. Thời gian trước đây, do yếu tố đầu cơ vượt quá giới hạn giá trị thực của dự án đã dẫn tới việc giá BÐS bị đẩy lên cao. Một số dự án mới bước vào giai đoạn đầu tư, nhà đầu tư đã đặt quá nhiều kỳ vọng, dốc túi nhiều tiền để đầu tư. Bên cạnh đó, việc đầu tư dàn trải trên nguồn vốn vay cộng với việc một thời kỳ nới lỏng tín dụng dẫn đến việc đầu tư thái quá.

Khi được hỏi về tình trạng này, đại diện Công ty CP Hapras Việt Nam cho rằng, vì nguồn cung trên thị trường đang quá dồi dào. Cộng với tình cảnh 'khát vốn', nhiều chủ đầu tư tìm cách 'xả hàng' thông qua các kênh khuyến mãi. Cũng chính vì thế, khách hàng mang sẵn tâm lý chờ đợi, nghe ngóng chờ giá xuống nữa, dẫn đến giao dịch mua bán trên thị trường ngày một trầm lắng hơn.

Liệu BÐS có giảm giá nữa? Có chuyên gia dè dặt khi cho rằng, phụ thuộc vào tình hình thay đổi của kinh tế vĩ mô và các yếu tố tác động về cung cầu của thị trường, khó phán đoán chính xác.

Nhưng Phó Tổng giám đốc của một tổng công ty xây dựng có tiếng tại Hà Nội (xin giấu tên) khẳng định, sự kiện Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt không có tác động lớn đến mức phục hồi thị trường BÐS trong thời gian ngắn. Với tình cảnh chung như hiện nay, giá BÐS vẫn còn giảm nữa và thị trường còn ảm đạm ít nhất cho tới cuối năm.

Còn Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam cho rằng, giá BÐS liên tục giảm trong thời gian gần đây không hẳn là do thị trường đóng băng, mà đang bước vào chu kỳ mới ổn định. Nhu cầu về nhà ở trong dân vẫn còn nhiều và thị trường BÐS sẽ tiếp tục phát triển trong tương lai. 'Còn khi giảm giá 10 - 30% như hiện nay thì chủ đầu tư vẫn có lãi cao.

"Giá nhà, đất đang giảm và sẽ còn giảm tiếp trong thời gian tới. Giá BÐS bị đẩy lên quá cao, do đầu cơ chứ không phải do cung cầu thực tế của thị trường" - ông Nam nhận định.

DiaOcOnline.vn - Theo DĐDN