Sáu năm nữa mới có metro

Cập nhật 22/11/2009 10:45

Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, phải đến đầu quý III-2010, ba gói thầu chính của dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành-Suối Tiên) mới có thể bắt đầu khởi công đồng loạt. Đến đầu năm 2015 tuyến metro này mới hoàn thành và đi vào vận hành thay vì năm 2014.

Chậm vì chưa có mặt bằng “sạch”

Ngày 21-2-2008, tuyến metro số 1 được khởi công xây dựng với hạng mục đầu tiên là khu nhà ga cuối - depot kỹ thuật nằm tại phường Long Bình, quận 9. Tại lễ khởi công, lãnh đạo TP đặt ra chỉ tiêu đến đầu năm 2014, toàn bộ tuyến metro đầu tiên của TP dài gần 20 km phải được hoàn thành và đưa vào khai thác.
 

Lãnh đạo TP.HCM và Bộ GTVT tại lễ khởi công xây dựng tuyến metro số 1 ngày 21-2-2008.


Cuối năm 2008, Ban quản lý đường sắt đô thị TP báo cáo hạng mục trên triển khai rất chậm vì vướng đền bù, giải tỏa. Liền đó, UBND TP chỉ đạo các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh và Thủ Đức phải đảm bảo bàn giao mặt bằng “sạch” trước ngày 30-6-2009. Riêng phần diện tích xây dựng nhà ga ở phường Long Bình, UBND quận 9 phải bàn giao mặt bằng “sạch” trước ngày 30-9-2009.

Đến cuối tháng 8-2009, làm việc với Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TP, ông Nguyễn Đô Lương, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP, báo cáo mặt bằng vẫn còn vướng và phải đến cuối năm 2009 mới có thể “sạch”. Đến nay, toàn bộ gói thầu xây dựng tường rào bảo vệ và san lấp mặt bằng depot mới hoàn thành khoảng 70% khối lượng và phải đến tháng 1-2010 việc đền bù, giải tỏa, di dời hạ tầng kỹ thuật... mới có thể hoàn thành để triển khai các hạng mục, gói thầu tiếp theo.

Các gói thầu “dàn hàng ngang”


Dự án tuyến metro số 1 có ba gói thầu chính. Đó là gói metro đi ngầm dưới lòng đất từ chợ Bến Thành đến nhà máy Ba Son dài 2,6 km; gói metro trên cao, từ giáp rạch Văn Thánh đến depot Suối Tiên dài 17,1 km và gói đường ray, toa xe, thiết bị cơ điện và tín hiệu thông tin.

Ngay từ khi khởi công, nhiều chuyên gia xây dựng đã cho rằng Sở GTVT và Ban quản lý đường sắt đô thị không nên sắp xếp trình tự xây dựng ba gói trên từ khó (đoạn metro đi ngầm) đến dễ (gói kỹ thuật) mà có thể làm ngược lại. Cụ thể, theo ông Nguyễn Hùng - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Bê-tông 620 Châu Thới, các đơn vị trong nước hoàn toàn có khả năng xây dựng đoạn metro đi trên cao. “Đường cao tốc với tốc độ xe chạy trên 120 km/giờ có yêu cầu kỹ thuật phức tạp hơn đường trên cao cho metro chỉ có tốc độ trung bình 60-70 km/giờ. Nếu làm trước đoạn trên cao và triển khai luôn gói kỹ thuật thì chỉ cần đến năm 2012, TP đã có đoạn metro dài hơn 17 km!” - ông Hùng nói.

Theo ông Lê Khắc Huỳnh - Chánh văn phòng Ban quản lý đường sắt đô thị, lý do cả ba gói thầu cùng “dàn hàng ngang” là phải chờ sự thẩm tra, chấp thuận hồ sơ thiết kế cơ sở từ đơn vị tư vấn nước ngoài. Như vậy, việc chủ động và đi trước từng bước, từ dễ đến khó mà các chuyên gia xây dựng, giao thông đưa ra ngay từ đầu đã không được chú ý.

Một cán bộ ở Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM thừa nhận do trong nước chưa có chuyên viên và trường lớp đào tạo về kỹ thuật và khai thác chuyên ngành đường sắt đô thị nên đơn vị phải lấy người từ các đơn vị đường sắt quốc gia. Sau khi các gói thầu của tuyến metro số 1 được triển khai xây dựng, đồng thời phía nước ngoài chuyển giao dần công nghệ vận hành, khai thác, số nhân lực này sẽ được đào tạo theo dạng vừa học vừa làm.

 

Sáng 20-11, Chủ tịch UBND TP Lê Hoàng Quân đã họp và chỉ đạo các đơn vị, sở, ngành, quận 1, 2, 9, Bình Thạnh và Thủ Đức cùng phối hợp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng trên địa bàn để sớm xây dựng tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên. Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP, năm 2010 sẽ bắt đầu xét thầu và chuẩn bị xây dựng tuyến metro Bến Thành-Suối Tiên.

Trước đó, UBND TP.HCM giao Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP (CII) phối hợp chặt chẽ với Ban quản lý đường sắt đô thị khẩn trương thực hiện di dời hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật trên xa lộ Hà Nội nhằm phục vụ dự án này.
 


DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP