Kể từ khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực (1 - 7 - 2004) đến nay đã hơn 3 năm trôi qua, nhưng xung quanh việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở (giấy hồng) và quyền sử dụng đất (giấy đỏ) thay đổi xoành xoạch.
Sắp tới đây, có thể có thêm một loại giấy chứng nhận nhà đất mới để thống nhất các loại giấy tờ nhà đất.
Giấy đỏ, giấy hồng... đuổi nhau
Trước khi Luật Đất đai 2003 có hiệu lực, xung quanh việc cấp giấy chứng nhận nhà đất theo Nghị định 60 nhìn chung là ổn định. Đối với nhà ở thì được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở (giấy hồng); đối với đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy đỏ).
Thế nhưng, mọi rắc rối, phức tạp bắt đầu phát sinh sau khi Nghị định 181 hướng dẫn thi hành Luật Đất đai có hiệu lực, việc cấp giấy hồng (theo Nghị định 60) bị ngừng lại. Nhà đất ở, đất ở đều được cấp một loại giấy là giấy chứng quyền sử dụng đất.
Đối với đất có nhà thì phần nhà ở được ghi nhận một cách sơ sài, chứ không được chứng nhận quyền sở hữu như giấy hồng cấp theo Nghị định 60.
Ba năm sau, Luật Nhà ở, Nghị định 90 có hiệu lực, lại xuất hiện một loại giấy chứng nhận nhà đất mới (tạm gọi là giấy hồng mới). Nhìn chung, mẫu giấy hồng mới không khác với giấy hồng cũ. Cả hai loại giấy này đều chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở.
Việc cấp giấy hồng mới đã gặp những vướng mắc khó tháo gỡ. Đó là số phận của những giấy đỏ cấp theo Nghị định 181 sẽ ra sao?
Cuối cùng, các bộ chủ quản đi đến thống nhất: Đối với những trường hợp nhà đất đã có giấy đỏ thì sẽ được cấp thêm một giấy hồng (theo Nghị định 90, Luật Nhà ở) hoặc người dân có thể chuyển từ giấy đỏ sang giấy hồng để có một giấy duy nhất.
Như vậy, chỉ trong vòng 3 năm, người dân lại phải trải qua thêm một lần đoạn trường của thủ tục xin cấp giấy hồng, giấy đỏ.
Theo số liệu của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí MInh, có hơn 100.000 căn nhà trên địa bàn thành phố vướng vào trường hợp này. Nếu chỉ lấy mức bình quân, mỗi trường hợp xin cấp giấy hồng, chủ nhà phải bỏ ra 500.000 đồng (chủ yếu là tiền đo vẽ) thì với hơn 100.000 căn nhà, đã hàng trăm tỉ đồng của dân bị lãng phí.
Sau giấy hồng, giấy đỏ sẽ là giấy gì?
Sau khi Nghị định 90 (hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở) có hiệu lực, các quận, huyện đã triển khai cấp đại trà cho người dân. Giấy hồng cấp theo Nghị định 90 và giấy hồng cấp theo Nghị định 60 chẳng khác nhau là mấy, cũng là cấp quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
Theo nhiều địa phương, việc cấp giấy hồng theo Nghị định 90 là chuyện "bình mới rượu cũ" mà thôi. Điểm mới duy nhất đối với mẫu giấy hồng cấp theo Nghị định 90, đó là không có việc cập nhật biến động trên giấy như giấy hồng cấp theo Nghị định 60.
Chỉ riêng việc cập nhật hay không cập nhật biến động trên giấy hồng cũng đã gây ra nhiều ách tắc trên địa bàn thành phố. Sau khi cấp giấy hồng mới, thành phố vẫn cho cập nhật biến động trên giấy hồng.
Bộ Xây dựng yêu cầu không được làm như vậy, cứ sau mỗi biến động lại phải cấp giấy hồng mới, gây tốn kém tiền bạc và thời gian của người dân. Đến nay, mặc dù việc cập nhật biến động nhà đất trên địa bàn thành phố đã thực hiện theo đúng Luật Nhà ở (mỗi lần biến động là phải đổi giấy), nhưng mới đây UBND thành phố đã có văn bản gửi Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và tái đề nghị được tiếp tục cập nhật biến động trên giấy hồng như trước đây.
Đến thời điểm hiện nay, Bộ Tài nguyên - Môi trường, Tư pháp và Xây dựng lại ngồi với nhau để bàn việc cấp 1 hay 2 giấy cho một ngôi nhà. Kết quả bước đầu, Bộ Tài nguyên - Môi trường và Tư pháp đã thống nhất cấp một giấy. Tuy nhiên, cho dù là giấy gì đi chăng nữa thì cũng là một việc gây phiền phức, tốn kém cho người dân.
Trong phiên họp giữa kỳ của Hội đồng Nhân dân TPHCM ngày 27.9, ông Nguyễn Minh Dũng - GĐ Sở Xây dựng thành phố - cho rằng: " Một quốc gia có quá nhiều loại giấy tờ nhà đất là một việc không ổn".
Theo VnExpress