Sáu dự án đủ sức đánh thức Thủ Thiêm

Cập nhật 27/05/2013 09:10

Năm 2000, đề án phát triển Thủ Thiêm được công bố với kỳ vọng biến bán đảo với 657ha này thành một khu đô thị hiện đại nhất Việt Nam vào thế kỷ 21, như một “phố Đông” của Thượng Hải. Thủ Thiêm không chỉ giúp giảm tải cho khu trung tâm 930ha mà thực sự sẽ là một nơi thực hiện các chức năng mà trung tâm cũ không làm được, như là trung tâm tài chính, dịch vụ lớn của Đông Nam Á, là nơi hiện diện của các cao ốc văn phòng đa quốc gia...

Sau hơn mười năm, Thủ Thiêm không còn là bán đảo bị cô lập mà được liên thông bởi cầu Thủ Thiêm 1, hầm chui qua sông Sài Gòn, trục đường xuyên tâm và việc giải toả cơ bản đã hoàn thành, đất sạch đã sẵn sàng, nhưng tiếc thay đến nay Thủ Thiêm vẫn như một cô gái đẹp chưa chịu thức giấc.

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới từ năm 2008 đã làm chậm lại ước mơ Thủ Thiêm, nhiều tập đoàn ngoài nước, các đại gia trong nước đã lên kế hoạch đầu tư vào mảnh đất vàng này, không ít trong số đó đã có trong tay quy hoạch chi tiết, thậm chi đã có vài ba công ty đã được cấp giấy phép đầu tư (nhưng rồi cũng đã bị rút giấy phép) và cho đến nay vẫn chỉ là các bãi đất trống. Thủ Thiêm nhất định sẽ phải được tái khởi động, bởi vì Thủ Thiêm hội tụ đủ tất cả các yếu tố “thiên thời, địa lợi” hơn bất cứ mảnh đất nào còn lại của TP.HCM hiện nay.

Nhưng, bao giờ Thủ Thiêm sôi động trở lại khi các nhà đầu tư vẫn đang trong trạng thái tâm lý ngó nhau xem ai là người tiên phong? Ai dám chấp nhận mạo hiểm cho sự khởi đầu này? Câu trả lời rất có thể là không có ai, bởi người tiên phong phải là một nhà đầu tư với tiềm năng vô cùng lớn không chỉ về tài chính mà cả uy tín, đủ tầm lôi kéo các nhà đầu tư khác vào cuộc chơi lớn, đủ sức “phá tan băng” hút được cùng lúc các dự án đa mục tiêu.

Kinh nghiệm của các nước khác, nhất là Thái Lan, Trung Quốc cho thấy, trong tình trạng như thế nước chủ nhà phải là người khơi mào đầu tiên mà không trông chờ vào các nhà đầu tư nước ngoài. Bởi lẽ, nhà đầu tư nước ngoài nào cũng nghĩ rằng “chính chủ nhà không muốn thì tại sao mình lại phải tự nguyện mạo hiểm”. Thật ra TP.HCM cũng có khá nhiều kế hoạch, dự án đầu tư vào Thủ Thiêm bằng tài chính công khá sớm, cách nay chừng 5 – 7 năm, nhưng vì nhiều lý do nên đến nay vẫn chưa có công trình nào xuất hiện.

Biết rằng, để Thủ Thiêm trở thành phố Đông thì cần số vốn vô cùng lớn, vượt qua sức của TP.HCM, do vậy mà cần phải có những nhà đầu tư lớn. Nhưng trong giai đoạn này, người khơi dậy lại tinh thần Thủ Thiêm thì phải bắt đầu từ chính chúng ta để chứng tỏ cho các nhà đầu tư thấy một quyết tâm chính trị mạnh mẽ và hơn thế nữa là để xoá tan suy nghĩ lâu nay là chính quyền hay thay đổi. Với những gì đang có trong tay, chúng ta hoàn toàn đủ khả năng đánh thức Thủ Thiêm ngay từ hôm nay. Người dân Sài Gòn luôn chuộng cái mới và cũng thuộc loại hào phóng cho nên không có lý gì mà họ lại không đến Thủ Thiêm để xem xiếc, xem hát, xem thi đấu thể thao, xem triển lãm và dạo chơi trên quảng trường lớn, dải công viên bờ sông…

Theo chúng tôi, hiện nay ở TP.HCM có chừng sáu dự án có thể khởi công ngay ở Thủ Thiêm. Hầu hết các dự án này đã có kế hoạch tài chính, quy hoạch không gian và thiết kế công trình cũng đã được phê duyệt. Mời bạn đọc cùng điểm qua sáu dự án.

PGS.TS Nguyễn Minh Hoà (trưởng khoa đô thị học, trường ĐH KHXH & NV, TP.HCM)
 
Ảnh phối cảnh các công trình

1. Rạp xiếc tổng hợp


Rạp xiếc đã được thiết kế bởi tập đoàn FEMA vương quốc Bỉ từ năm 2009 trên diện tích hơn 6.000m2, được thiết kế hai tầng, có sức chứa 1.500 chỗ ngồi, ngoài khu biểu diễn còn khu văn phòng, khu phục vụ, khu dịch vụ. Rạp xiếc được thiết kế là một không gian mở và là tổ hợp văn hoá – giải trí. Ban đầu dự định đặt ở đường Lữ Gia, phường 15, quận 11, nhưng rồi mặt bằng quá nhỏ nay “tạm trú” về công viên Gia Định. Việc xây dựng rạp xiếc ở Thủ Thiêm là hoàn toàn khả thi.

2. Nhà thi đấu thể thao quốc tế


TP.HCM hiện nay thiếu các tổ hợp thể thao đa năng mang tầm quốc tế, các nhà thi đấu Phan Đình Phùng, Nguyễn Du, Hoa Lư không đủ tầm cho các cuộc thi đấu quốc tế lớn. Để đáp ứng nhu cầu này, thành phố cho xây dựng mới trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng trên diện tích đất 14.700m2, chủ đầu tư là tổng công ty Đền bù giải toả và phương án thiết kế của công ty Đá vàng đã được thành phố tuyển chọn. Tuy nhiên ai cũng thấy diện tích đất của sân Phan Đình Phùng hiện hữu là quá nhỏ so với các giải thi đấu quốc tế như SEA Games và không xứng với tầm vóc của thành phố mà cần có một địa điểm lớn hơn. Bài toán giao thông sẽ là một thách thức lớn cho nhà thi đấu Phan Đình Phùng mới trong những ngày thi đấu và đảm bảo không làm ảnh hưởng đến đời sống dân cư cũng là một thách thức không nhỏ.

3. Trung tâm triển lãm quy hoạch


Toà nhà trung tâm Thông tin triển lãm quy hoạch TP.HCM đã xác định vị trí trên bán đảo Thủ Thiêm. Nó toạ lạc trên quảng trường trung tâm và bên bờ sông Sài Gòn với tổng diện tích 18.000m2 là công trình công cộng mang tính biểu tượng đầu tiên của thành phố. Đồ án quy hoạch chi tiết của công trình và không gian xung quanh do công ty tư vấn kiến trúc Pháp DeSo-Defrain – Souquet thiết kế đã đoạt được giải nhất cuộc thi quốc tế. Đó là toà nhà với năm tầng phục vụ trưng bày, triển lãm và thực hiện các chức năng khác. Nó là một công trình xanh thân thiện với môi trường, tiết kiệm năng lượng và thích ứng với biến đổi khí hậu. Ngoài chức năng chính là triển lãm quy hoạch và kiến trúc, tòa nhà còn là nơi giao lưu của giới chuyên môn, của mọi tầng lớp người dân thành phố và cả khách tham quan du lịch. Đây không chỉ là một nơi quảng bá thông tin, mà còn là nơi để chia sẻ thông tin, văn hoá và kiến thức. Công trình có tổng mức đầu tư dự kiến là 35 triệu USD.

4. Quảng trường lớn TP.HCM


TP.HCM là thành phố lớn duy nhất trên thế giới không có quảng trường lớn. Do vậy mà nhân dân thành phố vui mừng khi TP.HCM dành 30ha làm quảng trường trung tâm đủ chỗ cho nửa triệu người tham gia các sự kiện tầm cỡ diễn ra tại đây. Quảng trường trung tâm là nơi diễn ra các hoạt động giao lưu văn hoá, tổ chức các lễ hội văn hoá, chính trị và các hoạt động thường nhật phục vụ người dân thành phố và du khách, bổ sung các khu vực chức năng không thể đáp ứng được trong khu đô thị hiện hữu. Đề án quy hoạch chi tiết 1/500 của quảng trường này cũng do công ty Defrain Souquet Deso Associes – Pháp (DeSo) được lãnh đạo thành phố chấp thuận trên cơ sở điều chỉnh theo hướng phục vụ cho các hoạt động chính trị chứ không chỉ thuần tuý là vui chơi giải trí. Quảng trường sẽ là nơi tiếp nhận những không gian hiện đại, mang tính biểu tượng cao và thể hiện quyết tâm của chính quyền trong việc bảo lưu, bảo vệ chất lượng môi trường ngay trong lòng trung tâm thành phố. Quảng trường nằm đối diện trung tâm lịch sử của thành phố qua một con sông, đây là điều cực kỳ hiếm có trên thế giới.

5. Nhà hát giao hưởng


Đây là một trong số các dự án lấn cấn nhiều nhất và đã mất hơn mười năm trong hành trình tìm địa điểm. Ban đầu định sử dụng địa điểm của công ty Xổ số kiến thiết – 23 Lê Duẩn – nhưng không được chấp thuận vì quá nhỏ, sau đó được chuyển sang Thủ Thiêm với một diện tích khá lớn, nhưng do Thủ Thiêm án binh bất động nên dự án này được khởi động lại tại công viên 23.9. Mặc dù có đầy đủ lý lẽ cho việc chon địa điểm này là hợp lý, nhưng bản thân những người lãnh đạo, hội đồng quy hoạch kiến trúc và cả những người sử dụng vẫn còn có chút lấn cấn vì địa điểm 1,2ha này chưa thật thoả mãn nhu cầu của một nhà hát giao hưởng tầm quốc tế cho 1.700 chỗ ngồi. Bởi vì ngoài nhà hát ra thì còn rất nhiều không gian chức năng khác kèm theo. Để thoả mãn nhà hát theo tiêu chuẩn công trình văn hoá cấp 1 của Việt Nam với định mức tối thiểu 10m2/người thì diện tích tối thiểu phải cần có là 1,5 – 2ha, còn theo tiêu chuẩn các nhà hát quốc tế đang có ở các nước phát triển thì phải cần tối thiểu là 3 – 4ha, ngoài ra cũng vẫn còn những sự lấn cần về giao thông, an toàn cháy nổ, bảo đảm an ninh và việc xây dựng nhà hát giao hưởng làm mất đi một khoảng không gian cây xanh quý giá, không gian giao tiếp công cộng ở ngay trung tâm thành phố. Vì thế, vẫn có ý kiến cho rằng việc chọn địa điểm 23.9 là để đáp ứng nhu cầu cấp bách trước mắt bởi dự án này kéo dài hơn mười năm, trong khi các máy móc thiết bị, nhạc cụ rất đắt tiền đã mua về và đang trùm mềm. Do vậy mà Thủ Thiêm vẫn phải dành đất để cho con cháu sau này xây dựng nên một nhà hát giao hưởng – tạp kỹ xứng tầm một thành phố 10 triệu dân. Cho đến nay công ty Busmann Haberer, Muller, Inros Lackner, Cộng hoà liên bang Đức nhận lời sẽ là đơn vị tư vấn thiết kế nhà hát, nhưng vẫn còn đang khảo sát cho nên chưa đưa ra được ý kiến chính thức cũng như thiết kế kiến trúc.

6. Cầu Thủ Thiêm 2


Theo phương án mà UBND TP.HCM đã chọn, cầu Thủ Thiêm 2 sẽ được xây tại vị trí nhà máy đóng tàu Ba Son hiện nay. Cầu Thủ Thiêm 2 sẽ do tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư và được xây dựng theo hình thức BT (xây dựng chuyển giao) với tổng số vốn 2.300 tỉ đồng. Theo thiết kế, cả bốn làn xe sẽ chạy cắt phía trên trục Lê Thánh Tôn – Nguyễn Hữu Cảnh để nối vào ngã tư Tôn Đức Thắng – Lê Duẩn. Ưu điểm của phương án này là kiến trúc đẹp, vốn đầu tư thấp nhưng sẽ làm tăng lưu lượng xe khiến công tác tổ chức giao thông phức tạp hơn.

DiaOcOnline.vn - Theo SGTT