Sau đại gia Việt, chuyên gia nước ngoài nói BĐS xuống đáy

Cập nhật 12/07/2013 16:55

Đã có không ít chuyên gia trong và ngoài nước nhận định thị trường BĐS Việt Nam đã xuống đến đáy, nhưng thực tế, từ tháng 4/2013 (khi bầu Đức chính thức kêu gọi người dân mua nhà vì cho rằng giá nhà đã xuống đáy) cho đến nay là tháng 7/2013, BĐS vẫn đang tiếp tục đi xuống. Vậy liệu thời điểm này đã thực sự là đáy của BĐS Việt Nam?

Nhận định về tình hình thị trường BĐS Việt Nam hiện nay, ông Jonathan Tizzard, tân giám đốc bộ phận định giá và nghiên cứu thị trường của Cushman & Wakefield Việt Nam ngày 12/7 cho rằng, giới đầu cơ không còn đầu tư, các phân khúc chỉ còn lại những khách hàng với nhu cầu mua/ thuê để sử dụng và thị trường BĐS Việt Nam đang hạ dần đến đáy.

Cụ thể theo ông Jonathan, về trung hạn, nguồn cung căn hộ bán tại Hà Nội sẽ giảm do quy định hạn chế phát triển nhà ở thương mại do UBND thành phố Hà Nội đề xuất. Trong quý 2, thị trường căn hộ bán dự báo vẫn còn ảm đạm. Trong khi đó thị trường căn hộ dịch vụ chứng kiến sự tăng nhẹ về giá thuê và tỉ lệ lấp đầy khá cao trong quý 2 năm 2013.

Tuy nhiên, nguồn cung căn hộ dịch vụ dự báo sẽ tăng mạnh và có thể dẫn đến tình trạng dư cung do xu hướng chuyển đổi căn hộ bán thành căn hộ dịch vụ trong thời gian gần đây.

Còn tại thị trường TP HCM, thặng dư căn hộ bán lớn được dự báo sẽ tác động tiêu cực đến căn hộ dịch vụ khi nhiều căn hộ bán đang được chuyển đổi công năng để cho thuê.

Giá bán căn hộ tiếp tục giảm và xu hướng này dự kiến còn kéo dài nếu như các điều khoản cho vay không được điều chỉnh.

Cũng là một chuyên gia nước ngoài và đồng quan điểm với ông Jonathan Tizzard, trong báo cáo tổng quan thị trường bất động sản Hà Nội quý II/2013, ông Leon Cheneval- Phó giám đốc Lãnh đạo thế chấp và Vay mua nhà của CBRE  cũng nhìn nhận, mặc dù áp lực giảm giá vẫn còn hiện hữu trên thị trường bất động sản nhưng tâm lý chờ đợi ở người mua vẫn còn và ở một số dự án đã nhìn thấy đáy.

Bất động sản Việt Nam đã thực sự xuống đến đáy?

Trước đó, Bộ trưởng Trịnh Đình Dũng cũng từng khẳng định: “Đây cũng là điểm tốt, tạo điều kiện cho người có nhu cầu có thể mua nhà ở phù hợp với điều kiện kinh tế của mỗi gia đình, gần đây thị trường bất động sản đối với phân khúc nhà ở bình dân ở Hà Nội và TP.HCM đã có dấu hiệu ấm dần lên”.

Theo đó, Bộ trưởng Dũng cho rằng, giá nhà ở đã giảm nhiều so với thời điểm sốt giá giai đoạn 2008-2010, nhiều dự án giá giảm tới 50%, trở về giá tương đương thời điểm 2006.

Đồng quan điểm với lãnh đạo Bộ Xây dựng, Phó Chủ tịch Tổng hội xây dựng Việt Nam, TS. Phạm Sỹ Liêm cũng cho rằng, với người thực sự có nhu cầu, đây là thời điểm phù hợp để mua nhà. Ông Liêm đưa ra cảnh báo, nếu chờ thêm để giá nhà hạ tiếp, thì khi mình quyết định mua thì người khác cũng sẽ mua. Lúc đó sẽ khó khăn vì khó tìm được một địa điểm tốt, khó có được cơ sở hạ tầng, xã hội ưng ý, cũng không được hưởng khuyến mại của chủ đầu tư…

Đến trước kì họp thứ 5 Quốc hội khóa 13, khi giá nhà không dừng mà tiếp tục giảm thêm, nhiều chủ đầu tư tiếp tục khẳng định giá nhà đã tới đáy và đây là thời điểm tốt để mua nhà.

Điển hình là Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, Đoàn Nguyên Đức đã từng kêu gọi đầy thảm thiết: "Tin tôi đi, đừng chờ nữa, ai có nhu cầu về chỗ ở mà đủ năng lực tài chính hãy mua nhà vì không có thời điểm nào tốt hơn bây giờ..."

Theo bầu Đức, dù nhiều ý kiến trước đó nhận định rằng giá nhà ở phân khúc bình dân và thu nhập thấp còn giảm tiếp khi các gói hỗ trợ của Chính phủ có hiệu lực nhưng theo ông, chuyện đó rất khó xảy ra, đặc biệt là với nhà ở trung bình và thu nhập thấp tại TP HCM. Do vậy,những ai đang có nhu cầu về chỗ ở mà đủ năng lực tài chính thì hãy mua nhà vì không có thời điểm nào tốt hơn bây giờ.

Ông Trương An Dương (Công ty Savills Việt Nam) cũng cho rằng, rất ít cơ hội để căn hộ bình dân giảm hơn nữa. Theo ông Dương, giá căn hộ đã giảm sâu trong 3 năm qua và rất ít cơ hội để giá có thể giảm hơn nữa.

Còn theo ông Lê Minh Dũng, Giám đốc bộ phận nghiên cứu Công ty CBRE: "Nếu là mua nhà để ở thì trong thời điểm nên mua, mua là được. Đây cũng là thời điểm thích hợp để người mua có thể mặc cả được giá nhà hợp lý".

Như vậy, đã có không ít chuyên gia trong và ngoài nước nhận định thị trường BĐS Việt Nam đã xuống đến đáy, nhưng thực tế, từ tháng 4/2013 (khi bầu Đức chính thức kêu gọi người dân mua nhà vì giá nhà đã xuống đáy) cho đến nay là tháng 7/2013, BĐS vẫn đang tiếp tục đi xuống.

Vậy liệu thời điểm này có thực sự đã là đáy của BĐS Việt Nam?

DiaOcOnline.vn - Theo Đất Việt