Nhiều chuyên gia về BĐS nhận định: Giá BĐS đã xuống kịch sàn, bây giờ chỉ có thể quay đầu đi lên.
Nhiều chuyên gia về BĐS nhận định: Giá BĐS đã xuống kịch sàn, bây giờ chỉ có thể quay đầu lên. Nhưng sự quay đầu này không phải là tăng trưởng về sức mua đích thực bởi vì khách hàng mua đã nhận thấy: Rất ít người mua được căn hộ từ giá gốc, mà phải mua qua sàn giao dịch. Có những người mua căn hộ để ở đã nhận ra rằng, suất mua của mình đã qua tay 3 - 4 người, đồng nghĩa với việc phải cộng thêm giá chênh lệch từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng.
Hiện giờ BĐS chỉ ấm theo từng phân khúc, mặc dù số lượng người đầu tư vào BĐS đang tăng lên rõ rệt. Lý do: Sang năm 2015, nhiều người quan tâm hơn đối với BĐS bởi lãi suất gửi tiết kiệm đang tiếp tục giảm, có thể dưới mức sàn 5%/năm. Đầu tư vào vàng cũng phập phồng về rủi ro. Chứng khoán mua thì dễ nhưng bán lại khó, ngoại trừ một số cổ phiếu “nóng” nhưng số lượng cổ phiếu này lại không đến tay được nhiều người.
Thời gian gần đây, các chủ đầu tư (CĐT) xây dựng nhà chung cư đã có một đối tác phân phối sản phẩm cho mình đó là các sàn giao dịch BĐS. Khách mua căn hộ trực tiếp giao dịch qua sàn chứ không trực tiếp với CĐT. Cách làm này cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Rõ ràng sàn BĐS đang đóng vai trò quan trọng trong việc bán căn hộ.
Tuy nhiên, ở Hà Nội lại có dấu hiệu thao túng ở các sàn này. Mà, đã thao túng thì dẫn đến sự méo mó về thị trường. Điều đó gây tổn hại lớn cho khách mua nhà, bởi phải chi trả thêm khoản tiền khá lớn cho khâu trung gian. Sàn BĐS ở ta là nơi “thổi” giá căn hộ lên.
Vậy, làm thế nào để giảm thiểu sự chi trả của người mua nhà cho đối tượng dịch vụ này?
Tìm hiểu nguồn huy động vốn của các CĐT xây nhà để bán, PV nhận thấy: Vốn tự có của CĐT không nhiều, chỉ 15 - 35%, khoản còn lại là huy động từ các đối tác góp vốn và vay ngân hàng. Trong đó, các công ty lập sàn giao dịch BĐS có góp một phần vốn. Nhờ vậy, sàn BĐS được đảm nhận phần bán căn hộ. Trong việc thổi giá BĐS, nguồn lợi thuộc về nhóm sàn giao dịch chứ CĐT xây dựng không hưởng là bao. Vì vậy, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính cần sớm có một quy chế giám sát, kiểm tra và xử phạt các hành vi trục lợi từ việc thổi giá. Đây cũng là một giải pháp nóng góp phần lập lại một trật tự mới, kích cầu thị trường BĐS.
Mong muốn nhất của người tiêu dùng hiện nay là mua được nhà ở giá gốc của các CĐT. Nếu không mua được giá gốc thì cũng sẵn sàng chấp nhận mua hàng qua dịch vụ, nhưng đừng để phải chi trả một khoản tiền lớn cho dịch vụ. Đề xuất này được chuyển đến các CĐT để có sự xem xét, đánh giá điều chỉnh lại mối quan hệ hợp tác song phương giữa CĐT với các chủ sàn BĐS.
DiaOcOnline.vn - Theo Báo Thanh tra