Sắp trình Chính phủ đề án mới về Khu CNC Hòa Lạc

Cập nhật 11/03/2008 11:00

Khu công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc trong tương lai sẽ là “hạt nhân” thu hút các doanh nghiệp, đơn vị hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao. Hiện, đã có đề án mới để trình chính phủ phê duyệt về phát triển quy hoạch khu công nghệ cao này trong quý 1/2008.

Báo giới có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Lạng, Thứ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ, Trưởng ban quản lý khu CNC Hòa Lạc về đề án này.

* Thưa Thứ trưởng, Đề án sắp trình chính phủ có gì mới so kế hoạch phát triển khu CNC Hòa Lạc trước đây?

Đề án trình chính phủ sắp tới là quy hoạch điều chỉnh về kiến trúc khu CNC Hòa Lạc, còn diện tích thì không đổi. Tổng diện tích khu CNC khoảng 1.600 ha.

Khu đại học khoảng 100 ha đã làm xong thủ tục cho 2 trường là: ĐH FPT, dự kiến có khoảng 10 ngàn sinh viên học. Trường ĐH này sẽ được khởi công vào cuối quý I, đầu quý II năm nay, để sang năm có thể đưa sinh viên nhóm sinh viên đầu tiên vào học và chắc chắn đến năm 2010 sẽ mở rộng đào tạo.

Trường ĐH thứ hai là ĐH Khoa học - Công nghệ trực thuộc Viện Khoa học - Công nghệ Việt Nam chủ trì với vốn đầu tư 100 triệu USD. Như vậy, dự kiến khu Đại học sẽ có 20 ngàn sinh viên, 700 tiến sỹ và 200 giáo sư. Kèm theo là các Trung tâm nghiên cứu, các phòng thí nghiệm cho các trường đại học… 

Khu công viên phần mềm khoảng 63 ha dự kiến sẽ có ít nhất khoảng 4 - 5 nghìn lập trình viên đến làm việc ở đây. Khu tiện ích khoảng 20 ha với các biệt thự dành cho các nhà khoa học, nhà đầu tư lớn với sân gôn 18 lỗ. Khu công nghiệp được đầu tư 536 ha với vốn đầu tư từ 8 - 10 triệu USD/ha bằng nguồn vốn FDI và vốn của các doanh nghiệp công nghệ cao Việt Nam.

Khu dịch vụ tổng hợp 100 ha với các khách sạn 5 sao, nhà hàng, bệnh viện, khu nhà ở của cán bộ. Hiện nay, có 2 nhà đầu tư đang đặt xây bệnh viện 500 giường đẳng cấp quốc tế. Ngoài ra còn có Vườn ươm doanh nghiệp, Viện vũ trụ…

Về hạ tầng viễn thông hiện có Viettel và VNPT làm, sắp tới có tài trợ của Nhật Bản để làm chương trình công nghệ mới NGN.



Sẽ có hàng trăm nhà máy với vốn đầu tư 3 - 4 tỷ USD.


* Vậy bao giờ thì từ quy hoạch trên giấy trở thành hiện thực, thưa ông?

Có lẽ sau 2015 thì khu CNC Hòa Lạc sẽ được lấp đầy. Đến năm 2010 thì nó đã thành “hình hài” rồi. Chỉ cuối năm nay thôi, sẽ có nhiều thay đổi trong khu CNC so với bây giờ.

Khu CNC có khu nghiên cứu triển khai (R&D) hơn 200 ha, chắc chắn như vậy sẽ có hàng nghìn nhà nghiên cứu tập trung tại đây. Nó tạo ra sản phẩm cho các khu công nghiệp, các nhà máy CNC... Người làm nghiên cứu sẽ có thu nhập, có động lực làm ra sản phẩm.

* Vậy khi phát triển như vậy thì Khu CNC Hòa Lạc có được mở rộng hơn nữa?

Chúng tôi chọn công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để đầu tư. 1.600 ha chỉ là hạt nhân, sau này sẽ lan tỏa ra như vết dầu loang. Như vậy khi đầu tư vào đây phải là công nghệ cao. Chúng ta cần đón đầu  công nghệ thì mới đi trước được các nước khác.

Sẽ có hàng trăm nhà máy với vốn đầu tư 3 - 4 tỷ USD, nó sẽ tạo việc làm cho hàng vạn người. Công viên phần mềm sẽ tạo ra hàng tỷ USD. Như vậy, kể cả giá trị vô hình như đào tạo, lượng chất xám đầu tư vào thì chúng ta sẽ có nhiều tỷ USD. Vô hình chung phía tây Hà Nội sẽ là khu công nghệ cao. Đây là hạt nhân hút các vệ tinh xung quanh.



Ông Nguyễn Bá Tuấn, giám đốc công ty Nasia, doanh nghiệp
tại Khu CNC Hòa Lạc đang giới thiệu sản phẩm có nhúng
phần mềm “Hệ thống quản lý và điều hành taxi”.


* Thưa ông, CNTT được ưu tiên phát triển tại khu CNC, vậy ông kỳ vọng gì về nó?

Việt Nam được xếp vào 10 nước có tiềm năng gia công phần mềm. Chúng ta có thể trở thành cường quốc CNTT  thế giới.

Theo thống kê thì Việt Nam có 35 ngàn người được đào tạo về CNTT  nhưng để xuất khẩu 500 triệu USD thì phải có gấp 10 lần như vậy. Và để ngang hàng với Trung Quốc, phải có 1 triệu lập trình viên.

Cái khó nhất là của chúng ta là chưa tập trung hết vào đào tạo. Hiện nay, đào tạo lập trình viên của chúng ta như “muối bỏ biển”. Tại khu CNC Hòa Lạc, dự kiến đến năm 2015, khu trường học và khu phần mềm cơ bản được lấp đầy.

* Để có được khu CNC Hòa Lạc như theo đề án cũng như để phát triển nó, thì hiện nay việc trình chính phủ cũng như thực thi có gì vướng mắc không thưa ông?

Việc trình chính phủ phê duyệt đề án này không khó. Nhưng khó nhất vẫn là hành lang pháp lý. Đề cập đến vấn đề này thì rất dài nhưng tôi nghĩ con người tạo ra nó thì cũng sẽ giải quyết được.

Hiện các bộ luật trái giò sau. Luật Xây dựng, đất đai cũng vướng trong khu CNC. Ví dụ quy định trong khu CNC được xây nhà nhưng không được bán.

Ví dụ như quyết định 53 của Thủ tướng về ưu đãi thuế với doanh nghiệp CNC. Nhưng nghị định 24 lại phủ định nó. Nhưng tôi nghĩ sẽ sửa được những vướng mắc này. Nhất là khi Luật Công nghệ cao dự kiến sẽ được Quốc hội phê duyệt trong năm nay có nhiều ưu đãi cho đối với lĩnh vực CNC.

* Xin cảm ơn Thứ trưởng

Theo VTC News