Ngày 1/6, gần hai năm gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ thị trường bất động sản (BĐS) của Chính phủ được triển khai, nhưng quá trình thực thi vẫn chưa thực sự trơn tru.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, lũy kế đến hết tháng 4, gói 30.000 tỷ đồng mới chỉ giải ngân được 7.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 23,8%, quá thấp so với kỳ vọng ban đầu, dù hiện nay đã có 15 ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia thực hiện.
Trong khi đó, thời gian để gói hỗ trợ này còn hiệu lực chỉ còn 1 năm (theo Nghị quyết 02/NQ-CP, đến hết ngày 1/6/2016, gói tín dụng này sẽ hết thời hạn giải ngân), cơ hội để những người mua nhà tiếp cận nguồn vốn với lãi suất ưu đãi vẫn còn nhưng liệu sẽ có bao nhiêu trường hợp nữa được giải quyết nếu những gút mắc không được tháo gỡ?
Về vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Linh, Phó giám đốc Ngân hàng BIDV, Chi nhánh TP.HCM (1 trong 5 NHTM nhà nước tham gia đầu tiên vào gói 30.000 tỷ đồng) đã chia sẻ bên lề ý kiến tại buổi tọa đàm trong sự kiện Home Expo 2015.
Theo đó, không thể phủ nhận tác động tích cực của gói 30.000 tỷ đồng đối với thị trường BĐS, trước hết là tháo gỡ khó khăn cho thị trường trong thời điểm đóng băng, từ đó, lan tỏa đến toàn bộ thị trường.
Tuy nhiên, qua thực tế, gói tín dụng ưu đãi này từ lúc triển khai cho đến khi ban hành các văn bản, thông tư hướng dẫn còn khá nhiều vướng mắc, dù các cấp quản lý có điều chỉnh nhưng chưa mấy kịp thời.
Chẳng hạn, trong Công văn số 395/BXD-QLN của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn triển khai cho vay hỗ trợ nhà ở theo Thông tư số 17/2014/TT-BXD có giải thích định nghĩa về người có thu nhập thấp (đối tượng đáp ứng tiêu chí được vay gói 30.000 tỷ đồng) là người có thu nhập không chịu thuế thu nhập cá nhân, tức dưới 9 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, nhóm đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang thì không cần chứng minh thu nhập. Chính sự phân biệt này đã tạo nên nhiều vướng mắc trong quá trình thực thi.
Theo đó, với Ngân hàng BIDV, đã có nhiều khách hàng (là lao động tự do, lao động làm việc trong các doanh nghiệp tư nhân) đã được xem xét giải ngân, đã đặt cọc mua căn hộ nhưng khi văn bản 395 được ban hành thì gây ách tắc cho những trường hợp này.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), phân tích, mức thu nhập thấp mà Bộ Xây dựng quy định lại không khớp với điều kiện cho vay của các NHTM, tức người vay sẽ bị xếp vào diện không đủ điều kiện trả nợ. Cho nên, theo ông Châu, HoREA đang kiên trì kiến nghị với Bộ Xây dựng tháo gỡ vướng mắc này.
Cụ thể, đối tượng có thu nhập thấp tại khu vực đô thị phải do UBND cấp tỉnh, thành phố quy định. Mỗi địa phương đều có đặc thù riêng, việc cào bằng về cái gọi là đối tượng có thu nhập thấp như trong văn bản của Bộ Xây dựng là chưa hợp lý vì một người thu nhập 9 triệu đồng/tháng tại TP.HCM sẽ có mức sống khác với mức thu nhập này nhưng ở vùng xa.
DiaOcOnline.vn - Theo DNSG