Sập bẫy bốc thăm mua nhà

Cập nhật 08/01/2010 09:10

Không ít người dân, nhà đầu tư đã sập bẫy trước chiêu bốc thăm mua nhà đất do chủ đầu tư dự án tung ra. Khi đã sập bẫy, khách hàng muốn bán không được hoặc chịu lỗ nặng, muốn trả lại cho công ty cũng lắm gian nan.
 

Chen chúc nhau bốc thăm mua căn hộ


Doanh nghiệp tung chiêu


Cuối tháng 12.2009, công ty DX, chủ đầu tư dự án một khu đô thị sinh thái tại Đồng Nai công bố bán 200 nền nhà phố và biệt thự tại dự án này. Phương thức được chủ đầu tư áp dụng khi bán là bốc thăm. “Do số lượng nhà đầu tư đăng ký mua vượt quá số nền đưa ra, nên bắt buộc phải dùng biện pháp trên”, vị phó tổng giám đốc công ty giải thích. Trên thực tế, sau khi bán hết 200 nền, công ty này đã tung hàng ra bán tiếp đợt hai, đợt ba...

Anh Phong, một người dân ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), cho hay do đọc được thông tin quảng cáo về dự án của công ty rất hấp dẫn. Ngoài ra, anh còn được nhân viên công ty “bật mí” rằng giá đất rẻ, chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/m2, nên đã đặt cọc mua hai nền đất. Để tham gia bốc thăm, chủ đầu tư bắt phải đóng trước 20 triệu đồng tiền đặt chỗ/nền để chọn nền, giữ chỗ (nếu mua đất, số tiền này sẽ được chuyển thành tiền đặt cọc).

Tại buổi bốc thăm, sau gần một tiếng ngồi nghe chủ đầu tư diễn thuyết, khách hàng được tham gia bốc thăm. Tại đây, một cảnh hỗn loạn đã xảy ra khi ai cũng cố tranh mua, tranh bán. Trước áp lực trên, anh Phong đã được nhân viên công ty này gí cho giấy đóng tiền cọc mà không kịp đọc hợp đồng. Khi bình tâm trở lại thì mọi việc đã muộn vì chủ đầu tư quy định, nếu không mua sẽ mất cọc.

“Sau khi xem kỹ lại giấy đóng tiền mới biết hai nền tôi chọn trước đó đã có người khác mua rồi và giá hơn 4 triệu đồng/m2 chứ không phải là khoảng 1,5 triệu như thông tin trước đó. Có điều khi biết rõ thì mọi việc đã muộn”, anh Phong bức xúc.

Trước đó, hàng loạt dự án của nhiều công ty cũng đã áp dụng hình thức bốc thăm. Điển hình là ở dự án The Green River (tỉnh Bình Dương), hồi tháng 11.2009, khi chủ đầu tư công bố bốc thăm bán đất nền và căn hộ, gần một ngàn nhà đầu tư đã cố chen lấn, xô đẩy nhau đóng 30 triệu đồng để có được một vé bốc thăm mua nhà, đất.

Do chủ đầu tư chỉ tung ra 300 nền, nên nhiều nhà đầu tư không may mắn có được vé bốc thăm phải đứng ngoài đã sẵn sàng mua lại suất bốc thăm với giá chênh lệch 5 triệu đồng/suất.

Theo anh Vinh, do được các nhân viên môi giới “vẽ” ra một viễn cảnh quá “thơm”, nên anh đã đặt cọc mua hai nền tại dự án. Bốc thăm xong anh mới tá hoả vì tiến độ đóng tiền quá ngắn, chỉ trong hai tháng phải thanh toán hết số tiền khoảng 400 triệu đồng cho lô đất 150m2, như vậy không thể thanh toán kịp. Ngoài ra, trong ba năm phải xây nhà, nếu không sẽ bị phạt.

Bán không được, trả không xong

Ngày 6.1, sau khi chúng tôi rao tin mua đất Mỹ Phước 4 trên một số mạng rao vặt, ngay lập tức đã có hàng loạt cuộc gọi đến kêu bán đất Mỹ Phước 4 (Bình Dương) với giá gốc và thậm chí “lỗ chút đỉnh do kẹt tiền”. Trong đó có trường hợp của chị Hồng Liên. Theo chị Liên, vào tháng 11.2009, chị được một người bạn làm môi giới rỉ tai rằng chuẩn bị đưa ra bán đất nền dự án này với giá chỉ khoảng 2,4 triệu đồng/m2.

Do có sẵn một số vốn nhàn rỗi, chị đã quyết định mua một nền 150m2, với giá 360 triệu đồng. “Họ hứa khi đặt cọc xong sẽ giúp tôi bán được ngay, vì nhiều người đang mua ở đây mà không được. Thế nhưng, tôi rao bán khu đất này đã lâu với giá chỉ 2 – 2,1 triệu đồng/m2 mà chưa thấy ai hỏi mua và chưa biết có bán được không”, chị Liên lo lắng.

Sau khi mua đất, chị Liên đã xuống khu đô thị Mỹ Phước 4 tham quan dự án. Chị phát hoảng khi dự án vẫn chỉ là một khu đất trống mênh mông; nhiều nơi còn đang trồng cao su, chỉ một con đường độc đạo dẫn vào dự án đang được xây dựng, ống cống, cát đá… ngổn ngang.

Hiện anh Vinh đang rao bán miếng đất của mình và chịu lỗ 20 – 30 triệu đồng nhưng vẫn chưa ai chịu mua. Không chỉ anh Vinh, nhiều người lỡ mua nhà, đất tại dự án The Green River cũng đang rao bán lại đất ở dự án này với giá chỉ 2 triệu đồng/m2, nhưng vẫn không ai mua.

Mua hàng mà không được chọn và giá quá đắt, nên anh Phong đã quyết định đến đòi lại tiền cọc. “Đòi lại tiền cọc không hề dễ dàng. Tôi đã mất sáu lần lên xuống công ty và phải làm dữ họ mới chịu cho người có trách nhiệm ra giải quyết. Khi họ lấy tiền thì quá hăng hái, cho nhân viên đến tận nhà để thu, còn khi khách hàng đến nhận lại cọc thì họ chối quanh”, anh Phong bức xúc.

Giám đốc một doanh nghiệp địa ốc nói có khi dự án có hàng ngàn nền hoặc căn hộ, nhưng chủ đầu tư lại chọn hình thức bốc thăm và chỉ đưa ra nhỏ giọt để tạo hiệu ứng tâm lý khan hiếm cho khách hàng, dụ khách hàng vào rọ. Thực tế nhiều người đã ùn ùn kéo đến đặt cọc mua sản phẩm vì sợ hết hàng. Khi dự án càng tăng giá, khan hàng, khách hàng càng cố tìm mua cho bằng được.


DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị