Sáng 19-9, cầu Rạch Chiếc mới sẽ được chính thức khởi công xây dựng để thay thế cầu Rạch Chiếc cũ (được xây dựng từ năm 1961, rộng 16,5 m, cao chưa tới 2 m, đã xuống cấp nặng và luôn quá tải). Đơn vị chủ đầu tư dự án là Khu quản lý giao thông đô thị số 2.
Hai cầu bên phải và bên trái của cầu cũ sẽ được xây dựng trước với chiều rộng mỗi bên khoảng 10 m, chiều dài 295 m và đường dẫn hai đầu cầu là hơn 440 m. Theo kế hoạch, đến năm 2010, hai cầu nhánh cặp hai bên cầu cũ sẽ được xây dựng xong cho bốn làn xe lưu thông. Sau đó, cầu cũ sẽ được tháo dỡ để xây dựng và hoàn thành vào năm 2012 với chiều rộng đạt 28 m, cho sáu làn xe chạy song song với hai nhánh hai bên. Đến khi hoàn thành toàn bộ, cầu Rạch Chiếc mới sẽ rộng tổng cộng 48 m cho mười làn xe.
Trong thời gian thi công hai nhánh cầu mới, các loại xe vẫn lưu thông bình thường trên xa lộ Hà Nội và cầu Rạch Chiếc cũ. Riêng cầu sắt tạm theo hướng từ trung tâm TP ra sẽ được tạm di dời ra xa khỏi cầu cũ khoảng 10 m để lấy khoảng trống thi công. Cầu tạm di dời này vẫn dành cho xe hai bánh lưu thông nhằm giảm tải cho cầu cũ và chỉ được tháo dỡ sau khi cầu Rạch Chiếc mới xây dựng xong.
Tổng mức đầu tư cho hai nhánh cầu và đường dẫn vào hai đầu cầu này là 293 tỷ đồng. Các đơn vị thi công cam kết xây dựng xong trong thời gian khoảng 480 ngày. Riêng nhánh chính giữa có tổng mức đầu tư khoảng 700 tỷ đồng sẽ được xây dựng trong khoảng năm rưỡi. Tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng xây dựng cầu Rạch Chiếc mới là do Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng TP.HCM (CII) ứng trước cho UBND TP.HCM.
Với chiều cao 6 m, tàu thuyền có thể lưu thông dưới cầu Rạch Chiếc mới để qua lại sông Đồng Nai và thượng lưu sông Sài Gòn với hành trình rút ngắn hơn 13 km. Nhờ vậy sẽ giảm được lượng tàu thuyền phải đi qua khu vực cảng Sài Gòn.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP