Sau khi ồ ạt ra đời theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, hiện nhiều sàn giao dịch nhà đất đang lâm vào tình cảnh hoạt động cầm chừng.
Chính vì vậy dù thị trường có nhiều phân khúc sản phẩm như nền đất, căn hộ, văn phòng... được rao bán, chuyển nhượng, cho thuê rộng rãi hàng ngày nhưng khách hàng chỉ biết đến một vài sàn có uy tín như ACBR, Sacomreal, Tín Nghĩa, Phúc Đức...
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết nguyên nhân chính khiến nhiều doanh nghiệp mới lập sàn chưa có khách hàng là do thị trường bất động sản trầm lắng. Mặt khác, hiện nhiều sàn giao dịch bất động sản ra đời nhưng hoạt động chưa theo đúng nghĩa là sàn. “Số sàn giao dịch bất động sản hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, như hội đủ nhiều mảng kinh doanh từ môi giới, định giá, xúc tiến đầu tư đến có vị trí, có dữ liệu thông tin giá cả từng khu vực... mới chiếm hơn phân nửa, còn lại là sàn do các chủ đầu tư mở ra để chỉ bán sản phẩm cho mình” - ông Châu phân tích.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Tín Nghĩa, sở dĩ có nhiều sàn ra đời nhưng hoạt động chưa tốt là vì không cùng liên kết để bán sản phẩm cho nhau. Đơn cử như ở thị trường bất động sản Đồng Nai, đây là một thị trường nhiều tiềm năng nhưng lúc này mới chỉ có mỗi Sàn giao dịch Tín Nghĩa là có mô hình và quy chế hoạt động chuẩn của Bộ Xây dựng.
Và ngay mới đây, trong đề tài đánh giá về thị trường bất động sản TP.HCM sau hai năm gia nhập WTO, đề tài đã được Viện Nghiên cứu phát triển TP nghiệm thu thì các tác giả cũng nhận định các sàn giao dịch nhà đất tại TP còn manh mún, chưa phát huy tác dụng.
Nhận định này cũng ứng với hoạt động chưa hiệu quả của mạng các sàn giao dịch bất động sản do Bộ Xây dựng lập ra. Vì mạng này từng có một thời gian được kỳ vọng sẽ giúp thị trường nhà đất minh bạch nhưng cho đến nay cầu nối thông tin về giá cả bất động sản cả nước vẫn tắc.
DiaOcOnline.vn - Theo Pháp Luật TP