Từ năm 2013, hàng loạt các dự án "đắp chiếu" do chủ đầu tư không đủ năng lực tài chính đã buộc phải sang tay cho những ông chủ mới.
Có thể điểm qua hàng loạt các vụ mua bán thời gian gần đây như: Công ty cổ phần Đầu tư Hải Phát cũng phải “nhả” khu đất rộng 3.600 m2 tại 36 - Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho Tập đoàn FLC.
Mảnh đất có vị trí đắc địa này được Hải Phát thâu tóm cách đây vài năm, với mục tiêu xây dựng một cao ốc 35 tầng làm trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ để bán.
Săn dự án "đắp chiếu" làm của để dành
|
Nhưng cho đến nay, toà cao ốc này vẫn chỉ tồn tại trên giấy. Do thiếu vốn triển khai các dự án khác, cực chẳng đã, Hải Phát buộc phải bán lại dự án này.
Mới đây, Tập đoàn Đất Xanh đã chính thức mua lại Dự án Water Garden (khu dân cư phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP. HCM) từ CTCP Phát triển hạ tầng và Bất động sản Thái Bình Dương (PPI).
Dự án có quy mô diện tích gần 2,1 héc-ta, nằm sát bên sông Sài Gòn, từng được PPI đặt tham vọng sẽ chi ra 1.275 tỷ đồng để phát triển thành khu phức hợp với các hạng mục như căn hộ cao cấp, khu thương mại và dịch vụ.
Tuy nhiên, do gặp khó khăn về tài chính từ đầu năm 2013, PPI không đủ sức tự triển khai và phải kêu gọi các nhà đầu tư hợp tác triển khai hoặc chuyển nhượng lại dự án.
Sau hơn 1 năm “mang con” rao bán, cuối cùng, dự án về với Đất Xanh với giá chỉ hơn 80 tỷ đồng. Điều đáng nói, dự án này trước đây từng được PPI rao giá đến 280 tỷ đồng. Như vậy, chỉ tính riêng ở quận Thủ Đức, Đất Xanh đã mua thành công 2 dự án là Sài Gòn Water Garden và dự án của Công ty Savico với tên gọi mới là Sunview Town hiện đang được xây dựng.
Trước đó, Tập đoàn Novaland cho biết, đã chi 3.000 tỷ đồng để mua và hợp tác triển khai 3 dự án bất động sản tại TP. HCM. Theo tìm hiểu của Đầu tư Bất động sản, những dự án mà Novaland mua lại phần lớn đều có vị trí đắc địa, nhưng chủ cũ của dự án rơi vào tình trạng “đói” vốn, không thể tiếp tục thực hiện dự án, như Dự án Khu căn hộ thương mại Icon 56 và Dự án số 9 Nguyễn Khoái do Công ty Cao su miền Nam làm chủ đầu tư…
Tập đoàn Hưng Thịnh cũng vừa quyết định bơm tiền vào Dự án Thái An 6 (quận 12) do Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành làm chủ đầu để hợp tác đầu tư. Dự án này cũng từng “đắp chiếu” một thời gian, hiện đang được khẩn trương xây dựng và tiếp tục chào bán trở lại thị trường.
Chủ tịch Tập đoàn Đất Xanh, Lương Trí Thìn cho biết chiến lược năm 2014 của DXG là xem xét thâu tóm các dự án nhà đất tiềm năng nhưng trong tình trạng dang dở, bị bỏ hoang do chủ đầu tư thiếu nguồn lực tài chính. Dựa trên kinh nghiệm phân tích và nhận định thị trường, cùng những cơ hội đang xuất hiện, Đất Xanh sẽ chọn lọc để vào cuộc đầu tư hồi sinh các dự án mang lại giá trị sinh lợi cao.
Ông Marc Townsend, Tổng giám đốc Công ty CBRE cũng thẳng thắn cho rằng: “Hiện nay, sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản Việt Nam vẫn hiện hữu, không chỉ xuất hiện với các nhà đầu tư lâu năm mà còn hiện hữu với các nhà đầu tư mới và giữa các nhà đầu tư trong nước với nhau”.
Theo các chuyên gia, việc thâu tóm các dự án là một "chiến lược" của các 'ông lớn" ngành xây dựng. Bởi lẽ, thời điểm hiện tại, thị trường bất động sản Việt Nam đang gặp khó khăn nên mức giá chuyển nhượng dự án chắc chắn sẽ "mềm" và các dự án được chuyển nhượng chủ yếu là những dự án "đất vàng" từng đình đám một thời.
Ngoài ra, theo phân tích của tổ chức tư vấn bất động sản quốc tế Savills, mặc dù gặp khó kéo dài nhưng thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đang có nhiều lợi thế so với các nước trong khu vực.
Cụ thể, Myanmar có nhiều tiềm năng về bất động sản nhưng hiện nước này chỉ mới mở cửa đầu tư, khung pháp lý chưa rõ ràng.
Trong khi đó, thị trường Thái Lan vẫn tiếp tục cho thấy sự cạnh tranh khắc nghiệt; 2 thị trường khác là Lào và Campuchia quy mô không lớn.
Một lợi thế nữa cũng theo nhìn nhận của Savills, lý do khiến dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc đang tìm kiếm các dự án bất động sản để đầu tư chính vì giá bất động sản của Việt Nam hiện đang rẻ hơn so với Trung Quốc.
DiaOcOnline.vn - Theo VTC nesw