Nhiều biệt thự đã mọc lên tại những nơi hẻo lánh ở Nhơn Trạch. |
Thời điểm hiện tại, ngay cả những khu đất cù lao, sình lầy, còn tách biệt với đường giao thông ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai cũng trở nên khan hiếm khi ngày càng nhiều người ở TP.HCM bỏ tiền tỉ mua để xây biệt thự hoặc trang trại.
Không kể xa gần
Trong những ngày qua, trên các con đường ở khu vực ba xã Phước Khánh, Phú Đông, Vĩnh Thanh đâu đâu người dân cũng bàn tán chuyện đất tăng giá. “Văn phòng giao dịch” của những người môi giới đất lan ra các bờ ruộng, trên xuồng, ghe máy. Ông Chín, một người môi giới đất lâu năm tại xã Phú Đông cho biết, trong khoảng một tháng gần đây, dân TP.HCM, phần nhiều là dân quận 2, qua đây tìm những miếng đất có diện tích từ 3.000m2 trở lên mua với ý định làm trang trại, xây nhà nghỉ dưỡng ngày càng nhiều. Có người ra giá thẳng với người môi giới, nếu tìm cho họ được miếng đất ưng ý, ngoài tiền môi giới thì được thưởng thêm từ 5 – 10 triệu/1.000m2. Thấy kiếm ăn được, nhiều người dân liền thi nhau bơi xuồng ra những địa điểm xa xôi để tìm đất cho khách. Ông Chín tiết lộ, tuần vừa rồi ông mới môi giới thành công hai khu đất ruộng 5ha ở khu giáp ranh xã Phú Đông với Phước Khánh. Tính gộp các khoản ông bỏ túi gần 100 triệu đồng.
Theo tiết lộ của những người môi giới đất gần UBND xã Vĩnh Thanh, khách Sài Gòn khoái nhất là những miếng đất cù lao, bao quanh là sông nước. Một phần vì giá đất rẻ, phần khác là những khu đất này có diện tích rộng lớn, có nguồn gốc từ khai hoang, lại nằm biệt lập, phong cảnh hữu tình thuận lợi cho chủ đất xây dựng những trang trại hoặc những nhà nghỉ dưỡng. Cũng có một số khác, thay vì gửi tiền ngân hàng, đầu tư vào đất với hy vọng sau này sẽ “trúng số” khi đô thị mới phát triển ở các xã, cũng như hạ tầng giao thông được cải thiện.
Nhiều rủi ro
Vào các ngày cuối tuần, những chiếc xe hơi bóng loáng thường đậu san sát khắp các quán cà phê kiêm dịch vụ môi giới địa ốc. Dân môi giới thay nhau dẫn những ông khách khá hào phóng này đi xem đất. Đối tượng này hầu như không quan tâm mấy đến chuyện khu đất có gần đường hay không, giá bán thế nào. Đặt vấn đề tại sao lại “liều” khi bỏ cả mấy trăm triệu đồng để mua đất ở một nơi mù mịt như vậy? Một vị khách ngụ tại quận 2 nói thẳng: “người đẻ chứ đất có đẻ đâu anh ơi”. Vị này nói tiếp, xui lắm là đất dính quy hoạch phải thu hồi. Nhưng quy hoạch có đến ở những nơi ấy thì cũng còn “khuya”, nếu quy hoạch, có áp giá đền bù đi nữa thì cũng không sợ lỗ bởi theo quyết định 69 mới sắp có hiệu lực thì giá đền bù đất lúa phải cao gấp từ 1,5 – 5 lần đất thổ cư.
Bà Nguyễn Thị M., ngụ tại đường Lương Định Của, phường An Phú, quận 2 cho biết, mục đích đi mua đất của bà là nhằm chuẩn bị nơi dưỡng già. Bà có ba người con đều đã lớn và lập gia đình. Bà cũng đã lo cho mỗi người con một căn hộ. Do vậy, bà dự tính mua một miếng đất rộng dưới khu vực này cải tạo: trồng cây, đào ao thả cá để ít năm nữa sau khi về hưu sẽ xuống đây ở để dưỡng tuổi già.
Tuy nhiên, đất thì bà M. đã mua được nhưng kế hoạch xây nhà, đào ao thả cá của bà bị chững lại bởi một lý do: chi phí xây dựng cao hơn rất nhiều lần giá trị miếng đất bà mua. Bà M. tính toán, do vật liệu để xây dựng một điền viên 300m2 của bà đều phải vận chuyển bằng xuồng máy nên giá đã đội lên rất cao. Tính đến nay, bà M. đã đầu tư khoảng hai tỉ nhưng “công trình ước mơ” vẫn chưa đâu vào đâu trong khi vốn thì đã cạn. “Kiểu này thì chắc khi nghỉ hưu rồi nhưng trang trại ấy của tôi vẫn chưa thành hình” - bà M. than thở.
Một cán bộ địa chính xã Vĩnh Thanh cho biết, hầu hết những khu đất mọi người đang tìm mua đều đã được quy hoạch. Do vậy, nếu ai có ý định mua đầu cơ thì khả năng rủi ro rất cao. Bên cạnh đó, mua để xây biệt thự trang trại trong những khu vực xa thì tiền đầu tư có thể gấp nhiều lần tiền mua đất. Trong tình hình hiện nay thì thời gian khi nào hạ tầng cơ sở mới được xây dựng ở những khu vực này thì không ai có thể trả lời được. Theo vị này, cũng đã có nhiều người do không tính toán kỹ trước khi thực hiện nên đã phải bán tống bán tháo các dự án dang dở của mình cho người khác vì không kham nổi những chi phí không lường trước. Ngoài ra, vị cán bộ này đưa ra lời khuyên: người mua đất nên thận trọng tìm hiểu kỹ trước khi mua, không nên mua bán giấy tay bởi trong tình hình đất tăng giá sẽ có nhiều rủi ro.
Nhơn Trạch: Trung tâm ba cực phát triển
Nhơn Trạch nằm ở trung tâm của ba cực phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (TP.HCM – Đồng Nai – Vũng Tàu), gần các cảng lớn, các tuyến giao thông quan trọng. Phía bắc giáp với TP Biên Hoà, phía đông giáp huyện Long Thành, phía nam giáp với Cần Giờ và phía tây là quận 9 (TP.HCM). Cận kề quốc lộ 51, đường cao tốc Sài Gòn – Vũng Tàu nằm trên trục xa lộ xuyên Á, sân bay Long Thành (dự kiến), và có cảng Thị Vải, có một con sông Đồng Nai như một thuỷ lộ gắn kết với TP.HCM… Quy hoạch chung khu công nghiệp (KCN) Nhơn Trạch được phê duyệt năm 1997 có tổng diện tích 2.700ha. Sự hình thành KCN này là tiền đề quan trọng để hình thành một đô thị mới được quy hoạch theo hướng phát triển thành một thành phố công nghiệp hiện đại. Cùng khu vực phát triển các KCN, một dải đất rộng lớn từ trung tâm huyện đổ về xã Phước An, đi qua các xã Phú Hội, Long Tân, Vĩnh Thanh, Đại Phước, Phú Đông, Phú Hữu… đã được quy hoạch dành cho các khu dân cư và dự án nhà ở, trong đó có không ít các dự án xây dựng chung cư, nhà liên kế, các khu biệt thự.
DiaOcOnline.vn - Theo Sài Gòn Tiếp Thị