Nghĩa trang Văn Điển ngừng hung táng, thị trường bất động sản cho… người cõi âm tại Ba Vì, Sóc Sơn (Hà Nội) đang sôi động không kém gì bất động sản... trên dương thế.
Dịch vụ từ A đến Z
Trong vai người có thân nhân mắc bệnh hiểm nghèo và đi lo chuyện hậu sự, chúng tôi có dịp được làm “thượng đế” mua bất động sản cho người cõi âm. Vượt hơn 50km từ Hà Nội lên Vật Lại, Ba Vì, chúng tôi đã có mặt ở nơi được coi là thiên đường dành cho người quá cố.
Rộng rãi, thoáng mát, đẹp không thua… resort là cảm giác đầu tiên của chúng tôi về công viên này. Chưa hết bất ngờ về quy mô của nghĩa trang, chúng tôi thêm ngạc nhiên về sự sôi động cũng như tính chuyên nghiệp của thị trường đất mộ nơi đây.
Sau khi hỏi bảo vệ, chúng tôi được mời vào phòng lễ tân và nhanh chóng được cả trưởng, phó ban quản lý nơi đây tiếp đón. Giá cả, sơ đồ đất cùng các dịch vụ từ A đến Z được giới thiệu đầy đủ một cách khá chuyên nghiệp.
Theo đó, có 2 loại đất mộ: đất mai táng (là mộ chôn người mới qua đời) và đất để cải táng (đất mộ dành cho người đã được mai táng hoặc hỏa táng ở nơi khác chuyển về). Kích thước của 2 loại đất mộ này khác nhau: mộ mai táng có diện tích 5m2 còn mộ cải táng nhỏ hơn có diện tích 3m2, nhưng mức giá chung được quy ra là 5 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là tiền đất, còn có rất nhiều loại chi phí khác kèm theo để phục vụ mọi yêu cầu của "thượng đế" như xây dựng, trang trí và hàng loạt các dịch vụ khác. Các chi phí trên đều có bảng giá công khai với nhiều lựa chọn về chất liệu, kiểu dáng theo nhu cầu của từng khách hàng.
Chẳng hạn, chi phí xây dựng tường rào dao động từ 400 đến 700 nghìn đồng/m2 tùy theo chất liệu gạch và thiết kế của khách. Sau khi nhẩm tính, để có một ngôi mộ đúng chuẩn (mộ mai táng với diện tích 5m2) và làm dịch vụ mai táng, chi phí ít nhất cũng hơn 33 triệu đồng.
"Không mua nhanh là hết"
Không chỉ giới thiệu chi tiết giá cả, dịch vụ, Trưởng ban quản lý Nguyễn Văn Quang cùng Phó ban tên Bảy còn tận tình dẫn chúng tôi đi tham quan toàn bộ công viên cùng 2 khu đất mới đang được san lấp mặt bằng để chuẩn bị đi vào hoạt động trong một vài tháng tới.
Cả 2 đại diện của công viên này đều khuyến cáo chúng tôi “nên chủ động, mua đất càng nhanh càng yên tâm”, bởi “đất bây giờ đang rộng không mua nhanh là hết”.
Phó ban quản lý tên Bảy cho biết, về mặt quy định thì việc mua đất mộ… để dành là bị cấm, nhưng trên thực tế nếu có tiền thì “mua bao nhiêu cũng có”.
Nếu có điều kiện, việc mua 100 đến 200 m2 đất là vô cùng đơn giản, chỉ cần chọn đất, xem hướng, ký hợp đồng làm thủ tục “khoảng 30 phút” và “vác tiền đến là xong”.
Khu đất mới đang được san phẳng để chuẩn bị đi vào hoạt động. |
Cấm mua bán, chuyển nhượng đất nghĩa trang
Quy chế mới của UBND TP Hà Nội về quản lý và sử dụng nghĩa trang nghiêm cấm các hành vi khác như mua bán, chuyển nhượng đất trong nghĩa trang dưới mọi hình thức; cấm thu phí, lệ phí, thực hiện kinh doanh các dịch vụ nghĩa trang trái quy định của pháp luật...
Việc mua đất mai táng để dành cũng bị cấm trừ ngoại lệ là dành cho người từ 70 tuổi trở lên, bệnh nhân hiểm nghèo không thể chữa trị. Bên cạnh đó, những người từ 60 tuổi trở lên đã có vợ hoặc chồng mai táng trong nghĩa trang được đặt trước 1 chỗ cùng nghĩa trang đó.
Quy định mới ban hành của Hà Nội hạn chế cả việc tự ý lựa chọn khu đất an táng. Theo đó, việc giao đất mai táng trong nghĩa trang thực hiện lần lượt theo khu, hàng đã định trước. Đất nghĩa trang được sử dụng đúng quy hoạch, theo vị trí khu mộ, hàng mộ và phần mộ, đúng mục đích và đối tượng. Phần đất nơi huyệt mộ sau khi cải táng phải để tối thiểu 12 tháng mới được tái sử dụng vào mục đích mai táng.
Hà Nội quy định cụ thể diện tích tối đa cho mỗi mộ hung táng và chôn cất 1 lần không quá 5m2 và cho mỗi mộ cải táng tối đa không quá 3m2. Chiều cao tối đa cho một ngôi mộ là 2m tính từ mặt đất, kể cả phần trang trí.
Tại Thủ đô hiện có rất nhiều dự án nghĩa trang đang cùng triển khai: Yên Kỳ mở rộng, Vĩnh Hằng (Ba Vì), Bắc Sơn, Minh Phú (Sóc Sơn), Yên Trung, Khoang Diệu (Thạch Thất), Đại Mỗ (Từ Liêm)…
DiaOcOnline.vn - Theo VTC News