Sân bay Long Thành tác động thế nào đến bất động sản?

Cập nhật 06/11/2020 11:30

Các chuyên gia nhìn nhận dự án sân bay Long Thành sẽ tác động tích cực đến BĐS trong khu vực. Tuy nhiên, hạ tầng kết nối ở đây còn hạn chế, cần phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng.

Phối cảnh sân bay Long Thành. Ảnh: ACV.

Tại toạ đàm về bất động sản Long Thành, Đồng Nai, PGS.TS Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, đánh giá dự án sân bay Long Thành có vùng ảnh hưởng rất lớn. Trong bán kính 5 km, có tác động trực tiếp đến bất động sản dân cư; 10 km là các dịch vụ tiện ích cho sân bay, cho cư dân sống và làm việc tại sân bay.

Riêng bất động sản công nghiệp trong bán kính 15 km sẽ có bước phát triển đột phá khi các nhà máy có nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường không. Bất động sản trong bán kính 30 km của tất cả loại hình cũng sẽ được hưởng lợi.

Trong bán kính 50-70 km, dự án sân bay Long Thành ảnh hưởng trực tiếp đến bất động sản của các địa bàn Vũng Tàu, Bình Dương, Long An. Ngoài ra, trong bán kính 150 km sẽ ảnh hưởng đến hành khách của các sân bay lân cận như Liên Khương, Nha Trang, Cần Thơ.

Theo quy hoạch, sân bay Long Thành có quy mô 5.000 ha, công suất đáp ứng 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm.

Ông Vũ Quốc Việt Nam, Giám đốc cao cấp Tập đoàn Đất Xanh, cho rằng hiện tại xuất hiện xu hướng dịch chuyển từ TP.HCM tới Bình Dương và Đồng Nai. Vị trí và kết nối xung quanh thuận lợi nên nhu cầu bất động sản tại khu vực này rất lớn.

“Nhu cầu bất động sản ở TP.HCM tăng liên tục từ năm 2015-2019, từ 2019 đến nay thì cầu quá lớn. Quỹ đất không còn, nguồn cung hiếm do pháp lý chưa hoàn thiện, dẫn đến thiếu nguồn cung, nên người mua để ở, nhà đầu tư bắt đầu lan ra vùng xung quanh”, ông Nam nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Quốc Anh, Phó tổng giám đốc batdongsan.com.vn dẫn số liệu tháng 8/2018, lượng tin về bất động sản khu vực Long Thành ghi nhận 5.000 tin, tháng 10/2019 là 10.000 tin và tháng 10 năm nay đạt 6.000 tin. Từ tháng 6 tới tháng 8 có một số thông tin chưa tốt của thị trường xoay quanh về đất nền nên dẫn đến sự sụt giảm.
Cao tốc Bến Lức - Long Thành. Ảnh: Quỳnh Danh.

Về giá, mặt bằng giá đất trung bình tại Long Thành từ năm 2018 tăng lên 8-12 triệu đồng/m2 và tính đến hiện tại trung bình là 17 triệu đồng/m2. Lượng dự án hiện nay cô đọng ở một số chủ đầu tư nên giá ổn định ở những dự án này.

“Xét về mặt số liệu, lượng quan tâm và chỉ số chung ở thị trường Long Thành đang tốt lên. Nếu có quy hoạch ổn định thì lượng quan tâm và mặt bằng giá sẽ còn tốt hơn nữa”, ông Quốc Anh khẳng định.

Cũng tại buổi tọa đàm, ông Đỗ Việt Chiến, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, cho rằng khi sân bay được hình thành sẽ tác động đến 7 phân khúc bất động sản gồm nhà ở, công nghiệp, văn phòng, thương mại, bất động sản nghỉ dưỡng, nông nghiệp, bất động sản hạ tầng và có thể là bất động sản du lịch tâm linh.

Tuy nhiên, mong muốn Long Thành trở thành thành phố sân bay cần tính dài hơi vì đất đai ở đây vẫn còn hoang sơ, các khu đô thị lớn vẫn còn chưa phát triển. Cần phải bắt tay ngay vào phát triển hạ tầng giao thông, rồi đến điện, nước và hình thành nhà ở, hạt nhân của các đô thị.

“Muốn đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa ở Long Thành thì buộc phải đẩy nhanh các tuyến cao tốc kết nối, quan trọng nhất là Bến Lức - Long Thành - Dầu Giây. Ngoài ra, có cả các kết nối của hàng không, cảng cụm nước sâu, đường sắt”, ông Chiến chia sẻ.

DiaOcOnline.vn – Theo Zing