Trong thời buổi thành phố bùng nổ các loại “siêu” như siêu thị, siêu sao, siêu dự án… chuyện nhà cửa cũng “góp vui” bằng một loại kiến trúc đặc biệt: nhà siêu mỏng. Nhà siêu mỏng của Sài Gòn hiện diện nơi đâu, hình thành ra sao và tồn tại như thế nào?
Chân dung nhà siêu mỏng
Chị Trang, chủ nhân của ngôi nhà có diện tích… sáu mét vuông được xây lên hai tầng trên đường Bà Huyện Thanh Quan, quận 3, cười thoải mái khi có người cắc cớ hỏi chị để xe gắn máy ở đâu trong cái tổ ấm của gia đình chị.
Chuyện nhỏ như… con thỏ! Ba chiếc xe gắn máy của năm thành viên trong gia đình sẽ tạm xa chủ của chúng hàng đêm để “ngủ” ở chung cư Kỳ Đồng gần đó. Tiền gửi xe không là vấn đề, bởi cái mặt tiền rộng 5 mét, dài… 1,2 mét của nhà chị đang được cho thuê mở Trung tâm Giới thiệu nhà đất, mỗi tháng thu gần hai triệu đồng!
Khu vực đường Bà Huyện Thanh Quan giáp với đường Rạch Bùng Binh này có thể được ghi vào sách Kỷ lục Việt Nam (mà cũng có thể là thế giới) khi hiện diện tới gần chục căn nhà siêu mỏng kiểu như nhà chị Trang trên một đoạn đường dài chỉ vài trăm mét.
“Chiều sâu 1,2 mét còn đỡ, nhà bên kia chỉ có… 0,8 mét!”. Đó là căn nhà đối diện với nhà chị, một căn nhà mặt tiền ba tầng lầu nhìn bên ngoài rất hoành tráng, đang kinh doanh và sửa chữa các mặt hàng điện gia dụng.
Nhà siêu mỏng được xây như thế nào? Tất nhiên là xây… “lụi”! Chẳng có ông nào bà nào dám cấp giấy phép xây hai, ba tầng lầu trên một diện tích đất như thế. Nhưng làm sao bây giờ? Chính các cấp chính quyền cũng lúng túng khi đối diện với thực tế: đường giải tỏa đến chừng đó, phần còn lại dù nhỏ cũng là sở hữu của người dân, họ lại đang bức xúc về chỗ ở…
Thế nên, dù đã có quy định rõ ràng của Ủy ban Nhân dân TP.HCM trong quyết định 207 là: “Nếu phần diện tích đất còn lại có diện tích 15m2, hay có chiều rộng mặt tiền hoặc chiều sâu nhỏ hơn 3m thì không được phép xây dựng” nhưng hàng loạt nhà siêu mỏng cũng đã mọc lên trong thời gian “lộn xộn” thi công nhiều con đường.
Một người hàng xóm của chủ nhân loại nhà này trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh nói vui: “Thiếu gì thứ to đùng còn xây không phép, huống chi là cơ ngơi nhỏ bằng cái… lỗ mũi thế này”.
Căn nhà “mỏng lét” này (màu trắng, cao nhất) được định giá 2,5 tỉ đồng.
Người ta sống như thế nào ở những căn nhà “to bằng cái lỗ mũi” như thế? Đơn giản thôi, vẫn sống như thiên hạ đang sống. Nhà cũng có phòng ngủ cho cha mẹ, góc học tập cho con cái và nhà vệ sinh cho cả nhà. Tuy nhiên, tất cả đều là “mini” và đều được đặt ở… trên các tầng lầu.
Tầng trệt, tức mặt tiền, chỉ có hai công dụng: thứ nhất là cho thuê và thứ hai là đặt một cái cầu thang bé xíu để leo lên tầng trên. Cái khó ló cái… liều, các căn nhà này tầng trên được xây “lố” ra ngoài chừng một mét, thành ra diện tích sinh hoạt bên trên cũng không đến nỗi nào. “Mấy nhà liền kề nhau thì còn có chỗ tựa. Nhà tôi nằm ngoài rìa nên phải xây thêm hai trụ đỡ” - chị Trang nói.
Tóm lại, tính về “địa bàn cư trú”, nhà siêu mỏng thường có địa chỉ ở những thành phố mà quy hoạch gặp “hoàn cảnh lịch sử” lâu dài như Hà Nội, TP.HCM... Tính về tuổi, nhà siêu mỏng rất trẻ vì nó ra đời cùng lúc với sự phát triển kinh tế trong những năm gần đây kéo theo sự phát triển của hạ tầng đô thị, mở mang đường sá.
Tính về giá trị pháp lý, nhà siêu mỏng chẳng có miếng giấy gì để “lận lưng”. Tính về “phong cách”, nó là đặc trưng cho loại kiến trúc “cái chai lộn ngược” và đều ở mặt tiền cho thiên hạ tha hồ chiêm ngưỡng. Nhưng tính về… giá bán, nhà siêu mỏng lại thuộc loại “đắt xắt ra miếng”.
Chuyện nhà siêu mỏng
Kiểu kiến trúc “cái chai lộn ngược”.
Chuyện thứ nhất: Trong khi những con đường ở trung tâm được mở rộng như Bà Huyện Thanh Quan, Trương Định, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Hoàng Hoa Thám đều có xuất hiện loại nhà siêu mỏng, thì các con đường xa trung tâm như Trường Chinh (Tân Bình), Lê Trọng Tấn (Tân Phú)…, dù mặt đường mở rộng đến 45 - 55 mét lại không thấy xuất hiện nhà loại này.
Anh Tú, chủ nhân một ngôi nhà mặt tiền trên đường Lê Trọng Tấn nói: “Ở đây, ngày trước người ta bán đất tính theo mét ngang. Cứ mỗi mét ngang một cây vàng (thời điểm 1998), còn chiều sâu vào thì thoải mái, có khi tới cả trăm mét. Thành ra đường vô cỡ nào thì nhà mặt tiền có chiều sâu tới cỡ đó, có khi đến vài chục mét. Muốn có nhà siêu mỏng nhìn cho… vui cũng không có.
Chuyện thứ hai: Trong khi ai cũng xây được nhà siêu mỏng thì anh Hiển ở nhà số 16, đường Trương Định nối dài lại không. Vì sao? Anh Hiển nói: “Vì gia đình “nhát” quá. Nghe nói cấm xây là không dám xây, dù nhìn quanh thiên hạ xây rần rần”.
Thành ra cái khoảnh đất mặt tiền có diện tích 7x0,6(m) của anh bây giờ nhà không ra nhà, mà chòi cũng chẳng ra chòi. Một nửa anh che cái “hộp” để vợ anh bán nước giải khát, nửa còn lại che tấm bạt để anh hành nghề hớt tóc!
“Bây giờ mới… éo le!” - anh nói. Éo le bởi muốn xây cũng không xây được. Người ta chỉ tranh thủ xây nhà siêu mỏng trong cảnh hỗn loạn làm đường, bây giờ thì đâu đã vào đấy, đường Trương Định đã rộng rãi, sang trọng, tiến hành xây nhà siêu mỏng lúc này chẳng khác nào “kêu gọi” các nhà báo tới chụp hình!
Éo le còn ở chỗ, anh muốn bán quách đi để lấy tiền mua nhà chỗ khác, nhưng người có thể mua nhất là chủ căn nhà sau lưng nhà anh (mua xong được căn nhà mặt tiền vừa rộng, vừa sâu) lại không thèm mua. Không phải họ muốn bắt chẹt anh, mà vì gia đình ấy chỉ có hai mẹ con, nhà rộng rãi, dư dả, lại muốn sống yên tĩnh, nên cần gì mặt tiền!
Cách đây vài tháng, có người trả giá miếng đất 4,2m2 của anh tới 50 cây vàng, với điều kiện là họ mua được căn nhà đằng sau. Nhưng chủ nhân ngôi nhà đằng sau lại không có nhu cầu bán, thành ra éo le thật!
Bán tạp hóa ở nhà siêu mỏng.
Chuyện thứ ba: Ngôi nhà mặt tiền màu trắng bốn tầng lầu có chiều rộng chừng tám mét cuối đường Trương Định nối dài trông thật bắt mắt. Nó lại nằm kề bên một khách sạn to, nhìn thật “hoành tráng”, nhưng ai ngờ chiều sâu của nó chỉ có hai mét! Căn nhà này đang được rao giá 2,5 tỉ đồng. Nhâm nhi ly bia cùng một tay thổ địa khu này ở quán cóc đối diện với ngôi nhà “mỏng mà đắt” này, mới thấy dân tình bây giờ giỏi quá.
Anh bạn mới quen này phân tích rạch ròi chuyện giá bán nhà và giá trị sử dụng. Thật rõ ràng, bỏ ra 2,5 tỉ đồng mua ngôi nhà siêu mỏng này để làm gì? Để ở ư? Vô lý quá! Bởi muốn ở gần trung tâm thành phố thì với số tiền ấy mua chung cư ở có sướng hơn không, ai dại gì chui vào chỗ không đủ rộng để đặt cái giường ngủ?
Để kinh doanh ư? Với mặt tiền sâu có hơn một mét, biết buôn bán được thứ gì? Mua để cho thuê ư? Ai dám thuê diện tích khiêm tốn ấy với giá cao. Mà ví dụ như cho thuê được với giá bảy, tám triệu đồng mỗi tháng (chưa chắc đã được lâu dài) thì khoản tiền ấy làm sao bằng thu nhập từ việc đem tiền mua căn nhà ấy gửi ngân hàng. Đó là chưa kể bỏ ra một số tiền lớn như thế để mua về một thứ không hợp lệ.
Làm sao để không tiếp tục xuất hiện nhà siêu mỏng?
Xét về mọi mặt, nhà siêu mỏng không nên tồn tại chút nào. Về mặt kiến trúc đô thị, nó làm xấu đi bộ mặt con đường. Về mặt an toàn, nó làm chúng ta có cảm giác… hồi hộp khi đứng gần.
Tuy nhiên, từ thực tế những căn nhà siêu mỏng đã “lỡ” xây, từ việc nhiều con đường nội thành đang được mở rộng để giải quyết ùn tắc giao thông, thiết nghĩ các cấp ngành liên quan cần có biện pháp kiên quyết trong vấn đề xây dựng nhà siêu mỏng.
Tất nhiên, bên cạnh đó, cần có chính sách đền bù thỏa đáng, đúng giá trị thật của vị trí căn nhà, phù hợp với giá trị sử dụng của mảnh đất nhỏ còn lại cho các hộ gia đình.
Để kết thúc bài viết này, xin được nói lại suy nghĩ của anh bạn mới quen - thổ công của khu vực có nhiều nhà siêu mỏng trên đường Trương Định: “Về lâu dài, khi kinh tế phát triển, thu nhập đầu người sẽ tăng lên và đời sống xã hội được nâng cao hơn thì giá trị của cái gọi là “nhà mặt tiền” sẽ giảm đi, kể cả những mặt tiền đúng nghĩa, nói gì đến mặt tiền của nhà siêu mỏng!”.
Thế nên, những gia đình gặp cảnh nhà siêu mỏng cũng nên có cái nhìn xa hơn, không hại lắm cho mình, mà lại có lợi chung cho cộng đồng.
DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân Sài Gòn