Sau khi bản quy hoạch đô thị Sa Pa đến năm 2030 được công bố hồi đầu năm, một số nhà đầu tư bất động sản đã rậm rịch tính chuyện rót vốn vào thị trường sơ khai nhưng tiềm năng này.
Diện tích Sa Pa trong tương lai sẽ được mở rộng lên gấp đôi hiện nay, khoảng 4.637ha, chưa kể vùng phụ cận mở rộng tới 9 xã ngoại vi với khoảng 35.000 ha.
|
Theo bản quy hoạch do UBND tỉnh Lào Cai công bố hồi tháng 4/2012, diện tích Sa Pa trong tương lai sẽ được mở rộng lên gấp đôi hiện nay, khoảng 4.637ha, chưa kể vùng phụ cận mở rộng tới 9 xã ngoại vi với khoảng 35.000 ha.
Trong tương lai gần, Sa Pa sẽ là một đô thị gồm 9 phân khu chức năng, trong đó có khu đô thị trung tâm, khu đô thị mới Ô Quý Hồ, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, khu du lịch núi Hàm Rồng…
Nhưng điều đáng nói ở đây, trong bối cảnh thị trường bất động sản vẫn còn nhiều khó khăn, không ít nhà đầu tư đã quyết định rót hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng vào một khu vực cho dù khá nổi tiếng về du lịch, còn thực tế hiệu quả của đầu tư bất động sản vẫn còn là giai đoạn sơ khai.
Một lãnh đạo của Tập đoàn Trường Giang (Trường Giang Group) chia sẻ, Sa Pa từ lâu được biết đến là một địa danh du lịch nổi tiếng của cả nước. Thế nhưng, thay vì được đầu tư bài bản, có chiến lược, thị trường bất động sản, đặc biệt là bất động sản du lịch tại đây vẫn mang nhiều nét hoang sơ và nhỏ lẻ, thị trường thiếu bàn tay của những doanh nghiệp phát triển bất động sản chuyên nghiệp.
Trong khi đó, nguồn cung bất động sản tại khu vực này lại rất hạn chế nên giá đất tại trung tâm Sa Pa rất đắt đỏ, trung bình từ 50 – 80 triệu đồng/m2. Với thực tế đó, tập đoàn này đã quyết định rót 1.200 tỷ đồng để đầu tư dự án Mercure Sapa Resort & Spa, nằm ngay trung tâm của thị trấn.
Dự án có quy mô 47,45ha, là tổ hợp nhà phố và trung tâm thương mại, kết hợp với khu nghỉ dưỡng, khách sạn…
Theo ông Trịnh Xuân Trường, Phó chủ tịch UBND huyện Sa Pa, ngoài dự án Mercure Sapa Resort & Spa nói trên, hiện trên địa bàn huyện còn có hàng chục dự án bất động sản lớn, nhỏ khác với vốn đầu tư từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng.
Chẳng hạn như dự án khu du lịch sinh thái Tả Phìn rộng 27ha, với vốn đầu tư gần 20 triệu USD. Đây là dự án sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp trồng cây ăn quả và chế biến rượu vang.
Hai dự án khác mang thương hiệu Indochina của Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại quốc tế Đông Dương, là dự án khách sạn Sapa Indochina International, vốn đầu tư 170 tỷ đồng và dự án Indochina Spa & Resort hiện cũng đã được cơ quan chức năng phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500.
Ngoài ra, một loạt các dự án khác như dự án Resort Bitexco, tổng vốn đầu tư 750 tỷ đồng, dự án Resort Sencoin vốn đầu tư 178 tỷ đồng, dự án Lao Chải vốn đầu tư 100 tỷ đồng, dự án Resort Thung Lũng Vàng vốn đầu tư 65 tỷ đồng…cũng đang được các chủ đầu tư xúc tiến triển khai.
Được biết, hầu hết các dự án trên đều nằm trong nhóm các dự án được chính quyền huyện này xếp vào nhóm các dự án ưu tiên, hỗ trợ triển khai đầu tư hoặc kêu gọi vốn.
Theo đại diện lãnh đạo huyện Sa Pa, nếu phát triển theo đúng quy hoạch, đến năm 2030, Sa Pa sẽ trở thành khu du lịch đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đặc biệt, việc phát triển bất động sản tại Sa Pa trong tương lai gần sẽ được hậu thuẫn bởi nhiều thuận lợi về hạ tầng khi sân bay Lào Cai, đường xuyên Á, cửa khẩu Lào Cai – Côn Minh…đi vào hoạt động.
Còn với các chủ đầu tư, điều hấp dẫn với họ hơn cả chính là những thống kê về lượt du khách đến với Sa Pa tăng mạnh qua từng năm, từ vài chục nghìn lượt khách vào năm 2003, đến nay, mỗi năm Sa Pa đã đón trên 400 nghìn lượt khách trong nước và quốc tế, trong đó 6 tháng đầu năm 2012 đã có hơn 280 nghìn lượt khách đến với địa danh du lịch này.
DiaOcOnline.vn - Theo VnEconomy