Quá trình CPXD theo quy trình một cửa liên thông điện tử đã được Sở Xây dựng TPHCM thí điểm trong 6 tháng qua - bước đầu mang lại những kết quả tích cực và nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp (DN), cá nhân do sự tiện lợi và nhanh chóng.
Quy định về quy hoạch chưa thống nhất nên việc thực hiện các thủ tục để xin cấp phép xây dựng gặp khó khăn |
Thay vì khi xin cấp phép xây dựng (CPXD) tại Sở Xây dựng TPHCM, các chủ đầu tư phải làm tuần tự 3 thủ tục: thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế xây dựng và CPXD với khoảng 122 ngày, thì nay các chủ đầu tư có thể nộp hồ sơ cùng một lúc cho 3 thủ tục trên tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả với tổng thời gian thực hiện chỉ còn 42 ngày làm việc, kể cả thời gian lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Đó là quá trình CPXD theo quy trình một cửa liên thông điện tử đã được Sở Xây dựng TPHCM thí điểm trong 6 tháng qua - bước đầu mang lại những kết quả tích cực và nhận được sự đồng tình của các doanh nghiệp (DN), cá nhân do sự tiện lợi và nhanh chóng.
Hơn 50% hồ sơ không đạt yêu cầu
Sở Xây dựng TPHCM cho biết, qua 6 tháng thí điểm, tỷ lệ hồ sơ xin CPXD theo cơ chế liên thông chiếm khoảng 1/3 tổng hồ sơ tiếp nhận tại Sở Xây dựng và lượng hồ sơ nộp theo cơ chế này tăng lên theo từng tháng, cho thấy các DN rất quan tâm đến quy trình này.
Tại hội nghị tổng kết thực hiện thí điểm cơ chế một cửa liên thông điện tử trong công tác CPXD thuộc thẩm quyền Sở Xây dựng TPHCM theo Quyết định 52/2017 của UBND TPHCM tổ chức cuối tuần qua, ông Bùi Công Lương, Giám đốc dự án của Trường Đại học Văn Lang - đơn vị có 2 hồ sơ được CPXD theo quy trình này, cho biết việc áp dụng quy trình này rất thuận lợi cho DN, rút ngắn thời gian nên dự án được triển khai nhanh hơn.
Trước đây, để có được 1 GPXD phải làm theo 3 bước tuần tự, mất 3 - 4 tháng, thậm chí đến cả năm, nhưng với quy trình mới chỉ mất khoảng 50 ngày DN đã được cấp GPXD nên rất thuận tiện. Mặc dù vậy, ông Bùi Công Lương cũng như một số DN khác đề nghị cần có sự cải thiện hơn trong việc liên thông giữa các sở ngành ở các khâu đánh giá tác động môi trường, đánh giá tác động giao thông, thẩm định PCCC, thỏa thuận đấu nối điện - nước… vì các khâu này rất hay chậm trễ. Trong khi đó, chỉ cần một khâu thực hiện chậm trễ mà quá thời gian thực hiện trong quy trình liên thông thì chủ đầu tư phải rút hồ sơ ra và nộp lại từ đầu.
Về việc này, đại diện Phòng CPXD (Sở Xây dựng TPHCM) nhìn nhận, theo quy trình liên thông, các cơ quan chức năng khi được hỏi ý kiến phải có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 12 ngày làm việc, kể từ ngày nhận văn bản hỏi ý kiến của Sở Xây dựng, nhưng thực tế các cơ quan thường chậm trả lời, thậm chí… quên trả lời nên ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng giải quyết hồ sơ.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế nếu thiếu năng lực và chuyên nghiệp thì quy trình cũng không đạt. “Do quy trình liên thông mới phải giải quyết đồng thời 3 thủ tục mà kết quả của thủ tục này là cơ sở, điều kiện để thực hiện thủ tục kia, nên nếu chủ đầu tư hoặc đơn vị tư vấn thiết kế thực hiện thiết kế không phù hợp với các chỉ tiêu quy hoạch - kiến trúc, không tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn xây dựng áp dụng và quy định khác có liên quan đến 1 trong 3 thủ tục trên thì không thể áp dụng vào thực hiện theo quy trình nên phải thực hiện các thủ tục lại từ đầu, gây tốn thời gian và nguồn lực”, vị này lý giải.
Thực tế cho thấy, trong khoảng gần 100 hồ sơ nộp xin CPXD theo quy trình mới, chỉ khoảng 20% được CPXD, gần 21% hồ sơ Sở Xây dựng ban hành văn bản hướng dẫn và gần 31% hồ sơ chủ đầu tư xin rút để chuẩn bị lại vì các hồ sơ này không đảm bảo tính pháp lý và các yếu tố kỹ thuật của hồ sơ không đủ điều kiện thẩm định và CPXD theo quy định.
Cần liên thông hơn nữa
Mặc dù quy trình liên thông mới đã rút ngắn được khoảng 2/3 thời gian so với quy trình thông thường, nhưng ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TPHCM, cho rằng việc rút ngắn này là do Sở Xây dựng gộp 3 thủ tục thuộc thẩm quyền của sở để thực hiện một lần chứ chưa liên thông với các khâu thuộc thẩm quyền của các sở ngành khác, nên thực chất chưa giảm thủ tục bao nhiêu.
Các thủ tục thỏa thuận đấu nối hạ tầng kỹ thuật, thẩm duyệt thiết kế PCCC, đánh giá tác động môi trường đang được thực hiện theo quy định chuyên ngành, chưa có quy định pháp lý để triển khai liên thông nên chủ đầu tư phải thực hiện từng bước cho các thủ tục trên khiến kéo dài thời gian và tăng chi phí cho DN.
Sau thời gian thí điểm, với sự thống nhất cao của các sở ngành cũng như sự đồng tình của nhiều DN, Sở Xây dựng sẽ tham mưu UBND TPHCM kiến nghị Bộ Xây dựng cho thực hiện cơ chế này chính thức và nhân rộng tại các đơn vị, cơ quan khác; đồng thời, trình Bộ Xây dựng xem xét, phối hợp và chuẩn hóa giữa các cơ quan nhà nước về hình thức và nội dung hồ sơ mà chủ đầu tư phải nộp và ban hành chính thức bộ thủ tục hành chính này. Ngoài ra, Sở Xây dựng TPHCM sẽ nghiên cứu để kiến nghị Bộ Xây dựng giảm từ 3 bước trong CPXD hiện nay chỉ còn 1 bước là CPXD. Các bước còn lại chỉ là thành phần trong hồ sơ CPXD để việc cải cách hành chính triệt để hơn nữa.
Theo Sở Xây dựng TPHCM, để phát huy hiệu quả của việc thực hiện cơ chế liên thông trong CPXD theo quy trình mới, thì việc tổ chức tốt công tác quy hoạch phải được quan tâm hàng đầu. Các đồ án quy hoạch xây dựng, xây dựng lộ giới, hẻm giới; các quy chế về quản lý quy hoạch kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị đã được các cơ quan thẩm quyền phê duyệt ban hành phải được công bố công khai minh bạch.
Các cơ quan chức năng quản lý nhà nước về quy hoạch phải khẩn trương triển khai lập, thẩm định và phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết; ban hành các quy chế về quản lý quy hoạch, kiến trúc đô thị hoặc thiết kế đô thị để có cơ sở cho chủ đầu tư triển khai lập và trình thẩm định dự án đầu tư xây dựng, đáp ứng điều kiện để cơ quan nhà nước có thẩm quyền CPXD.
DiaOcOnline.vn - Theo SGGP