Vào mọi năm, khi màn trình diễn của Festival pháo hoa đã khép lại, các quán cà phê sang trọng ven bờ sông Hàn đông nghẹt những người khách phía Bắc “ngồi đồng”, ngắm những cao ốc ngả bóng trên mặt sông êm đềm. Họ thường ngồi ở đây để ra quyết định đối với việc đầu tư lướt sóng đất ở thị trường đang lên này.
Nhưng năm nay, mùa pháo hoa đã hết cả tháng, các quán cà phê này vẫn đông, nhưng nhìn chung tâm trạng các khách hàng có vẻ trầm tư, sốt ruột, bởi họ vào Đà Nẵng là để giao cho các sàn bất động sản (BĐS) quyết định bán đất để cắt lỗ.
Một khách hàng từ Hà Nội cho biết, khi biết dự án chậm tiến độ, chị phải có quyết định “đau đớn” mất hàng tỷ đồng tiền đặt cọc đợt đầu của 12 căn hộ cao cấp, không đeo đuổi dự án này nữa. Làn sóng chạy khỏi BĐS Đà Nẵng còn mạnh hơn là số lượng các dự án mới.
Cách đây một năm, thông tin chính thức đã đưa ra 12 ngàn lô đất nền còn trôi nổi trên thị trường, thì nay con số này dự đoán tăng lên gấp 4 lần do giới “lướt sóng” bung hàng mong chạy thoát khỏi cuộc khủng hoảng vì thị trường chạm đáy.
Hàng loạt đất nền ở khu đô thị Tây Bắc, vị trí không cận biển, đã tự hạ giá 40-50% so với mức cách đây 1 năm vẫn còn hàng ngàn lô rao cả năm và nằm lì tại các sàn giao dịch BĐS chưa có người mua.
Việc các công ty BĐS tiếp tục chào hàng đất nền với giá 3,5 triệu đồng/m2 nhưng tâm lý người có nhu cầu sử dụng ngán ngẩm khi các dự án cách xa trung tâm hành chính và thương mại và khả năng mất đến 10 năm để hình thành bộ mặt đô thị ở các dự án mới chào bán.
Đầu tư tiền vào đây lướt sóng để kiếm lời là bế tắc, còn nếu để ở thì người mua cũng ngán ngại tương lai dài không chợ, không trường học và các dịch vụ khác. Một số “cò đất” chân trong chân ngoài các sàn cho biết, số chủ đất ở các tỉnh phía Bắc đang gửi bán đất nền rất nhiều, và lý do “bán đất trả nợ ngân hàng” đang được đưa ra làm hình ảnh mới để “nhử mồi” khách hàng đến sau.
Với các sản phẩm căn hộ trung, cao cấp, biệt thự ven biển, giao dịch vẫn có nhưng khá dè dặt. Một số dự án cao cấp có tiếp tục tiến độ, nhưng theo ghi nhận thực tế, rất ít và rất chậm, vừa làm vừa nghe ngóng thị trường.
Đến thời điểm này, ngay các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhận ra đã đánh giá sai về tiềm năng của thị trường BĐS tại thành phố ven biển này khi nhìn vào mức tăng trưởng và hạ tầng đẹp, hiện đại, sự tăng trưởng du lịch và cuộc sống văn minh đô thị được đánh giá cao nhất ở Việt Nam.
Đà Nẵng vẫn bị coi là nơi khó kiếm việc làm tốt, lương thấp nên không thu hút được nhân sự cao cấp đến sống lâu dài. Các nhà đầu tư thứ cấp cũng nhận ra “con sóng” này đòi hỏi quá trình “lướt” từ 7-8 năm mới có lãi khi bộ mặt đô thị ở đây tạm hình thành.
Ông Adam Bury, Giám đốc Công ty CBRE, đã đưa ra ý kiến: “Mặc dù đã có một số dấu hiệu khả quan nhưng vẫn cần phải thận trọng trong việc tiếp cận thị trường năm 2012. Lòng tin của người mua luôn luôn thấp nhưng chúng tôi đã thấy một số tín hiệu chứng minh rằng điều này đang bắt đầu thay đổi. Tuy nhiên, với việc lạm phát vẫn còn đứng ở mức hai con số và tăng trưởng chậm thì chúng tôi khuyến cáo nếu lòng tin người mua có quay trở lại thì sự phục hồi vẫn sẽ diễn ra chậm”.
DiaOcOnline.vn - Theo Doanh Nhân Sài Gòn