Rủi ro khi mua nhà, đất bằng giấy tay

Cập nhật 20/10/2015 08:24

 Mua nhà, đất không qua công chứng, chứng thực, người mua dễ lâm vào cảnh mất trắng nếu bị kiện ra tòa

Thời gian qua, Báo Người Lao Động tiếp nhận khá nhiều phản ánh của người dân về những rủi ro xung quanh việc mua nhà, đất bằng giấy tay.

Mỏi mòn đợi nhận nền đất

Năm 2005 và 2006, bà N.T.N.H (ngụ quận Gò Vấp, TP HCM) nhận chuyển nhượng của bà T.T.K.A (ngụ quận Bình Thạnh) 2 lô đất tái định cư tại khu tái định cư Bình Hòa (phường 13, quận Bình Thạnh) với giá 810 triệu đồng. Theo thỏa thuận, bà K.A phải bàn giao 2 lô đất cho bà N.H khi chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận giao nền đất. Tuy nhiên, bà K.A đã làm giả tờ biên bản giao nhận nền nhà của chủ đầu tư cùng một số giấy tờ khác để đề nghị UBND quận Bình Thạnh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và đã được UBND quận Bình Thạnh cấp cho ông L.N (chồng bà K.A).

Biết được sự việc, bà N.H gửi đơn tố cáo đến chủ đầu tư, Công an quận Bình Thạnh, Công an TP HCM. Nhận định đây là quan hệ giao dịch dân sự, không có sự việc phạm tội, Công an TP HCM không thụ lý đơn và hướng dẫn bà N.H kiện ra tòa. Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận cũng cho rằng đây là quan hệ dân sự, thực hiện bên ngoài công ty, không liên quan đến công ty nên hướng dẫn bà N.H kiện ra tòa hoặc gửi đơn tố cáo đến các cơ quan nhà nước.

“Suốt thời gian dài, tôi gõ cửa khắp nơi nhưng đến nay, vụ việc vẫn chưa được giải quyết. Biết rằng việc mua đất không có giấy tờ gặp nhiều rủi ro nhưng đây là vụ việc có thật, có giao tiền và số tiền này do tôi tích góp cả đời mới có được. Mong cơ quan có thẩm quyền sớm can thiệp” - bà N.H đề nghị.


Dài cổ chờ tòa xét xử

Năm 2010, bà T.T.H.O (ngụ quận Tân Bình) mua nhà và đất tại số D4/1, ấp 4, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh của ông N.B.L (xã Lê Minh Xuân) với giá 250 triệu đồng. Việc mua bán này không qua cơ quan nhà nước công chứng, chứng thực, chỉ có sự chứng kiến của tổ trưởng tổ dân phố. Sau khi mua, vợ chồng bà O. dọn về ở. Bất ngờ, năm 2011, bà T.T.A.N đến yêu cầu vợ chồng bà O. ra khỏi nhà với lý do bà N. đã mua nhà trước đó. Vụ tranh chấp được đưa ra UBND xã Lê Minh Xuân, UBND huyện Bình Chánh hòa giải. Sau khi TAND huyện Bình Chánh thụ lý, đã nhiều năm trôi qua, vụ án vẫn chưa được xét xử.

May mắn hơn các trường hợp trên, bà N.T.N.H (ngụ xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) sau khi kiện đã được đứng tên trên GCNQSDĐ cho diện tích đất mà bà H. đã mua bằng giấy tay.

Năm 2012, bà H. mua của bà N.T.K.L (ngụ cùng xã) 82 m2 đất (trên đất có nhà) bằng giấy tay. Năm 2014, bà H. phát hiện diện tích đất bà đã mua được UBND huyện Nhà Bè cấp GCNQSDĐ cho một người khác. Bà H. gửi đơn khiếu nại đến UBND xã Phước Kiển, UBND huyện Nhà Bè nhưng các cơ quan này đùn đẩy trách nhiệm. Hết cách, bà H. gửi đơn kiện ra TAND huyện Nhà Bè. Sau cùng, TAND huyện Nhà Bè đã ban hành quyết định công nhận sự thỏa thuận của các đương sự.

Phải tìm hiểu kỹ

Theo luật sư Nguyễn Văn Cường, Đoàn Luật sư TP HCM, về nguyên tắc khi giao dịch chuyển quyền sở hữu nhà, sử dụng đất, hợp đồng giữa các bên phải được công chứng, chứng thực của cơ quan công chứng hoặc UBND phường, xã nơi có bất động sản tọa lạc. Các bên phải thực hiện nghĩa vụ tài chính, như: đóng lệ phí trước bạ, thuế thu nhập cá nhân… Khi đó, mới đủ điều kiện để văn phòng đăng ký đất cho đăng ký, công nhận quyền sở hữu nhà, sử dụng đất cho người mua, người nhận chuyển nhượng.Trên thực tế có một số trường hợp bất động sản chưa đủ giấy tờ xác định chủ quyền theo quy định, các bên vẫn có thể giao dịch mua bán, chuyển nhượng nhưng phải tuân theo một số cách thức nhất định. Việc này chỉ có thể thông qua các đơn vị có chuyên môn (văn phòng luật sư hoặc chủ đầu tư nếu bất động sản thuộc dự án).

“Đặc biệt, trước khi giao dịch chuyển nhượng bất động sản, người mua, nhận chuyển nhượng cần tìm hiểu kỹ đối tượng giao dịch có trên thực tế hay không; xem xét chủ quyền qua các giấy tờ hiện có; thẩm tra thông tin về chủ quyền tại văn phòng đăng ký đất đai nơi có bất động sản tọa lạc hoặc tại chủ đầu tư” - luật sư Cường lưu ý.


DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao động