Thường có giá trị lớn, lại rất nhiều lựa chọn, nên chỉ những nhà đầu tư có tiềm lực và có cái nhìn dài hạn mới nên đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng với chu kỳ sinh lợi từ 4 - 6 năm trở lên.
Sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng thường có giá trị rất cao, nên đầu tư vào phân khúc này thường là những người dư dả tài chính
|
Giá trị sản phẩm của dự án bất động sản nghỉ dưỡng thường rất lớn, lên tới cả triệu USD/sản phẩm, nên dù chủ đầu tư đưa ra cam kết phân chia lợi nhuận từ 60 - 85%, thì để có lợi nhuận, nhà đầu tư phải tính bước đường dài. |
Theo báo cáo mới nhất về thị trường bất động sản Phú Quốc, nếu năm 2012 chỉ có 120 đất nền được tung ra, thì đến năm 2015, số sản phẩm tại đảo Ngọc được tung ra thị trường đã lên tới 2.500 sản phẩm, từ căn hộ, biệt thự, đến đất nền.
Tính đến cuối năm 2015, toàn khu vực Phú Quốc có 965 sản phẩm đã hoàn tất hợp đồng mua bán, trong đó có 165 đất nền, 710 biệt thự biển và 90 căn hộ. Giá bán của dòng sản phẩm này cũng khá cao, dao động từ 550.000 USD đến cả triệu USD/căn. Trong khi đó, đất nền có giá 80.000 - 120.000 USD/sản phẩm và căn hộ được chào 70.000 - 220.000 USD/căn.
Theo ông Hoàng Mạnh Dũng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn GIICO, sự sôi động của bất động sản nghỉ dưỡng đến từ xu hướng tiếp cận nhiều hơn của một bộ phận dân cư có tiềm năng tài chính tới hình thức nghỉ dưỡng sinh thái. Chưa kể, các chính sách mà các chủ đầu tư đưa ra là tương đối hấp dẫn cho khách hàng khi muốn sở hữu các biệt thự, hay căn hộ nghỉ dưỡng theo hình thức timshare, từ hỗ trợ tài chính, chiết khấu và cam kết sinh lời nhiều năm, đã kích thích nhu cầu sở hữu và đầu tư trong dài hạn của những người có tiền.
Dù thanh khoản tăng đột biến trong năm qua, nhưng để thu hút khách hàng, bên cạnh việc đa dạng hóa sản phẩm, tăng tiện ích của dự án, các chủ đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng vẫn không ngừng tung ra các chính sách bán hàng và cam kết phân chia lợi nhuận hấp dẫn.
Cần cái nhìn dài hạn
Được ví như “nàng công chúa” bởi sự sang trọng và hấp dẫn của mình, sự trở lại mạnh mẽ của phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng năm qua đã đặt ra nhiều kỳ vọng cho nhiều người, nhất là các chủ đầu tư.
Kỳ vọng này càng lớn hơn khi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, cũng như các nghị định hướng dẫn có hiệu lực, trong đó có quy định quan trọng là mở rộng cửa hơn cho Việt kiều và nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu và kinh doanh bất động sản tại Việt Nam. Bên cạnh đó, việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng, như FTA với EU, Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và đặc biệt là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường bất động sản nói chung và thị trường bất động sản nghỉ dưỡng nói riêng phát triển.
Dù đã có sự trở lại ngoạn mục trong năm 2015, nhưng chưa thể khẳng định thị trường này đang bước vào chu kỳ phát triển bền vững và những nhà đầu tư bỏ vốn vào phân khúc này có thể thu lời được ngay, bởi dù thị trường đã hồi phục, nhưng niềm tin của nhà đầu tư chưa hoàn toàn trở lại. Do đó, với những nhà đầu tư có tiền đầu tư vào phân khúc này, cần có cái nhìn dài hạn 4 - 6 năm, thậm chí là lâu hơn. Bởi giá trị sản phẩm của dự án bất động sản nghỉ dưỡng thường rất lớn, lên tới cả triệu USD/sản phẩm, nên dù chủ đầu tư đưa ra cam kết phân chia lợi nhuận từ 60 - 85%, thì để có lợi nhuận, nhà đầu tư phải tính bước đường dài.
Ông Rudolf Hever, Giám đốc điều hành Công ty Alternaty đánh giá, trong thời gian qua, các hoạt động phát triển dự án bất động sản nghỉ dưỡng diễn ra khá sôi động, nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng đang tăng lên. Dường như thị trường đã vượt qua đáy và có rất nhiều lý do để lạc quan, kỳ vọng tình hình sẽ khởi sắc theo chu kỳ kinh doanh trong những năm tới. Tuy nhiên, về phía nguồn cầu, đối với khách mua ngôi nhà thứ hai, niềm tin vẫn chưa rõ rệt và những dấu hiệu trên vẫn chưa thật sự vững chắc.
Một yếu tố khác nhà đầu tư cần chú ý khi đầu tư vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng theo hình thức timeshare là vị trí của dự án có nằm ở địa phương có tiềm năng du lịch hay không, cũng như đơn vị quản lý có uy tín hay không… để thu hút khách thuê?
Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Jones Lang Lasalle Việt Nam cho biết, nguồn cung lớn, nhưng để đánh giá là tốt thì chưa nhiều dự án thực sự thể hiện rõ được điều đó, đặc biệt là tiềm năng về lợi nhuận sau khi cho thuê lại. Với người mua ngày càng thông minh như hiện nay, hiển nhiên yêu cầu của họ sẽ cao hơn rất nhiều để đảm bảo khả năng sinh lời đồng vốn mà họ bỏ ra.
Điểm mấu chốt cho câu chuyện này là sự thiếu đồng đều giữa phát triển bất động sản gắn liền phát triển du lịch biển khi phần lớn hiện tại vẫn “mạnh ai nấy làm”. Bản thân những khu resort, sân golf ven biển đáp ứng được vấn đề níu khách ở lại, nhưng hình thức chia lô đã khiến các bãi biển tự nhiên bị các khu resort này chiếm giữ, tạo cảm giác chật chội.
Bản thân những dự án đất nền cũng chưa có sự đảm bảo sẽ trở thành một khu du lịch phức hợp hoàn chỉnh có sự kết nối với các dự án khác để thay đổi cả một hệ tầng xã hội trong phát triển du lịch, ngoại trừ lời cam kết từ các mô hình trên giấy và cấp sổ hồng cho người mua nhà.
Do đó, để bất động sản nghỉ dưỡng là “con bò sữa”, đem lại lợi nhuận, nhà đầu tư phải có cái nhìn dài hạn về cả dự án và triển vọng phát triển du lịch của địa phương, nơi có dự án.