Rót vốn dự án dở dang: Tránh nợ đẹp trở thành xấu

Cập nhật 25/01/2013 16:25

Thực tế, thời gian qua tại nhiều dự án bất động sản, chủ đầu tư đã thực hiện góp vốn 30-40% với khách hàng. Tuy nhiên, do ngân hàng dừng cho vay, khách hàng không thể vay tiền để nộp, công trình dở dang. Nếu kéo dài dẫn đến nguy cơ nợ đẹp sẽ trở thành xấu bất động sản.

Dự án dở dang khát vốn


Tại phiên giải trình với Ủy ban kinh tế Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng về các vấn đề liên quan đến tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, vấn đề được nhiều đại biểu băn khoăn nhất đó là việc xem xét rót vốn cho các dự án dở dang đã huy động vốn của khách hàng.

Theo đánh giá nhiều chuyên gia bất động sản, việc nhiều dự án nhà chung cư đang xây dựng dở dang, đã huy động vốn một phần tiền của khách hàng nhưng buộc phải dừng lại do ngân hàng thắt chặt việc cho vay là một trong những tác nhân làm gia tăng số lượng hàng tồn kho. Các khoản nợ vay mua nhà bình thường sẽ rất dễ biến thành khoản nợ xấu nếu việc dừng cho vay kéo dài.

Tổng giám đốc một doanh nghiệp bất động sản đã từng chia sẻ với PV, “tôi đọc báo thấy Ngân hàng Nhà nước chủ trương, chỉ đạo các ngân hàng thương mại cho vay khoản này, khoản kia đối với bất động sản, song khi tìm đến ngân hàng thương mại thì họ bảo “làm gì có cái đó”.

Bản thân hiện doanh nghiệp này đang triển khai một vài dự án, đang vay, đang nợ ngân hàng hàng chục tỷ đồng, nhưng là “nợ đẹp”. Tuy nhiên, sắp tới, nếu ngân hàng không cho vay thêm để tiếp tục triển khai dự án thì những khoản nợ trên cũng sẽ trở thành “nợ xấu”, bởi doanh nghiệp sẽ càng lâm vào khó khăn vì thiếu vốn.

Tại phiên giải trình Ủy ban kinh tế Quốc hội về các vấn đề bất động sản, bà Nguyễn Thị Kim Ngân – Phó chủ tịch Quốc hội tỏ ra lo lắng, hiện nay rất nhiều dự án bất động sản đang xây dựng dở dang do thiếu vốn nguyên nhân do ngân hàng dừng cho vay. Hầu hết chủ đầu tư các dự án này đã thực hiện việc góp vốn với khách hàng. Nếu ngân hàng kéo dài tình trạng này, khả năng các khoản vay đang là nợ đẹp biến thành nợ xấu. Vì vậy, cần xem xét cân nhắc việc có tiếp tục rót vốn cho các dự án này hay không? Nếu ngân hàng tiếp tục cho vay, dự án hoàn thành, người mua nhà sẽ có nhà để ở. Chủ đầu tư thu được tiền khách hàng để trả nợ ngân hàng.

Ngân hàng lập lờ nước đôi

Trả lời vấn đề này, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước Nguyễn Thanh Bình cho rằng, trong năm 2012, mặc dù trong bối cảnh kinh tế khó khăn, Ngân hàng nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại đưa ra các gói tín dụng đối với bất động sản với mức lãi suất thấp hơn. Nhưng trong năm 2013 Ngân hàng Nhà nước không khẳng định được mức lãi suất và thời hạn cho vay là bao nhiêu. Ngân hàng Nhà nước vẫn cam kết cho vay dàn trải hơn đối với bất động sản với mức lãi suất thấp hơn để tạo điều kiện kích thích nguồn cầu. Về lâu dài, ông Bình đề nghị Nhà nước cần xây dựng thể chế mới trong việc cho vay đầu tư kinh doanh bất động sản.

“Đối với những dự án đang xây dựng dở dang nhưng thiếu vốn trên thực tế có rất nhiều kiểu dự án khác nhau. Có những dự án đang vay vốn ngân hàng nhưng chủ đầu tư rơi vào tình trạng “nửa đường đứt gánh” do năng lực tài chính kém, có dự án ngân hàng cho vay nếu tiếp tục cho vay nữa chủ đầu tư cũng không thể thực hiện được. Vì vậy, việc rót vốn cần được đánh giá lại và có tiêu chí cụ thể. Bộ Xây dựng là cơ quan chủ quản cần đưa ra đánh giá tình trạng khả thi của các dự án thì Ngân hàng mới xem xét cho vay” ông Bình khẳng định.

Tuy nhiên, rất nhiều đại biểu tỏ ra nghi ngại về cam kết của Ngân hàng nhà nước, đại biểu Trần Du Lịch cho biết, việc người dân quyết định mua nhà hay không mua phụ thuộc rất nhiều vào lãi suất và thời hạn mà ngân hàng đưa ra. Trong năm 2013, theo nghị quyết của Chính phủ, Ngân hàng sẽ dành gói tín dụng 20-40 ngàn tỷ đồng hỗ trợ người mua nhà và 3% dư nợ của Ngân hàng thương mại để cho vay bất động sản nhằm kích thích thị trường là giải pháp tốt. Tuy nhiên, Ngân hàng cho vay với lãi suất và thời hạn là bao lâu. Liệu ngân hàng có thể cam kết giữ mức lãi suất 3 năm theo thị trường được không? Người dân và doanh nghiệp đều vẫn rất cần có thông tin cụ thể hơn để tránh rủi ro.

DiaOcOnline.vn - Theo VnMedia