Rối rắm thuế nhà đất

Cập nhật 22/12/2007 08:00

Hai năm qua, giữa doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản và ngành thuế Cần Thơ liên tục có những lấn cấn về thuế khiến nhiều dự án bị đình trệ.

Hội thảo chuyên ngành bất động sản và xây dựng tổ chức sáng 21 - 12 tại Cần Thơ để giải quyết vấn đề này nhưng vẫn chưa gỡ hết rối.

Thủ tục kéo dài, thiệt hại tiền tỉ

Tại Cần Thơ, hầu hết các DN đầu tư khu dân cư đều thực hiện triển khai dự án vào năm 2002 - 2003. Lúc đó UBND TP Cần Thơ đã có phê duyệt qui hoạch, quyết định giao dự án; mãi đến cuối năm 2004 mới có quyết định thu hồi và giao đất chính thức.

Chính sự kéo dài này đã nảy sinh những rắc rối trong việc xác định thời điểm giao đất để tính tiền sử dụng đất (TSDĐ). Ông Võ Ngọc Châu - tổng giám đốc Công ty 586 - cho biết TSDĐ mà công ty ông phải đóng năm 2003 là 18 tỉ, năm 2004 tăng lên 75 tỉ và năm 2005 là 153 tỉ đồng.

Cùng cảnh ngộ, ông Võ Thành Vạn - giám đốc Công ty Thiên Lộc - bức xúc: tất cả đều do “tiền hậu bất nhất” giữa các nghị định và công văn hướng dẫn thực hiện của trung ương và địa phương.

Nghị định 84 của Chính phủ ban hành năm 2007 xác định “nếu thời điểm bàn giao đất không đúng với thời điểm ghi trong quyết định giao đất thì nghĩa vụ tài chính được xác định theo chính sách và giá đất tại thời điểm bàn giao đất thực tế”.

Trong khi đó công văn 9395 năm 2007 của Bộ Tài chính xác định giá đất tại thời điểm DN nộp tiền sẽ được áp để tính TSDĐ! Công văn 4196 năm 2006 của Tổng cục Thuế xác định “tất cả dự án được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất trước 1.1.2005 (không phân biệt giao chính thức hay quyết định tạm giao) và đã nộp TSDĐ trước 1.1.2005 thì số tiền tạm nộp đó được qui ra tương ứng với diện tích tại thời điểm nộp tiền”...

Với sự không thống nhất trên, cơ quan thuế lại lấy giá đất từng năm để tính TSDĐ khiến số tiền các DN phải nộp tăng theo.

Khấu trừ rồi lại không khấu trừ

Chưa hết, DN còn bức xúc chuyện khấu trừ và bồi hoàn. Theo các nhà đầu tư, phần bồi hoàn cho diện tích công cộng không được khấu trừ vào TSDĐ. Theo một số DN, diện tích công cộng họ phải bồi hoàn, xây dựng cơ sở hạ tầng và bàn giao cho địa phương khai thác, sử dụng, DN không có bất kỳ quyền lợi nào.

Trước đây có công văn cho khấu trừ nhưng sau đó lại có công văn không cho khấu trừ. Nhiều DN cũng lên tiếng về việc phải giao lại 10% quĩ đất cho địa phương.

Một DN cho rằng điều đó vô cùng bất hợp lý bởi đây giống như là một loại phí mà nhà đầu tư phải gánh bên cạnh TSDĐ, thuế nhà, đất... Muốn được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, DN phải giao lại 10% quĩ đất cho địa phương.

“Điều này là trái luật và làm khó nhà đầu tư, cần phải bãi bỏ qui định này như TP.HCM đã làm” - ông này nói. Ông Võ Ngọc Châu cho rằng nếu “giao” lại 10% quĩ đất thì phải được tính với mức giá hợp lý, chứ với mức giá hiện nay thì quá thấp.

Lối ra chưa rõ ràng

Liên quan đến việc xác định thời gian tính TSDĐ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho rằng TSDĐ mà DN tạm nộp trước 1.1.2005 được qui đổi theo giá tại thời điểm nộp. Tuy nhiên đây mới chỉ là kết luận ở hội nghị.

Ông Lê Tấn Nẫm - phó cục trưởng Cục Thuế TP Cần Thơ - nói: “Những vướng mắc trên Cục Thuế Cần Thơ đã nhiều lần xin hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế..., dù đã có nhiều công văn hướng dẫn nhưng hơn hai năm qua lấn cấn về thuế vẫn chưa gỡ được”.

Nguyên do, theo ông Nẫm, là trước năm 2005, TP Cần Thơ gặp khó khăn về ngân sách nên có văn bản kêu gọi nhà đầu tư tạm nộp TSDĐ. Khi DN nộp chính thức thì phát sinh nhiều vấn đề.

Thứ nhất là tiền tạm nộp trước ngày 1.1.2005 được qui đổi theo giá nào? Quyết định giao đất trước và sau thời điểm Luật đất đai có hiệu lực (1.7.2004) tính sao? Dự án chưa có quyết định giao đất tính như thế nào? Thứ hai là tiền khấu trừ vào tổng diện tích dự án hay theo diện tích đất có thu TSDĐ? Thứ ba là diện tích đất xây dựng tái dịnh cư có phải nộp hay không?

“Trước đây cơ quan thuế Cần Thơ trừ thuế theo cách tiền bồi hoàn trừ thẳng vào TSDĐ để nộp, nhưng Thanh tra Nhà nước cho rằng chúng tôi làm như vậy không đúng mà phải trừ vào diện tích có thu TSDĐ.

Căn cứ vào các trường hợp DN ứng trước việc bồi thường về đất, hỗ trợ về đất thì được trừ vào tiền bồi thường, hỗ trợ về đất, theo phương án mà cơ quan đã duyệt. Và TSDĐ phải nộp là theo diện tích mà DN phải nộp TSDĐ. Đây là vướng mắc cuối cùng để trả lời nên chúng tôi tiếp tục xin ý kiến hướng dẫn thực hiện”- ông Nẫm nói thêm...

Văn bản nào nộp nhiều thì cơ quan thuế áp dụng

Ông Vũ Tất Dậu - tổng giám đốc Công ty cổ phần Xây dựng Cần Thơ - bức xúc: "Cơ quan thuế triển khai các văn bản hướng dẫn tính TSDĐ theo hướng tận thu! Văn bản nào mà DN nộp nhiều thì triển khai, văn bản nào tháo gỡ cho DN lại không được triển khai".



Theo Tuổi Trẻ