Rối phương án vốn xây cầu Sài Gòn 2

Cập nhật 08/12/2008 09:56

Tổng vốn xây dựng cầu Sài Gòn 2 dự kiến là 1.872 tỉ đồng theo hình thức BOT, nhưng hiện chưa gút được phương án hoàn vốn.

TPHCM đã bắt đầu “chạm tay” vào những dự án lớn trên xa lộ Hà Nội (đoạn từ cầu Sài Gòn đến cầu Đồng Nai) nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông trên trục đường cửa ngõ này. Như mở rộng xa lộ Hà Nội, cầu Rạch Chiếc, cầu Đồng Nai 2, cầu Sài Gòn 2... Tất cả các dự án này đều được triển khai theo hình thức BOT nên hiện chủ đầu tư đang rối với phương án hoàn vốn. Dự án cầu Sài Gòn 2 là một điển hình.

Thu phí xa lộ Hà Nội để hoàn vốn cầu Sài Gòn 2


Tại buổi lễ ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần BOT cầu Phú Mỹ (PMC) mới đây, Giám đốc Sở GTVT TPHCM Trần Quang Phượng nhấn mạnh việc xây dựng cầu Sài Gòn 2 sẽ góp phần giảm áp lực giao thông đang đè nặng lên cầu Sài Gòn hiện hữu, nhất là sau khi xa lộ Hà Nội được mở rộng đến 153 m. Hiện nay, cầu Sài Gòn chỉ đáp ứng được hơn 50% năng lực lưu thông. Cảnh kẹt xe, ùn tắc ở hai đầu cầu Sài Gòn xảy ra như cơm bữa. Vì thế, cầu Sài Gòn 2 ra đời sẽ giúp người dân đi lại thoải mái hơn.

Theo thiết kế của Công ty Cổ phần Tư vấn thiết kế cầu lớn - hầm, tính từ nút giao Hàng Xanh ra, cầu Sài Gòn 2 nằm bên phải cầu Sài Gòn hiện hữu với tổng chiều dài 1.518 m, phần cầu dài 995 m, bề rộng cầu 23,5 m (tương đương 6 làn xe). Các thông số kỹ thuật và kiến trúc của cầu mới tương tự cầu cũ để tránh bị “chỏi”, có thể ví như một “người em song sinh” về hình dáng. Tổng vốn đầu tư cho dự án cầu Sài Gòn 2 là 1.872 tỉ đồng, dự kiến sẽ khởi công trong năm 2009. Theo ông Nguyễn Thành Thái, Tổng Giám đốc PMC (chủ đầu tư), hiện PMC chưa bàn cụ thể phương án tài chính, nhưng cơ bản là thu phí trên xa lộ Hà Nội để hoàn vốn cho cầu Sài Gòn 2.

Thu chung có được hay không?


Trong khi đó, theo Thông tư số 90/2004/TT-BTC ngày 7-9-2004 của Bộ Tài chính, đối với các đoạn đường bộ bắt đầu thu phí phải bảo đảm khoảng cách giữa hai trạm thu phí ở trên cùng một tuyến đường có độ dài tối thiểu là 70 km. Do đó, trên Quốc lộ 1A, tính từ trạm thu phí Sông Phan (Bình Thuận) đến trạm thu phí Kinh Dương Vương (TPHCM), không còn một vị trí nào có thể lập trạm thu phí nữa.

Hiện đơn vị đang thu phí ở trạm thu phí xa lộ Hà Nội là Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TPHCM (CII). Đến năm 2013, CII mới hết hợp đồng thu phí dự án mở rộng đường Điện Biên Phủ và tiếp tục thu phí thêm 12 năm (kể từ ngày 1-1-2014) để hoàn vốn 1.000 tỉ đồng mà CII ứng cho dự án xây dựng cầu Rạch Chiếc mới. Như vậy, việc PMC thu phí trên xa lộ Hà Nội để hoàn vốn cho cầu Sài Gòn 2 sẽ được triển khai thế nào? Người dân sẽ phải đóng phí cho ai và đóng như thế nào khi đi qua cầu Sài Gòn 2 và xa lộ Hà Nội?

Ông Thái cho biết: “Khi nào TP duyệt thiết kế kỹ thuật, chúng tôi sẽ tính phương án tài chính cụ thể với CII. Đây là việc tương đối dễ, khi đó có lẽ mức thu phí sẽ thay đổi vì hiện nay quá thấp!”. Còn ông Dương Quang Châu, Phó Giám đốc đầu tư kinh doanh của CII, cho biết chưa hề nghe chuyện PMC sẽ thu phí trên xa lộ Hà Nội để hoàn vốn cho cầu Sài Gòn 2. Nếu PMC cũng thu phí trên xa lộ Hà Nội sẽ tăng khó cho CII. Lý do, hiện CII không chỉ ứng vốn cho dự án xây dựng cầu Rạch Chiếc mới mà còn là chủ đầu tư dự án mở rộng xa lộ Hà Nội với vốn dự kiến là 1.600 tỉ đồng. Như vậy, khả năng thu phí để hoàn vốn cùng lúc 2 dự án ở trạm thu phí xa lộ Hà Nội xem khó khả thi. “Đối với vốn BOT, không hẳn cứ thu phí chung rồi tăng thời gian thu lên là trả nợ lãi vay được. Câu hỏi đặt ra là thu chung có được hay không, phương án phân chia thế nào?”- ông Châu đặt vấn đề.

Ngay từ khi biết dự án cầu Sài Gòn 2 xây dựng theo hình thức BOT, Sở GTVT cũng đã thấy lo ngại về vấn đề hoàn vốn. Ông Thái cho biết ban đầu, dự định làm cầu Sài Gòn 2 theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) nhưng do không đủ vốn nên TP đã đề nghị chuyển thành hình thức BOT. “Khi TP đã yêu cầu BOT thì TP sẽ phải có cách hỗ trợ hoàn vốn cho chúng tôi”- ông Thái khẳng định.

DiaOcOnline.vn - Theo Người Lao Động