Rối chuyện chung cư: Nỗi lo trộm cắp

Cập nhật 13/04/2017 09:43

 Chọn ở chung cư, nhất là chung cư cao cấp, để an toàn nhưng không ít người đã phải gánh nỗi lo mất an ninh

>>Rối chuyện chung cư: Bi hài ban quản trị!

>>Rối chuyện chung cư

Chung cư Hoàng Anh Gia Lai (phường Tân Quy, quận 7, TP HCM) được quảng cáo là cao cấp, an ninh nghiêm ngặt. Vậy mà, thực tế người lạ ra vào chung cư này lại rất dễ.

Bảo vệ có như không

Bằng chứng là lúc 9 giờ ngày 12-4, chúng tôi đã vô tư gửi xe và vào thẳng khuôn viên chung cư Hoàng Anh Gia Lai mà 2 bảo vệ ở đây chẳng hề hỏi thăm. Đáng nói, ở khu vực thang máy và thang bộ của chung cư này chẳng có bảo vệ kiểm tra việc lên, xuống. Chỉ có 2 chiếc camera an ninh lắp đặt gần đó để theo dõi. Việc dùng thang máy đi vào các tầng chẳng hề thấy bảo vệ để ý.

Điều khiến chúng tôi ngỡ ngàng nhất là thang máy của chung cư này, ai cũng có thể sử dụng thoải mái. Theo đó, chúng tôi cứ thế bấm thang máy đi hết tầng này đến tầng khác. Tại đây, chúng tôi bắt gặp một căn hộ ở tầng 7, khu A mở cửa mà không người trông coi, xung quanh chẳng thấy camera ghi hình. Tình trạng này nếu gặp phải trộm thì... khó mà không mất cắp!


Sáng 12-4, ghi nhận cho thấy việc ra vào chung cư Hoàng Anh Gia Lai (quận 7, TP HCM) rất dễ dàng đối với người lạ Ảnh: LÊ PHONG

Trước đó, đi thực tế ở cao ốc Ngô Gia Tự (quận 10), lúc đầu chúng tôi tưởng sẽ rất khó “đột nhập” vì ở lối ra vào luôn có một tổ bảo vệ giám sát các màn hình camera an ninh. Thế nhưng, sự thật lại hoàn toàn khác. Lúc 11 giờ 45 phút ngày 11-4, chúng tôi cùng một người giao cơm gửi xe phía trước cao ốc và đi vào một cách tự nhiên. Mặc dù bảo vệ nhận biết người lạ nhưng chẳng hề quan tâm và cứ thế chúng tôi lên xuống rất nhiều tầng ở cao ốc này như đang đi dạo ở công viên.

Còn ở chung cư Sơn Kỳ 1, quận Tân Phú thì phải nói là lực lượng bảo vệ nơi đây có cũng như không. Quan sát suốt 2 ngày 9 và 10-4, cái ghế mà bảo vệ hay ngồi bảo vệ block B chung cư này thường xuyên trống chỗ. Khách ra vô nườm nượp mà bảo vệ thì vô tư rời vị trí. “Tình trạng này thường xuyên xảy ra anh ơi. Nói cũng vậy à. Bảo vệ nơi đây thiếu chuyên nghiệp vô cùng” - anh Hoàng, một cư dân của chung cư Sơn Kỳ 1, ngao ngán.

Dễ dàng “nhờ” thang máy

Nhiều cư dân ở chung cư Era Town (phường Phú Mỹ, quận 7) đang lo lắng nhiều về tình trạng người lạ vô tư “nhờ” thang máy. Cụ thể, để sử dụng thang máy, cư dân phải quẹt thẻ từ như một bước bảo vệ. Tuy nhiên, nhiều người thuê căn hộ ở chung cư này đã không vì lợi ích chung của mà cứ thế cho người lạ đi nhờ thang máy bằng cách bấm giúp số tầng mà muốn lên. “Đáng nói, tầng trệt của chung cư này là siêu thị, việc ra vào đơn giản thì kẻ xấu có thể giả vờ vào đây mua sắm, sau đó nhờ thang máy lên chung cư. Như vậy rất nguy hiểm. Lỡ họ lên làm chuyện phi pháp thì không ai lường hết được hậu họa” - bà L., một cư dân của chung cư, lo ngại.

Sự thật còn hơn cả những gì cư dân phản ánh, ngày 7-4, chúng tôi thử vào chung cư Era Town bằng cách gửi xe ở tầng hầm, sau đó hỏi bảo vệ lên thăm người thân ở tầng 24. Bảo vệ không kiểm tra giấy tờ rồi hướng dẫn vào thang máy và nhờ người đi cùng bấm thang. Sau đó, tôi vào thang máy và một nhân viên siêu thị cũng đang đi lên, người này hỏi tôi lên tầng nào để quẹt thẻ giúp.

Một cư dân ở chung cư này cho biết do việc quản lý lỏng lẻo, bảo vệ thì có nhiều người lớn tuổi nên từng xảy ra tình trạng trộm cắp. Vừa qua, nhiều xe đạp của cư dân để ngoài hành lang ở các tầng bị kẻ trộm lấy. Khi mất đến chiếc thứ 6 mới phát hiện kẻ trộm là bảo vệ cũ của chung cư nên thông thuộc ngóc ngách và biết cách né camera quan sát.

Không đợi chúng tôi hỏi sâu vào vấn đề, ông P.N.T, ngụ chung cư Phan Văn Trị (quận 5), bức xúc: “Việc ra vào ở chung cư này được quản lý rất lỏng lẻo. Tôi chứng kiến mấy lần người lạ ra vào chỉ cần bỏ ra 2.000 đồng để sử dụng thang máy. Bảo vệ cứ thế thu tiền và chẳng hỏi thăm khách lạ tìm đến căn hộ nào”.

Hậu quả nhãn tiền

Đã 2 tuần trôi qua nhưng khi nghĩ cảnh trộm đột nhập nhà mình, chị Nguyễn Thị Minh Thương (SN 1983, ngụ lô J, nhà E, chung cư Bình Khánh - phường An Phú, quận 2) vẫn không khỏi lo âu. Khoảng 11 giờ ngày 25-3, chị Thương rời khỏi nhà thì bảo vệ chung cư hỏi đi đâu. Chị trả lời đi ăn cơm trưa nhưng thực chất là họp lớp cùng nhóm bạn ở quận 3. “Khi tôi về nhà thì phát hiện phòng ngủ bị lục tung, quần áo, sách vở lộn xộn. Tôi kiểm tra và phát hiện toàn bộ tài sản của mình đã không cánh mà bay, với tổng giá trị lên đến 600 triệu đồng” - chị Thương nhớ lại.

Chị Thương tức tốc báo ban quản lý chung cư, sau đó Công an quận 2 đã cử cán bộ xuống ghi nhận, đo vẽ hiện trường. Chị Thương băn khoăn: “Mỗi tháng tôi đều nộp phí quản lý chung cư, trong đó có phần dành cho việc bảo đảm an ninh. Tuy nhiên, khi tôi thắc mắc vấn đề an ninh trật tự thì ban quản lý lại nói phía trước hành lang không có camera, còn giếng trời thì càng không thể kiểm soát”.

Khi chúng tôi đang trao đổi với chị Thương thì chị Hằng ở căn hộ gần đó kể lại chuyện trộm đột nhập nhà mình trong tích tắc. Theo chị Hằng, cách đây vài tháng, vợ chồng chị khóa cửa và xuống bên dưới chung cư uống cà phê. Chỉ một giờ sau, vợ chồng chị trở lên thì phát hiện trộm cắt khóa cửa chính, lấy đi 3 điện thoại và một đồng hồ. Ngoài chị Thương, chị Hằng thì theo nhiều cư dân khác, tại chung cư Bình Khánh đã xảy ra một số trường hợp khác bị trộm cắt khóa, đột nhập trộm tài sản.

Vấn đề cư dân ở các chung cư đặt ra là ai sẽ bồi thường cho những vụ mất cắp nếu công an không bắt được kẻ gây án?

Mất tài sản, chỉ được hỗ trợ 50%

Mới đây, chị H.T.D.P (SN 1980), chủ căn hộ của một chung cư ở quận Thủ Đức, gửi đơn đến Công an phường Linh Đông (quận Thủ Đức) trình báo bị mất trộm. Theo chị P., khoảng 18 giờ 15 phút ngày 7-2, chị đi làm về thì thấy căn hộ bị xáo trộn, có dấu hiệu kẻ gian đột nhập. Qua kiểm tra, chị P. nghi ngờ kẻ gian trèo từ lan can giếng trời gần hành lang ra vào căn hộ để vào trong rồi cắt ổ khóa lấy đi vàng, tiền… ước tính hơn 50 triệu đồng. Ngay sau khi sự việc xảy ra, chị P. đã trình báo ban quản lý chung cư và công an địa phương.

“Từ thời điểm xảy ra vụ trộm, chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn đến cơ quan chức năng yêu cầu điều tra vụ việc. Đến nay, dù công an chưa làm rõ có vụ trộm hay không, thủ phạm là ai… nhưng qua trao đổi với chủ hộ, chủ đầu tư đã thỏa thuận hỗ trợ chị P. 50% số tiền (27 triệu đồng) trên tổng số tài sản chị trình báo mất trộm” - đại diện ban quản lý chung cư thông tin.
 

Tội phạm thích vào chung cư ẩn náu?

Một trinh sát Phòng CSĐT tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an TP HCM cho biết hiện nay, nhiều đối tượng tội phạm đang chọn thuê chung cư làm nơi ẩn náu cũng như gây án, nhất là tổ chức đánh bạc, bởi dễ dàng phát hiện người lạ vào chung cư để cảnh giới và bỏ trốn.

Đơn cử, để phá được sòng bạc do Phương Thành Phước (42 tuổi) tổ chức ở căn hộ tầng 16 chung cư Hùng Vương Plaza (quận 5) ngày 8-12-2016 vừa qua, công an phải mất nhiều tháng lên kế hoạch đột nhập mới qua mặt được các tầng nấc cảnh giới của chủ sòng bạc này.

Công an TP HCM ập vào bắt đối tượng thuê căn hộ ở chung cư Hùng Vương Plaza (quận 5) để tổ chức đánh bạc. (Ảnh do cơ quan công an cung cấp)

Ngoài ra, theo một trưởng công an phường thuộc quận Bình Thạnh, tội phạm thích chọn chung cư làm nơi ẩn náu còn có lý do là việc ban quản trị chung cư ngó lơ chuyện đăng ký tạm trú. Vị trưởng công an phường này cho rằng rất nhiều căn hộ ở chung cư được cho thuê. Theo nguyên tắc, khi người lạ vào ở thì ban quản trị chung cư phải khai báo với công an khu vực nhưng thực tế rất ít nơi thực hiện.


DiaOcOnline.vn - Theo NLĐ